Kiểm toán nhà nước đồng hành cùng địa phương trong quản lý tài chính công, tài sản công
Địa phương - Ngày đăng : 09:55, 04/11/2024
Công tác phối hợp ngày càng tích cực và hiệu quả
Tại Hội nghị sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2013-2023 và ký Quy chế phối hợp giai đoạn mới giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đánh giá, sau hơn 10 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa KTNN với các tỉnh, thành phố đã đi vào thực chất, phát huy được hiệu quả công tác, giúp các cơ quan hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao.
Giai đoạn 2013 - 2023, kết quả đạt được của hoạt động phối hợp đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác của các bên. Hàng năm, thông qua hoạt động kiểm toán ngân sách địa phương, KTNN đã tư vấn và giúp HĐND tỉnh Thái Bình hoàn thiện hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Những thông tin, dữ liệu trao đổi giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND tỉnh đã có tác dụng tích cực cho các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng của tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lập dự toán ngân sách, phòng chống tham nhũng, lãng phí, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân được giao quản lý, sử dụng tiền và tài sản nhà nước. Đồng thời, sự phối hợp tích cực và hiệu quả của HĐND, UBND tỉnh Thái Bình đã góp phần giúp KTNN hoàn thành tốt kế hoạch kiểm toán hàng năm được Quốc hội giao.
Có thể khẳng định, công tác phối hợp giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND tỉnh Thái Bình qua hơn 10 năm được thực hiện chặt chẽ, đi vào thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo mục tiêu đề ra với những nội dung thiết thực, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, thể hiện trên các mặt: Xây dựng kế hoạch kiểm toán; thực hiện kiểm toán; thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; phối hợp trong hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương, giám sát hoạt động của đoàn kiểm toán và của Kiểm toán viên nhà nước; phối hợp trong công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân sách cho đại biểu dân cử cũng như trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, tuyên truyền các dự án luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản về chính sách, chế độ có liên quan đến hoạt động của KTNN và của HĐND, UBND tỉnh.
Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã tư vấn giúp tỉnh hoàn thiện hơn trong công tác quản lý, điều hành ngân sách; quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Những thông tin, dữ liệu trao đổi giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND tỉnh đã có tác dụng tích cực cho các cấp chính quyền, cơ quan chức năng xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lập dự toán ngân sách, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với địa phương
Bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự ủng hộ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, có thể nói, sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời và có hiệu quả của KTNN, đặc biệt là KTNN khu vực XI đã góp phần giúp Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thái Bình triển khai thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực.
Theo đó, kinh tế của tỉnh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Thái Bình đang duy trì nền kinh tế tăng trưởng khá với GRDP ước đạt 33.657 tỷ đồng, tăng 7,96% so với cùng kỳ năm 2023. Cơ cấu thu ngân sách chuyển dịch tích cực, thu ngân sách nội địa luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước có đóng góp về Trung ương. Đến hết tháng 9/2024, tổng thu ngân sách nội địa trên địa bàn tỉnh Thái Bình đạt hơn 7.509 tỷ đồng, đạt 87,5% dự toán, tăng 39,9% so với cùng kỳ thực hiện.
Tình hình chính trị - xã hội địa phương luôn ổn định, quốc phòng - an ninh được bảo đảm, chủ quyền biên giới, biển đảo quốc gia được giữ vững; công tác xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều đổi mới; tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phương thức lãnh đạo, năng lực điều hành, quản lý của chính quyền được nâng lên, nhiều mô hình mới, cách làm đột phá, sáng tạo đạt hiệu quả rõ nét được thực tiễn chứng minh. Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền được củng cố, nâng lên rõ rệt.
Các cuộc kiểm toán luôn lựa chọn những vấn đề quan trọng, được các cấp chính quyền của tỉnh quan tâm, với chất lượng hoạt động kiểm toán không ngừng được nâng lên. Đồng thời, đi sâu vào việc đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; trong đó, tập trung kiểm toán ngân sách địa phương, kiểm toán các dự án đầu tư xây dựng, các chương trình mục tiêu quốc gia…
Trong thời gian tới, KTNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với địa phương để triển khai hiệu quả công tác kiểm toán, đồng thời chia sẻ, cung cấp thông tin giúp tỉnh có những quyết định kịp thời, hiệu quả trong việc quản lý nhà nước./.