Xây dựng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Kinh tế - Ngày đăng : 10:02, 04/11/2024
Tại Hội thảo, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã báo cáo với các đồng chí nguyên lãnh đạo Tập đoàn qua các thời kỳ về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trong thời gian qua, tình hình xây dựng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Theo tinh thần của Kết luận 76-KL/TW của Bộ Chính trị, Petrovietnam đặt mục tiêu hướng đến xây dựng và phát triển trở thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia gắn với phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng truyền thống, cũng như tham gia chuỗi giá trị năng lượng mới, năng lượng tái tạo, tiếp tục là đầu tàu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh kinh tế, an ninh quốc phòng.
Các đồng chí nguyên lãnh đạo Tập đoàn bày tỏ vui mừng với những kết quả mà Tập đoàn đã đạt được trong thời gian qua, giữ vững mục tiêu phát triển ổn định và tăng trưởng, đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh năng lượng cũng như thực hiện tốt những nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao cho ngành Dầu khí. Đồng thời, nêu các ý kiến trao đổi, đóng góp trong việc xây dựng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong thời kỳ mới.
Các ý kiến tại Hội thảo thống nhất rằng giai đoạn 2025-2030 là giai đoạn bản lề để Petrovietnam chuyển mình thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia và phát triển vượt bậc. Để thực hiện tốt mục tiêu này, Petrovietnam cần tập trung xây dựng bộ giải pháp triển khai thực hiện cụ thể, đặc biệt tập trung vào việc tháo gỡ những vướng mắc về mặt thể chế, hành lang pháp lý để làm cơ sở cho Petrovietnam triển khai các hoạt động.
Theo GS,TSKH. Hồ Sĩ Thoảng, để Petrovietnam thực hiện được những mục tiêu đã đề ra trong chiến lược phát triển thì cần phải chú trọng đến chất lượng của công tác quản lý ở Petrovietnam, cần quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo đi đôi với phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ trong mọi mặt hoạt động.
TS. Nguyễn Quốc Thập cho rằng, thời gian tới sẽ là cơ hội phát triển rất tốt với Petrovietnam. Với định hướng trở thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia, Petrovietnam đã có đủ nguồn lực, đủ khả năng để thực hiện tuy nhiên "rào cản" lớn chính là cơ chế chính sách còn chậm tháo gỡ và chưa đồng bộ.
Bên cạnh đó, Petrovietnam cần xác định lĩnh vực chủ lực trong giai đoạn tới ngoài công nghiệp khí thì năng lượng tái tạo ngoài khơi cũng là một lĩnh vực cần chú trọng để trở thành Tập đoàn Công nghiệp, các sản phẩm chủ lực của Tập đoàn trong giai đoạn tới cũng cần hướng đến ưu tiên phát triển các nguồn nguyên liệu, nhiên liệu sạch và xanh.
Đối với việc xây dựng chiến lược, ông Phạm Xuân Cảnh - nguyên Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn, nguyên Thành viên HĐTV Petrovietnam nhận định, cần thay đổi tư duy trong việc xây dựng chiến lược với quy chế, quy trình phải được đổi mới cũng như có các giải pháp mang tính đột phá. Trong đó, Tập đoàn tập trung đẩy mạnh công tác tái cấu trúc, tái cơ cấu các doanh nghiệp, đơn vị để tập trung nguồn lực, phát huy sức mạnh để phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Kết luận Hội thảo, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn cho biết, Tập đoàn sẽ tiếp tục xin ý kiến, hoàn thiện Dự thảo để báo cáo các cấp có thẩm quyền. Đồng thời, Petrovietnam sẽ tiếp tục triển khai các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện có hiệu quả Kết luận số 76-KL/TW ngày 24/4/2024 của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và một số định hướng cho giai đoạn mới, tất cả vì mục tiêu xây dựng và phát triển Petrovietnam trở thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia, phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng cũng như góp phần phát triển đưa đất nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.