Chia sẻ kiến thức trong ASEANSAI về kiểm toán môi trường

Kiểm toán - Ngày đăng : 12:40, 05/11/2024

(BKTO) - Tại Hội thảo Chia sẻ kiến thức ASEANSAI về “Công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp và làng nghề” do Kiểm toán nhà nước Việt Nam đăng cai tổ chức sáng 05/11, tại Hà Nội, các đại biểu đã tập trung chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm thực tế tại mỗi quốc gia, cũng như trao đổi về hoạt động kiểm toán môi trường phù hợp với bối cảnh cụ thể của các nước.
dsc_4869.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Hà Thị Mỹ Dung chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự Hội thảo

Bà Mya Thet Mon - Phó Vụ trưởng, KTNN Myanmar

Theo Hướng dẫn của INTOSAI, kiểm toán hoạt động thường được chia thành 5 loại theo góc độ môi trường, gồm: kiểm toán việc tuân thủ luật pháp và quy định về môi trường của chính phủ; kiểm toán tính hiệu quả của các dự án về môi trường của chính phủ; kiểm toán tác động môi trường của các dự án khác của chính phủ; kiểm toán hệ thống quản lý môi trường và đánh giá các chính sách và dự án về môi trường đang được lập kế hoạch.

Trong số đó, SAI Myanmar đã thực hiện các hoạt động kiểm toán thứ hai và thứ tư theo góc độ môi trường. Cụ thể, SAI Myanmar đã kiểm toán đánh giá tác động môi trường của hoạt động khoan và khai thác giếng dầu tại vùng Magway và Mandalay (Myanmar), từ đó có nhiều phát hiện quan trọng về những điểm yếu trong các luật liên quan, sự thiếu phối hợp giữa các phòng ban và các bên, cũng như có sự chậm trễ trong việc thực hiện Kế hoạch quản lý môi trường. 

anh-myanma.jpg
Bà Mya Thet Mon - Phó Vụ trưởng, KTNN Myanmar

SAI Myanmar cũng phát hiện, việc giám sát tuân thủ không hiệu quả và đánh giá yếu kém các biện pháp thực hiện là một trong những nguyên nhân, góp phần gây ra hiện tượng dầu tràn vào sông suối, sau đó chảy vào đất nông nghiệp, ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế - xã hội của cộng đồng địa phương. Kết quả kiểm toán đã giúp các quy trình của Kế hoạch quản lý môi trường hiệu quả hơn. Đồng thời, giúp cải thiện sự phối hợp giữa các bên chịu trách nhiệm giám sát hoạt động khoan và khai thác giếng dầu.

Bà Jamiah Binti Amin - Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm toán hoạt động, KTNN Malaysia

KTNN Malaysia đã thực hiện kiểm toán đánh giá việc quản lý nguồn nước quốc gia, trong đó tập trung đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực quản lý nguồn nước nhằm đáp ứng nhu cầu của con người và bảo tồn sự bền vững của môi trường. 

db-malaisia.jpg
Bà Jamiah Binti Amin - Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm toán hoạt động, KTNN Malaysia

Trong quá trình thực hiện kiểm toán quản lý nguồn nước quốc gia, SAI Malaysia đã phát hiện có 140 dự án bị trì hoãn, vượt quá thời gian theo tiến độ đã đề ra, gây thiệt hại 4,753 tỷ ringgit Malaysia. Bên cạnh đó, SAI Malaysia cũng phát hiện ô nhiễm chất lượng nước đến từ nước thải của các nhà máy xử lý nước thải là một trong những nguồn ô nhiễm cao nhất đối với nhu cầu oxy sinh hóa (BOD), ước tính đạt 343,45 tấn mỗi ngày...

Qua kiểm toán, SAI Malaysia kiến nghị cần tăng cường giám sát việc hoàn thành và phát triển dự án chất lượng nước để có thể hoàn thành trong thời gian quy định. Đồng thời, cải thiện việc kiểm soát các nguồn ô nhiễm và các thông số xử lý một cách hiệu quả hơn...

Ông Mohd Adib Haji Md Noor - Kiểm toán viên, KTNN Brunei

Brunei là một quốc gia nhỏ trên đảo Borneo, được chia thành 2 phần riêng biệt, bao quanh bởi Malaysia và Biển Đông với dân số 463.482 người (năm 2024) và diện tích chỉ 5.765 km². Tại Brunei có những khu bảo tồn lớn như “Công viên quốc gia Brunei” chiếm 40% diện tích Khu bảo tồn rừng; rừng nhiệt đới Borneo là một trong những khu rừng lâu đời nhất thế giới. Hoạt động khai thác dầu khí cũng làm sao đảm bảo tránh việc phá rừng. Brunei thực hiện giám sát mọi hoạt động bao gồm cả những hoạt động có thể gây ra ô nhiễm và tác động đến môi trường. 

db-bruney.jpg
Ông Mohd Adib Haji Md Noor - Kiểm toán viên, KTNN Brunei

Để đảm bảo môi trường luôn được bảo vệ và giữ gìn khỏi ô nhiễm, Brunei đã ban hành Lệnh Bảo vệ và Quản lý môi trường năm 2016; Lệnh về Chất thải nguy hại (Kiểm soát xuất nhập khẩu và quá cảnh) năm 2013. Để kiểm soát ô nhiễm trong phát triển công nghiệp, Brunei có Hướng dẫn kiểm soát ô nhiễm cho phát triển công nghiệp nhằm kiểm soát khí thải vào không khí, xả nước thải từ các hoạt động phát triển công nghiệp và xây dựng. Trong đó có hướng dẫn cho các nhà đầu tư dự án xác định tác động của dự án đến môi trường và các bước cần thực hiện để tránh, giảm thiểu và cải thiện tác động của dự án đến môi trường.

Phát huy vai trò của mình, KTNN Brunei thực hiện kiểm toán môi trường nhằm đảm bảo việc tuân thủ Đạo luật và quy định về bảo vệ và quản lý môi trường, kiểm soát chất thải nguy hại. Qua đó xác nhận trách nhiệm giải trình và hoàn thành vai trò của bên liên quan, nếu có những phát hiện nghiêm trọng sẽ chuyển vấn đề lên các Cơ quan có thẩm quyền cao hơn (Bộ trưởng hoặc các Cơ quan có liên quan).

Ông Umar Syarifuddin - Kiểm toán viên, KTNN Indonesia

Theo Kế hoạch phát triển trung hạn quốc gia 2020-2024, Indonesia tập trung phát triển 10 điểm du lịch ưu tiên và 5 điểm du lịch hàng đầu. Các điểm du lịch này đều nhận được sự hỗ trợ ưu tiên từ Chính phủ trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển hoạt động du lịch. Indonesia cũng xác định rõ 6 ngành được ưu tiên trong phục hồi du lịch, gồm: du lịch công tác kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái và phiêu lưu, du lịch chăm sóc sức khỏe, di sản và văn hóa, du lịch ẩm thực và làng du lịch.

quang-canh-ht-asean.jpg
Quang cảnh Hội thảo

Tại Indonesia, kiểm toán làng du lịch và đánh giá tác động môi trường đã được thực hiện tại huyện Toba - Làng du lịch, Thiên đường ẩn giấu. Trong đó, hồ Toba là điểm du lịch siêu ưu tiên của quốc gia, nơi có hồ núi lửa lớn nhất thế giới với diện tích lên tới 114.500 ha, giáp ranh với 7 huyện, 129 làng nghề. Tại làng du lịch Toba có sự đa dạng văn hóa, thiên nhiên độc đáo, sản phẩm du lịch sáng tạo phù hợp với du lịch cộng đồng, kết hợp giữa văn hóa và kiến thức bản địa. Qua kiểm toán, KTNN Indonesia đã kiến nghị Chính phủ cần xem xét kiến thức bản địa khi phát triển cơ sở vật chất du lịch tại địa phương của huyện Toba...

ASEANSAI được thành lập ngày 16/11/2011 với mục tiêu tạo ra một diễn đàn khu vực tập trung, thúc đẩy hợp tác và trao đổi chuyên môn, nâng cao năng lực cho các SAI của ASEAN. Kể từ khi thành lập, ASEANSAI đã và đang đóng vai trò là cầu nối liên kết các SAI trong khu vực với các tổ chức quốc tế như ASOSAI và INTOSAI; tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực, chuẩn mực quốc tế, môi trường trao đổi, hợp tác chuyên môn và nâng cao năng lực cho SAI của các nước thành viên ASEAN. Thông qua các chương trình đào tạo, các hoạt động chia sẻ kiến thức, ASEANSAI cung cấp cơ sở vật chất và môi trường tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho kiểm toán viên và cán bộ quản lý kiểm toán của các nước thành viên, từ đó thúc đẩy sự chuyên nghiệp và hiệu quả trong lĩnh vực kiểm toán công tại khu vực Đông Nam Á.

NHÓM PHÓNG VIÊN