Nâng cao chất lượng công tác kiểm toán môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 21:50, 05/11/2024
Tại Hội thảo, đại biểu đến từ các SAI thành viên ASEANSAI đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quý báu, cùng nhau làm rõ các phương pháp kiểm toán, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường để làm căn cứ, cơ sở đưa ra phát hiện, kiến nghị kiểm toán; Các phương pháp, cách thức để tổ chức thực hiện kiểm tra, theo dõi kiến nghị kiểm toán; Các giải pháp để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm toán môi trường...
Trao đổi với SAI Indonesia về các quy chuẩn thực hiện một cuộc kiểm toán hoạt động tại KTNN Việt Nam, ông Tô Tuấn Anh - Kiểm toán viên KTNN chuyên ngành III cho biết, hiện nay, môi trường là một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm tại Việt Nam. Có rất nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với nước thải, khí thải, chất thải nguy hại và môi trường xung quanh như đất, nước, không khí... đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Trong quá trình kiểm toán, các kiểm toán viên sẽ thu thập những tài liệu, những căn cứ, cơ sở dữ liệu từ nhiều nguồn như: kế hoạch quan trắc môi trường của các địa phương, các hệ thống quan trắc tự động đối với nước thải, khí thải... Đồng thời, thực hiện đối chiếu, so sánh xem có phù hợp và đảm bảo theo các quy chuẩn được ban hành không.
Liên quan đến quy trình kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN Việt Nam, ông Tô Tuấn Anh cho biết, theo quy định của Luật KTNN, báo cáo kiểm toán sau khi phát hành sẽ có giá trị bắt buộc phải thực hiện. KTNN Việt Nam đã xây dựng một quy trình riêng cho hoạt động kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Đơn vị chủ trì việc thực hiện kiểm toán có trách nhiệm rà soát, tổng hợp, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước về kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của các đơn vị được kiểm toán. Trong trường hợp chưa nhận được đầy đủ báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị của đơn vị được kiểm toán cũng như chưa có đầy đủ bằng chứng chứng minh đơn vị được kiểm toán chưa thực hiện đầy đủ kiến nghị kiểm toán, đơn vị chủ trì kiểm toán sẽ lập kế hoạch và báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước để thực hiện việc kiểm tra trực tiếp tại đơn vị.
Ngoài ra, KTNN Việt Nam sẽ báo cáo Quốc hội và thực hiện công khai trên cổng thông tin điện tử của Ngành...
Chia sẻ về một số khó khăn trong công tác kiểm toán việc quản lý nguồn tài nguyên nước tại Malaysia, SAI Malaysia cho biết, thiếu thông tin, kiến thức chuyên sâu chuyên ngành là một trong những trở ngại mà SAI Malaysia đang phải đối mặt.
Theo bà Jaminah Binti Amin - Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm toán hoạt động, SAI Malaysia, ngôn ngữ kỹ thuật chuyên sâu về nguồn nước và ngôn ngữ chuyên ngành của kiểm toán viên tương đối khác nhau. Để giải quyết khó khăn này, SAI Malaysia đã xây dựng một đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên hỗ trợ phân tích, giải thích các báo cáo, dữ liệu để các kiểm toán viên có thể hiểu rõ hơn, từ đó áp dụng vào thực hiện kiểm toán.
Trả lời câu hỏi của KTNN Việt Nam về thách thức lớn nhất gặp phải trong việc giám sát và đảm bảo tuân thủ các quy định môi trường đối với hoạt động khai thác dầu, bà Mya Thet Mon - Phó Vụ trưởng, KTNN Myanmar cho biết, trở ngại lớn nhất trong cuộc kiểm toán này là nhận thức của cộng đồng chưa cao.
“Chúng tôi đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, hội thảo, đào tạo, đồng thời tăng cường hợp tác chặt chẽ với các bộ, ban, ngành và các bên liên quan để chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về công tác kiểm toán môi trường. Đây chính là môt trong những giải pháp chúng tôi áp dụng để thực hiện thành công cuộc kiểm toán đánh giá tác động môi trường của hoạt động khoan và khai thác giếng dầu” - đại diện SAI Myanmar chia sẻ.
Trao đổi với SAI Malaysia về chế tài xử phạt vi phạm về môi trường thông qua hoạt động kiểm toán, ông Đỗ Duy Anh - Kiểm toán viên KTNN chuyên ngành III cho biết, Việt Nam có nhiều thông tư, nghị định liên quan đến các chế tài xử phạt liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước hoặc các chế tài xử phạt liên quan đến lĩnh vực tài nguyên khoáng sản...
“Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của ASEANSAI là một trong những sự kiện hợp tác quốc tế quan trọng của KTNN Việt Nam nói riêng và của cộng đồng ASEANSAI nói chung, thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của các SAI thành viên nhằm thúc đẩy sự hợp tác, phối hợp và không ngừng phát triển thông qua các hoạt động tăng cường năng lực, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm kiểm toán”
Bà Hoàng Thị Vinh Thúy, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III
Nêu ví dụ trong việc xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, ông Đỗ Duy Anh cho biết, đối với các hoạt động khai thác tài nguyên trái phép hoặc vượt quá lưu lượng cho phép, các đơn vị vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, thu hồi các khoản nợ bất hợp pháp từ các hoạt động khai thác khoáng sản đó. Ngoài ra, đơn vị vi phạm phải bồi hoàn và khắc phục môi trường nguyên trạng như trước khi thực hiện khai thác.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, bà Hoàng Thị Vinh Thúy - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III cho biết, những bài tham luận và ý kiến thảo luận từ các SAI thành viên ASEANSAI tại Hội thảo đã cung cấp góc những góc nhìn mới mẻ và sâu sắc về các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách mà chúng ta đang phải đối mặt.
“Những kiến thức, kinh nghiệm và thông tin được chia sẻ trong Hội thảo lần này sẽ tạo nền tảng vững chắc, thúc đẩy những hành động thiết thực trong tương lai, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán môi trường, gắn với các mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia ASEAN” - bà Vinh Thúy khẳng định./.