Nâng cao chất lượng quản lý và kiểm toán ngân sách địa phương

Đối nội - Ngày đăng : 09:05, 02/01/2019

(BKTO) - Vừa qua, tại TP. Thái Nguyên, KTNN khu vực X phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo Nghiệp vụ quản lý và kiểm toán ngân sách địa phương. Hội thảo có sự tham dự của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa và đại diện lãnh đạo Sở Tài chính, Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước của 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang, cùng một số đơn vị trực thuộc KTNN.


Nhiều vướng mắctừ địa phương

Hội thảo là cơ hội để các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao nghiệp vụ quản lý ngân sách địa phương của cán bộ, nhân viên các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn các tỉnh, đồng thời nâng cao sự hiểu biết của kiểm toán viên về điều hành ngân sách địa phương, từ đó nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương.

Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa, quá trình phối hợp giữa KTNN với các địa phương chắc chắn sẽ nảy sinh những khó khăn, bất cập cần có giải pháp tháo gỡ. Trong khuôn khổ Hội thảo này, các đại biểu cần tập trung làm rõ một số vấn đề như: phối hợp trong công tác lập quyết toán; tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; chia sẻ thông tin giữa cơ quan thanh tra và kiểm toán…

Dẫn kết quả thu chi ngân sách của tỉnh, ông Nguyễn Minh Quang - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thái Nguyên - cho biết, nếu năm 2007 là năm đầu tiên tỉnh có số thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 1.000 tỷ đồng thì đến năm 2017, con số này đã tăng lên 12.789 tỷ đồng và ước thu năm 2018 đạt khoảng 14.000 tỷ đồng. Với số thu này, tính đến hết năm 2017, tỉnh đã cơ bản đảm bảo được nguồn thực hiện cải cách tiền lương và một số chế độ chính sách về an sinh xã hội, giáo dục theo quy định của Chính phủ, xử lý dứt điểm nhiều khoản vay tạm ứng từ ngân sách tỉnh, giảm nợ đọng xây dựng cơ bản.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Quang cũng chỉ ra một số bất cập trong các quy định của Nhà nước làm ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư ở địa phương. Cụ thể, để kêu gọi DN đầu tư, tỉnh đã phải ứng kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng và thực hiện nhiều cơ chế ưu đãi khác đối với DN. Nhưng khi DN có phát sinh số thu lớn thì theo quy định hiện hành sẽ phải nộp vào ngân sách T.Ư, chỉ trích lại một phần cho ngân sách địa phương. Điều này là chưa hợp lý và có thể dẫn đến việc nhiều địa phương ỷ lại, không cần “trải thảm” đón DN vào đầu tư.

Ở một khía cạnh khác, theo Trưởng phòng Ngân sách của Sở Tài chính tỉnh Hà Giang Phan Điểm Bích, trong quá trình lập quyết toán ngân sách địa phương theo quy định của Luật NSNN năm 2015, đơn vị gặp phải một số bất cập. Đơn cử, đối với mẫu biểu quyết toán theo Luật NSNN năm 2015 để gửi Bộ Tài chính và KTNN, hiện nay, địa phương thực hiện đơn giản, thuận lợi hơn nhiều so với hệ thống biểu mẫu của Luật NSNN 2002. Tuy nhiên, bất cập là biểu mẫu này lại không đồng nhất với các biểu mẫu mà cơ quan tài chính địa phương phải tổng hợp, báo cáo, trình HĐND tỉnh theo quy định tại Nghị định số 31/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, biểu mẫu quyết toán trình HĐND tỉnh phức tạp hơn, chi tiết hơn mẫu biểu quyết toán theo Luật NSNN năm 2015, gây khó khăn cho cơ quan tài chính tỉnh.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng cho rằng, hiện nay, có một số quy định của các Bộ, ngành đưa ra chưa có sự thống nhất, còn chồng chéo, gây khó khăn cho địa phương trong khâu thực hiện. Những quy định chồng chéo có thể dẫn đến những cách hiểu và thực hiện khác nhau, tạo bất lợi cho địa phương khi cơ quan thanh tra, kiểm toán vào kiểm tra. Các địa phương mong KTNN là “trọng tài”, có ý kiến với các Bộ, ngành để sửa đổi cho phù hợp.

Khắc phục chồng chéotrong hoạt động thanh tra,kiểm toán

Một trong những vấn đề “nóng” ở địa phương hiện nay là tình trạng chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán. Nhiều đại biểu tham dự Hội thảo đã dành thời gian thảo luận về vấn đề này.

Phó Chánh Thanh tra tỉnh Thái Nguyên Cao Minh Luận thừa nhận, mặc dù đã có nhiều cố gắng, chủ động phối hợp với các ngành để xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhưng trong thực tế, vẫn còn cơ quan nhà nước trong một năm là đối tượng của nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Cá biệt, năm 2018, một huyện của tỉnh Thái Nguyên đã đón 7 đoàn thanh tra. Để khắc phục tình trạng này, ông Luận cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ngay từ khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm toán. “Khi phát hiện có chồng chéo với KTNN thì Thanh tra tỉnh phối hợp xử lý bằng cách ban hành văn bản yêu cầu cơ quan thanh tra đó không thực hiện thanh tra để đảm bảo sự độc lập của hoạt động kiểm toán” - đại diện Thanh tra tỉnh Thái Nguyên đề nghị.

Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa, việc khắc phục sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán hiện nay rất phức tạp. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước dẫn chứng: Đối tượng thanh tra của Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải cùng liên quan đến dự án. Một Bộ liên quan đến việc bố trí vốn, một Bộ liên quan đến quy trình đầu tư, nhưng cuối cùng cũng là để chỉ ra những vấn đề như: khối lượng đã làm chưa, đấu thầu thế nào, chỉ định thầu thế nào… Mà những vấn đề này cũng đồng thời là đối tượng của thanh tra tài chính, KTNN, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra T.Ư.

“Cách tốt nhất là các cơ quan thanh tra, kiểm toán phải công khai kế hoạch thanh tra, kiểm toán, từ đó phối hợp để thống nhất đầu mối thực hiện, hạn chế thấp nhất sự chồng chéo” - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa nói.

Đối với vấn đề chưa có sự thống nhất trong hệ thống biểu mẫu theo ý kiến của đại diện Sở Tài chính Hà Giang, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cho rằng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc không thống nhất là bình thường, bởi mỗi cơ quan có một chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Nếu Sở Tài chính phải lập báo cáo gửi HĐND thì phải lấy biểu mẫu của HĐND, như vậy mới đảm bảo được nội dung HĐND cần. Tuy nhiên, nếu hệ thống mẫu biểu có những điểm khác nhau thì cần chú trọng vào những điểm khác, cần có hướng dẫn chi tiết việc lấy chỉ tiêu này như thế nào.
Theo Báo Kiểm toán số 52 ra ngày 27-12-2018