Nỗ lực tạo chuyển biến trong theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 05:35, 07/11/2024

(BKTO) - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn vừa ký Quyết định số 04/VBHN-KTNN ngày 28/10/2024 ban hành Quy định theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán (KL, KNKT) của Kiểm toán nhà nước (KTNN). Theo ông Hoàng Văn Lương - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Quy định này nhằm đảm bảo việc thực hiện KL, KNKT hiệu quả hơn, chất lượng hơn.
5-.jpg
Nhiều đơn vị đã kết hợp có hiệu quả công tác kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán lồng ghép trong các cuộc kiểm toán. Ảnh tư liệu

Thưa ông, xin ông cho biết tại sao phải sửa đổi, ban hành Quy định theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị vào thời điểm này?

Việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của quy định theo dõi, kiểm tra việc thực hiện KL, KNKT của KTNN vào thời điểm này nhằm 3 mục tiêu.

Thứ nhất là để đảm bảo các hoạt động của KTNN, trong đó có hoạt động theo dõi, kiểm tra việc thực hiện KL, KNKT phù hợp với yêu cầu của Quy định số 131-QĐ/TW ngày 21/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Thứ hai là đảm bảo sự thống nhất, phù hợp giữa các văn bản pháp luật, các văn bản hướng dẫn của KTNN mới ban hành.

Thứ ba là để cập nhật các vấn đề từ thực tiễn hoạt động của KTNN nhằm kịp thời thể chế hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN.

Từ quy định này, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về trách nhiệm đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán và điều kiện để tiến hành kiểm tra thực hiện kiến nghị tại đơn vị được kiểm toán, thưa ông?

Trước hết, nói về trách nhiệm của đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, theo quy định, hằng năm trước ngày 01/3, đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán xây dựng và ban hành Kế hoạch năm về công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện KL, KNKT của đơn vị mình gửi Tổng Kiểm toán nhà nước (đồng thời gửi Vụ Tổng hợp) để theo dõi, quản lý.

Trên cơ sở kế hoạch xây dựng, đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện KL, KNKT của các đơn vị được kiểm toán; tổ chức thực hiện giải quyết kiến nghị, khiếu nại đối với KL, KNKT của đơn vị được kiểm toán. Đồng thời, rà soát, tổng hợp, báo cáo Tổng KTNN về kết quả thực hiện KL, KNKT; tổ chức thực hiện việc kiểm tra thực hiện KL, KNKT theo hình thức kiểm tra tại đơn vị và cập nhật cơ sở dữ liệu về kết quả thực hiện KL, KNKT theo quy định.

Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện KL, KNKT phải được tiến hành thường xuyên, kịp thời, khách quan, công khai, minh bạch; tuân thủ các quy định của quy trình kiểm toán của KTNN, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước, quy định về bảo vệ bí mật nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan; không làm cản trở đến hoạt động bình thường của đối tượng được theo dõi, đôn đốc, kiểm tra.

Quyết định số 04/VBHN-KTNN ngày 28/10/2024 của Tổng Kiểm toán nhà nước

Còn về điều kiện để tiến hành thực hiện kiểm tra việc thực hiện kiến nghị tại đơn vị được kiểm toán, theo quy định hiện nay, việc kiểm tra thực hiện kiến nghị tại đơn vị được kiểm toán chỉ thực hiện khi hết thời gian báo cáo kết quả thực hiện KL, KNKT của Báo cáo kiểm toán và sau khi được đôn đốc bằng văn bản mà đơn vị được kiểm toán không báo cáo kết quả thực hiện KL, KNKT của KTNN hoặc báo cáo nhưng không cung cấp, cung cấp không đầy đủ bằng chứng, hồ sơ tài liệu hợp pháp, hợp lệ của việc thực hiện KL, KNKT hoặc kết quả thực hiện KL, KNKT thấp.

Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của công tác kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán khi được lồng ghép với cuộc kiểm toán và ông có lưu ý gì về việc kết hợp này?

Trước yêu cầu “gọn nhưng chất lượng”, việc lồng ghép kiểm tra thực hiện kiến nghị vào hoạt động kiểm toán không chỉ giúp các đơn vị chủ trì kiểm toán tối ưu nguồn lực cho các nhiệm vụ kiểm toán quan trọng; đồng thời giảm bớt đầu mối triển khai, giảm số lượng đoàn kiểm toán, hạn chế tần suất kiểm toán tại các đơn vị, giảm thiểu ảnh hưởng của các hoạt động kiểm toán đối với đơn vị được kiểm toán; qua đó giúp tiết kiệm thời gian, nguồn lực, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Qua theo dõi thực tế hiện nay, nhiều đơn vị đã kết hợp có hiệu quả công tác kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán lồng ghép trong các cuộc kiểm toán. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trên đòi hỏi từng kiểm toán viên phải không ngừng nỗ lực, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước yêu cầu, công việc ngày càng lớn và đòi hỏi không ngừng nâng cao về chất lượng. Đồng thời, công tác lập kế hoạch kiểm toán và kế hoạch kiểm tra thực hiện KL, KNKT phải được chuẩn bị tốt, chi tiết, cụ thể, xác định rõ thời gian, nội dung từng công việc để lồng ghép, thực hiện hiệu quả và đạt chất lượng. Trong quá trình thực hiện cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các đơn vị kiểm toán để chủ động trong việc yêu cầu hồ sơ tài liệu, củng cố bằng chứng ghi nhận thực hiện kiến nghị kiểm toán… Có như vậy mới đáp ứng được mục tiêu của Ngành là "chất lượng, chất lượng hơn và chất lượng hơn nữa".

Ông có thể thông tin thêm về trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện KL, KNKT trong trường hợp hoán đổi lĩnh vực, địa bàn kiểm toán. Việc hoán đổi này thời gian qua được thực hiện ra sao, thưa ông?

Trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị trong trường hợp hoán đổi, thay đổi lĩnh vực, địa bàn kiểm toán đã được quy định cụ thể, rõ ràng. Khi thay đổi địa bàn, lĩnh vực kiểm toán theo quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước, đơn vị được giao phụ trách lĩnh vực, địa bàn cũ có trách nhiệm bàn giao toàn bộ hồ sơ kiểm toán và việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện KL, KNKT của các đơn vị được kiểm toán thuộc lĩnh vực, địa bàn thay đổi cho đơn vị được giao tiếp quản phụ trách lĩnh vực, địa bàn. Việc bàn giao phải được lập thành văn bản. Các vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện KL, KNKT liên quan đến lĩnh vực, địa bàn thay đổi, đơn vị được giao tiếp quản phụ trách lĩnh vực, địa bàn có trách nhiệm xem xét, giải quyết, còn đơn vị phụ trách lĩnh vực, địa bàn cũ phải có trách nhiệm phối hợp thực hiện.

Khi hoán đổi có thời hạn địa bàn, lĩnh vực kiểm toán theo quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước, đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán thời kỳ hoán đổi có trách nhiệm tổ chức theo dõi, đôn đốc việc thực hiện KL, KNKT đối với thời kỳ kiểm toán được hoán đổi và bàn giao hồ sơ kiểm toán, hồ sơ thực hiện KL, KNKT (nếu có) cho đơn vị phụ trách địa bàn, lĩnh vực. Đơn vị được giao phụ trách địa bàn, lĩnh vực kiểm toán chịu trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiểm toán theo quy định. Đáng chú ý, với các vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện KL, KNKT liên quan đến thời kỳ được hoán đổi thì đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán mới có trách nhiệm xem xét, giải quyết, còn đơn vị phụ trách lĩnh vực, địa bàn có trách nhiệm phối hợp thực hiện.

Thực hiện quy định trên, trong thời gian qua, các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán hoán đổi đã phối hợp tốt với đơn vị được giao phụ trách địa bàn, lĩnh vực để theo dõi, kiểm tra việc thực hiện KL, KNKT.

Xin trân trọng cảm ơn ông./.

H.THOAN - N.LỘC (thực hiện)