Bài 2: Tạo điều kiện để doanh nghiệp nhà nước phát huy hết tính chủ động
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 05:40, 07/11/2024
19 tập đoàn, tổng công ty chiếm hơn 65% tổng doanh thu, số lỗ cũng chiếm gần trọn vẹn
Bộ Tài chính cho biết, năm 2023, có 136/143 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đã hoạt động kinh doanh có lãi với tổng lợi nhuận sau thuế đạt 101.960 tỷ đồng. Tổng doanh thu của khối DN này năm 2023 là 1.357.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng doanh thu của các DN do UBQLV làm đại diện chủ sở hữu là 886.500 tỷ đồng (tăng 3% so với năm 2022), chiếm 65,3% tổng doanh thu năm 2023.
Điều đáng chú ý là, hiện nay, số DNNN do UBQLV làm đại diện chủ sở hữu chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ (19 TĐ, TCT) nhưng lại là lực lượng quan trọng của kinh tế Nhà nước khi nắm giữ khoảng 65% tổng vốn chủ sở hữu cũng như tài sản của cả khối DNNN. Đơn cử, năm 2023, TĐ Điện lực Việt Nam (EVN) đạt doanh thu 420.500 tỷ đồng (tăng 9,1% so với năm 2022); TĐ Dầu khí Việt Nam (PVN) đạt doanh thu 213.300 tỷ đồng (giảm 1,25%); TĐ Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đạt doanh thu 149.200 tỷ đồng (tăng 2,8%)…
Trước yêu cầu phải nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN cho phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và hội nhập quốc tế, kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thực tiễn, cũng như bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, cần thiết phải xây dựng dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN thay thế Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc
Tương tự, tổng lợi nhuận sau thuế năm 2023 của 143 DN là 101.960 tỷ đồng; trong đó, lợi nhuận sau thuế của các DN do UBQLV làm đại diện chủ sở hữu là 38.900 tỷ đồng (xấp xỉ mức lợi nhuận năm 2022 là 39.000 tỷ đồng), chiếm 38,2% tổng lợi nhuận sau thuế năm 2023. Tiêu biểu trong số đó có Petrovietnam đạt lợi nhuận sau thuế lên tới 20.400 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ Tài chính, tổng số lỗ phát sinh năm 2023 của 7/143 DNNN là 23.550 tỷ đồng. Trong đó, riêng EVN - một DNNN lớn thuộc UBQLV, dù đạt doanh thu rất lớn với 420.500 tỷ đồng, nhưng gánh số lỗ lên tới 23.530 tỷ đồng, chiếm gần trọn vẹn tổng số lỗ của các DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (6 DN còn lại lỗ 20 tỷ đồng). Đáng chú ý, tổng số lỗ lũy kế đến hết năm 2023 của 143 DNNN là 53.400 tỷ đồng, nhưng riêng EVN ghi nhận lỗ lũy kế lên tới 50.600 tỷ đồng, TCT Đường sắt Việt Nam (VNR) lỗ 1.930 tỷ đồng, TĐ Hóa chất Việt Nam lỗ 884 tỷ đồng.
Về số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước năm 2023, các DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đã nộp 118.700 tỷ đồng. Trong đó, một số doanh nghiệp thuộc UBQLV có số phát sinh phải nộp lớn như PVN 22.700 tỷ đồng, TKV 10.900 tỷ đồng. Trong số 10 DN có dấu hiệu mất an toàn về tài chính, có TCT Cà phê Việt Nam thuộc UBQLV.
Bộ Tài chính đánh giá, về cơ bản, các DNNN tiếp tục thực hiện tốt việc bảo toàn, phát triển vốn, tài sản; là công cụ quan trọng để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các TĐ, TCT đã triển khai rà soát, đề xuất phương án xử lý các DN trực thuộc, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả theo quy định của pháp luật; xử lý tài chính, khắc phục các tồn tại trong hoạt động sản xuất kinh doanh, rà soát, xử lý công nợ, khắc phục mất an toàn tài chính; rà soát, xây dựng phương án thoái vốn đối với các dự án kém hiệu quả. Tuy các TĐ, TCT đã rất nỗ lực triển khai các dự án đầu tư mới nhưng vẫn chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; hiệu quả đầu tư chưa như kỳ vọng, đầu tư ra nước ngoài gặp khó khăn, một số dự án có vốn đầu tư lớn không thành công, tiềm ẩn rủi ro, một số dự án lỗ lũy kế lớn trong nhiều năm, phương thức tái cơ cấu chưa hiệu quả…
Làm rõ vai trò chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Bộ Tài chính cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, cơ chế, chính sách quản lý đối với DNNN còn bất cập, chưa tạo điều kiện phát huy hết tính chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh; hệ thống tiêu chí đánh giá DNNN chưa đầy đủ, DNNN chưa thực sự có quyền tự chủ theo cơ chế thị trường; quy định về DNNN bị phân tán tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật, được ban hành ở các thời điểm khác nhau, do các cơ quan chuẩn bị khác nhau nên có những quy định vướng mắc, chồng chéo nhất định.
Từ Điều 40 đến Điều 45 Chương VI của Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN quy định cụ thể về các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, trong đó quy định UBQLV là cơ quan chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN và quy định SCIC là đơn vị trực thuộc UBQLV.
Cũng chung quan điểm này, Kiểm toán nhà nước (KTNN) cho rằng, cơ chế quản lý DNNN hiện chưa theo kịp với thực tiễn hoạt động của các DN. Việc phân tách giữa nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ công ích chưa rõ ràng, minh bạch; cơ chế đảm bảo cho các DNNN được giao hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực có mức sinh lời thấp mà khu vực kinh tế tư nhân không muốn hoặc không đủ sức tham gia vào những lĩnh vực cần thiết cho nền kinh tế còn thiếu. Chức năng đại diện chủ sở hữu còn phân tán, chưa phân định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính trong quản lý, giám sát việc sử dụng vốn, tài sản của DNNN.
Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán trong vai trò Trưởng Đoàn kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu theo quy định tại Nghị định số 10/2019/NĐ-CP của Chính phủ giai đoạn 2022-2023 tại UBQLV và TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), ông Nguyễn Đình Sơn - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI - cho rằng, cần thiết phải sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN để làm rõ hơn vai trò chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN. Qua thực tế kiểm toán cho thấy, hiện đang có sự chưa thống nhất trong cách hiểu và áp dụng quy định của pháp luật về vai trò chủ sở hữu vốn nhà nước giữa UBQLV và SCIC theo quy định tại Luật số 69/2014/QH13 và Nghị định số 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước. “Lần sửa Luật này phải làm rõ vai trò của UBQLV ra sao, của SCIC như thế nào để tránh chồng lấn về chức năng, nhiệm vụ” - ông Nguyễn Đình Sơn nhấn mạnh.
Đánh giá cao công tác kiểm toán và tính cần thiết của Chuyên đề kiểm toán việc thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu theo quy định của Chính phủ lần đầu tiên được thực hiện tại UBQLV, ông Đỗ Hữu Huy - Phó Chủ tịch UBQLV - bày tỏ: “Qua kiểm toán, KTNN có thể giúp chúng tôi rà soát những bất cập, đóng góp thêm nội dung và hoàn thiện Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN”.
Vậy, cơ quan quản lý, các chuyên gia, các DN đề xuất sửa đổi những nội dung nói trên tại Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN như thế nào, mời Quý độc giả đón đọc kỳ tiếp theo./.