Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh: Cần tăng cường kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai để hạn chế hậu quả ở mức thấp nhất

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 10:05, 02/01/2019

(BKTO) - Đất đai là một trong những tài sản công quan trọng nhất, đặc biệt nhất, hiếm có nước nào trên thế giới xác định đất đai là sở hữu của toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu như nước ta. Bởi vậy có thể nói, tất cả những bài học hay kinh nghiệm liên quan đến kiểm toán, thanh tra, giám sát, quản lý và sử dụng đất đai từ nước ngoài sẽ rất khó áp dụng tại Việt Nam. Đã đến lúc, Việt Nam phải xây dựng các quy định liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng đất đai, trong đó có việc kiểm toán đối với lĩnh vực này.


Ba nhóm sai phạm nặng nề

Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ ngày 01/7/2014, tuy nhiên, giai đoạn 2014-2018, sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai vẫn diễn ra phổ biến và rất phức tạp ở hầu hết các nội dung, cấp quản lý, tổ chức cá nhân sử dụng đất với các mức độ từ ít nghiêm trọng đến nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng. Đặc điểm của các sai phạm này là kéo dài, chậm bị xử lý, gây hậu quả rất lớn về kinh tế và xã hội. Điển hình như vụ việc liên quan đến đất đai của Phan Văn Anh Vũ, Út “trọc” hay vụ Thủ Thiêm,… Tới đây, sẽ còn nhiều vụ án liên quan đến đất đai nữa.

Phần lớn các nhóm vi phạm đều do nguyên nhân chủ quan, trong đó có 3 nhóm sai phạm nặng nề nhất đã diễn ra trong quá khứ, hiện tại và sẽ còn diễn ra trong tương lai. Chính vì thế, Nhà nước cần phải tăng cường thực hiện kiểm toán, kiểm tra, kiểm soát để phát hiện và hạn chế ở mức thấp nhất hậu quả của nó.

Nhóm thứ nhất: Không sử dụng hoặc sử dụng đất không đúng mục đích. Việc để đất hoang hoá, chậm triển khai dự án, giao đất không qua đấu giá, chuyển nhượng dự án sai phép, chậm xử lý tranh chấp khiếu nại về đất đai… khiến cho nhiều mảnh đất bỏ hoang hàng chục năm, thậm chí đó là những mảnh đất có vị trí đẹp, giá trị lớn ở trung tâm đô thị hay những vùng đất nông nghiệp trù phú có sản lượng và năng suất cao. Nghiêm trọng nhất là tình trạng biến đất nông nghiệp, đất rừng thành đất ở như vấn đề đang diễn ra ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều nơi và là sai phạm gây tổn thất lớn nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta hiện nay.

Trong vấn đề quản lý đất đai, thời điểm định giá: trước, trong hay sau khi đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất là một vấn đề phức tạp, vì thế, KTNN cần tổ chức riêng một hội thảo về chủ đề này.

Nhóm thứ hai: Sai phạm do không thực hiện hay thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Điều 107 Luật Đất đai 2013 quy định rõ các khoản thu từ đất, tuy nhiên, hiện tượng nợ tiền sử dụng đất, đặc biệt với các dự án bất động sản lớn, kéo dài ngày càng tăng. Hà Nội vừa thu hồi một số dự án trong hàng trăm dự án, do không triển khai và chiếm đất, nợ tiền sử dụng đất, chưa kể đến việc định giá đất, các khoản chênh lệch rất lớn giữa giá trị quyền sử dụng đất trước và sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Hiện nay, tình trạng toàn bộ giá trị đất đai khi chuyển đổi mục đích sử dụng không vào Nhà nước mà vào cá nhân hay các nhóm vẫn đang diễn ra, điển hình là câu chuyện xảy ra ở Hãng Phim truyện Việt Nam.

Ở nước ta, đất đai là sở hữu toàn dân, quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay quyền định đoạt trong đất đai thuộc Nhà nước, nhưng Nhà nước lại gần như không thu được gì từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đây là vấn đề then chốt nhất, song chính các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng chưa lý giải được bởi thể chế quản lý đất đai của Việt Nam quá đặc biệt.

Đã đến lúc KTNN phải đẩy mạnh kiểm toán lĩnh vực này, đặc biệt là đối với các dự án BT, nhằm hạn chế ở mức thấp nhất các sai phạm và thiệt hại liên quan đến Nhà nước. Thực tế, nhiều dự án BT đã kê khống giá trị dự án, hạ giá đất đổi lấy dự án. Đây là thất thoát kép, biến tài sản nhà nước thành tài sản của cá nhân hay một nhóm cá nhân, tạo môi trường dung dưỡng cho tham nhũng, hối lộ, lợi ích nhóm, chiếm đoạt tài sản nhà nước…

Nhóm thứ ba: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai. Do đất đai là đối tượng quản lý của nhiều người, nhiều cơ quan, tổ chức và có giá trị lớn, nó vừa là tư liệu sản xuất, vừa là tư liệu tiêu dùng nên việc làm trái các quy định về quản lý đất đai đã gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng. Đặc điểm nổi bật trong sai phạm về lợi dụng chức vụ, quyền hạn liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai thường mang tính tổ chức, theo nhóm, có sự dung túng, bao che của nhiều cán bộ và tổ chức liên quan, hiếm khi sai phạm là cá nhân. Nhiều vụ án hình sự đã xảy ra tại TP. HCM liên quan đến việc giao đất trái thẩm quyền như dự án BT đường Thủ Thiêm. Điều đáng lo ngại là, tại các địa phương, sai phạm này còn khá phổ biến.

Kiểm toán Nhà nước cần tăng cường vai trò trong việc ngăn chặn sai phạm

Có 3 nhóm giải pháp chính để ngăn chặn các sai phạm nói trên. Việc đầu tiên là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật dù hệ thống này đã tương đối đầy đủ. Trên thực tế, thông qua quá trình kiểm toán, KTNN cũng đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, trong đó có hệ thống văn bản liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai. Những quy định pháp luật cần tập trung sửa đổi hoàn thiện liên quan đến giá trị quyền sử dụng đất, phân phối lợi ích khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quyền quy hoạch và thay đổi quy hoạch sử dụng đất, dự án BT, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có gắn với quyền sử dụng đất, cho thuê đất...

KTNN cũng cần tham gia vào việc hoàn thiện hệ thống thông tin về đất đai, về thị trường bất động sản, bởi lẽ hiện nay chưa có thông tin chính thức về thị trường này để làm cơ sở quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả hơn. Hệ thống thông tin về đất đai phải có đầy đủ và rõ ràng các thông tin về tất cả các mảnh đất như: tình trạng pháp lý, vị trí, diện tích, mục đích, người và hiện trạng sử dụng, lịch sử các chủ sở hữu, nghĩa vụ tài chính liên quan, giá trị quyền sử dụng đất... Thông tin và công khai minh bạch thông tin về đất đai đóng vai trò then chốt trong việc ngặn chặn hàng loạt sai phạm về đất đai hiện tại cũng như trong tương lai.

Cần tăng cường thanh tra, giám sát, đặc biệt là tăng cường vai trò của KTNN trong việc kiểm soát, ngăn chặn, thu hồi tài sản nhà nước từ sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai. Để hoạt động thanh tra, giám sát, kiểm toán về đất đai đạt hiệu quả, hiệu lực, cần quy trách nhiệm cá nhân cụ thể trong quản lý cũng như sử dụng đất đai, chấm dứt tình trạng quy trách nhiệm chung cho tập thể, đồng thời có các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với người sai phạm, từ biện pháp hành chính, đến bồi thường vật chất, tài chính và truy cứu trách nhiệm hình sự.

THÙY ANH (ghi)