Tăng cường kiểm soát chất lượng kiểm toán theo cả chiều rộng và chiều sâu*

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 11:15, 16/02/2017

(BKTO) - Tại Hội nghị triển khai công tácnăm 2017 của KTNN, các đơn vị trực thuộc KTNN đã có những tham luận đánh giá kếtquả thực hiện nhiệm vụ năm 2016, đúc rút những kinh nghiệm, bài học quý, đồngthời đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ năm 2017.Từ số này, Báo Kiểm toán sẽ trích đăng một số tham luận nổi bật, tập trung vàoviệc nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu lực hoạt động kiểm toán trong thờigian tới.


Việc nâng cao chất lượng kiểm toán có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020: “Minh bạch - Chất lượng - Hiệu quả và không ngừng gia tăng giá trị”. Bởi mục tiêu này đòi hỏi các kết luận kiến nghị kiểm toán phải chính xác, khách quan dựa trên bằng chứng xác đáng được thu thập, đánh giá bởi các kiểm toán viên (KTV) chuyên nghiệp. Do đó, một trong các nhiệm vụ trọng tâm của KTNN là cần thiết phải có các biện pháp bảo đảm chất lượng kiểm toán, xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT) một cách chặt chẽ và hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Công tác KSCLKT ngày càng được đẩy mạnh. Ảnh: ĐÔNG SƠN
Chất lượng kiểm soát ngày càng cao

Để thực hiện được điều đó, năm 2016, KTNN đã ban hành Quy trình KSCLKT tại Quyết định số 558/QĐ-KTNN ngày 23/6/2016 với nhiều điểm mới, giúp kết quả KSCLKT năm 2016 đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Trong năm qua, Vụ Chế độ & KSCLKT đã thực hiện đủ 5 hình thức KSCLKT có tác dụng bổ trợ cho nhau để nâng cao hiệu lực của công tác kiểm soát, bao gồm: giám sát 100% các đoàn kiểm toán; kiểm soát trực tiếp một số đoàn trọng điểm; kiểm soát đột xuất theo yêu cầu của KTNN; kiểm soát hồ sơ sau của một số đoàn kiểm toán quan trọng và kiểm soát công tác tổ chức kiểm soát của Kiểm toán trưởng. Đặc biệt, Vụ Chế độ & KSCLKT đã triển khai một số hình thức kiểm soát mới (kiểm soát đột xuất, kiểm soát của Kiểm toán trưởng) với nhiều ưu điểm và phát huy được hiện quả, hạn chế sự chủ quan, nâng cao trách nhiệm của Kiểm toán trưởng, Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng tổ kiểm toán và KTV. Đồng thời, toàn ngành đã triển khai thực hiện đầy đủ 5 cấp KSCLKT: Tổng Kiểm toán Nhà nước với sự giúp việc của các đơn vị tham mưu; Kiểm toán trưởng; Trưởng đoàn kiểm toán; Tổ trưởng tổ kiểm toán và tự kiểm tra soát xét của KTV. Bên cạnh đó, công tác phối hợp trong hoạt động KSCLKT giữa các cấp KSCLKT đã có nhiều cải thiện. Nhờ có sự trao đổi thông tin thường xuyên giữa Vụ Chế độ & KSCLKT và các KTNN chuyên ngành, khu vực nên tạo được sự đồng thuận của các đơn vị, hiệu quả phối hợp trong KSCLKT đã được tăng cường, nâng cao rõ rệt.

Qua kết quả KSCLKT năm 2016 có thể thấy các KTNN chuyên ngành, khu vực cơ bản nghiêm túc triển khai thực hiện Quy chế KSCLKT, nhiều đơn vị đã cụ thể hóa và quy định chi tiết việc thực hiện Quy chế cho phù hợp. Các đơn vị đều đã thành lập các Tổ KSCLKT để kiểm soát 100% các cuộc kiểm toán do đơn vị thực hiện, việc kiểm soát cơ bản đã bám sát các quy định của ngành.

Công tác giám sát được thực hiện thường xuyên, kiểm soát trực tiếp các hoạt động của Đoàn KTNN đảm bảo kịp thời, chất lượng ngày càng cao hơn, kiểm soát hồ sơ sau được thực hiện đúng theo kế hoạch đề ra. Thông qua hoạt động kiểm soát nhật ký điện tử, các cán bộ thực hiện công tác kiểm tra, KSCLKT có thể cập nhật tình hình kiểm toán của các KTV, kịp thời chỉ ra các sai sót để KTV chỉnh sửa và hoàn thiện công tác kiểm toán.

Nhờ đó, hoạt động KSCLKT đã từng bước tác động tích cực đến hoạt động kiểm toán, kịp thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình tác nghiệp từ khâu khảo sát lập Kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán đến khâu cuối cùng soát xét, thẩm tra và hoàn thiện Báo cáo kiểm toán; giảm được những thiếu sót, bất cập trong Hồ sơ kiểm toán, Kế hoạch kiểm toán chính thức, Báo cáo kiểm toán; việc thu thập, lưu trữ bằng chứng kiểm toán; thực hiện mục tiêu, nội dung của các cuộc kiểm toán.

Tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả công tác KSCLKT

Từ kinh nghiệm thực tiễn và những bài học được rút ra, Vụ Chế độ & KSCLKT đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động KSCLKT năm 2017 và những năm tiếp theo. Cụ thể: Một là, cần phải có sự quyết tâm chính trị trong toàn ngành, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo và ủng hộ của lãnh đạo KTNN, lãnh đạo các đơn vị trong việc thực hiện Quy chế KSCLKT; tăng cường sự phối hợp, trao đổi thông tin hai chiều giữa Vụ Chế độ & KSCLKT và các KTNN chuyên ngành, khu vực, đặc biệt là với các Tổ kiểm soát của các KTNN chuyên ngành, khu vực. Hai là, tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các văn bản, tài liệu KSCLKT thông qua việc ban hành các sổ tay hướng dẫn KSCLKT góp phần thống nhất về nội dung, phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện các hình thức KSCLKT theo Quy chế KSCLKT. Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, quy mô kiểm soát; đa dạng hóa hình thức và phương pháp kiểm soát; thực hiện giám sát 100% các đoàn kiểm toán thông qua việc ghi chép nhật ký và các tài liệu gửi về cho bộ phận kiểm soát; thực hiện kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung kiểm soát trực tiếp các đoàn trọng điểm, chú trọng soát xét tính đầy đủ, thích hợp của các bằng chứng kiểm toán, bảo đảm các kết luận, kiến nghị kiểm toán có đầy đủ căn cứ pháp lý và có tính khả thi, hạn chế tối đa khiếu nại tố cáo; thực hiện kiểm soát đột xuất đối với các đoàn, tổ kiểm toán có dấu hiệu vi phạm, kết quả thấp và tăng cường KSCLKT của Kiểm toán trưởng để phát huy ưu điểm của hình thức kiểm soát này; kiểm tra hồ sơ sau khi phát hành Báo cáo kiểm toán đối với các đoàn kiểm toán có quy mô lớn, quan trọng, bảo đảm cho các kết luận, kiến nghị kiểm toán có đầy đủ bằng chứng và chặt chẽ về Hồ sơ kiểm toán. Bốn là, duy trì cơ chế đảm bảo cơ sở cho hoạt động giám sát thường xuyên tất cả các đoàn kiểm toán trong suốt quá trình kiểm toán và đảm bảo sự minh bạch kết quả kiểm toán.

Bên cạnh đó, cần thực hiện các giải pháp đánh giá hiệu quả hoạt động kiểm toán theo từng cấp độ để nâng cao hiệu quả công tác, trách nhiệm của các KTV trong hoạt động kiểm toán; đảm bảo 100% công chức làm công tác KSCLKT được đào tạo, tập huấn kiến thức về lý luận và thực tiễn, kỹ năng và kinh nghiệm KSCLKT; tiếp tục đề xuất bổ sung nhân sự có kinh nghiệm kiểm toán cho Vụ Chế độ & KSCLKT, cũng như tạo điều kiện cho các cán bộ, công chức của Vụ tham gia các đoàn kiểm toán của các KTNN chuyên ngành, khu vực để nâng cao kinh nghiệm; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến trong từng cán bộ, KTV của các đơn vị và toàn ngành về tầm quan trọng và trách nhiệm của toàn thể cán bộ, công chức trong công tác KSCLKT.

HỒNG THOAN (lược trích)
(*): Tít do Báo Kiểm toán đặt