Kiểm soát tăng trưởng tín dụng: “Điểm sáng” trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2018
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 11:05, 02/01/2019
(BKTO) - Cùng với tỷ lệ huy động vốn ngoại tệ tăng trưởng cao, lãi suất tăng nhẹ, việc kiểm soát chặt chẽ và giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây được đánh giá là một trong những điểm tích cực nhất trong công tác điều hành chính sách tiền tệ năm 2018 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Tăng trưởng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ
Đầu năm 2018, NHNN đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 17% (trong khi năm 2017 đạt 18,17%). Dựa vào chỉ tiêu này, NHNN thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tới từng tổ chức tín dụng (TCTD), điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo mở rộng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả. Theo đó, tín dụng vẫn được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Các lĩnh vực rủi ro như: bất động sản, chứng khoán tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ.
Đến thời điểm này, dù chưa có số liệu chính xác song tại buổi gặp mặt cuối năm với các tổ chức quốc tế, đại sứ quán, TCTD nước ngoài tại Việt Nam diễn ra mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ được kiểm soát chặt chẽ dưới 16%, thấp hơn con số 17% trong kế hoạch. Trong đó, tín dụng ưu tiên tập trung vào các ngành sản xuất, chế biến, chế tạo. Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây của ngành ngân hàng Việt Nam.
Theo Báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2018 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia công bố mới đây, tốc độ tăng cung tiền M2 (cung tiền giao dịch và tiền gửi tiết kiệm) và tín dụng đều giữ xu hướng giảm. Tỷ lệ M2/GDP đến cuối năm 2018 ước khoảng 168%, tăng thấp hơn so với bình quân giai đoạn 2012-2016. Tín dụng năm 2018 ước tăng 14 - 15%, thấp hơn 3 - 4 điểm phần trăm so với năm 2017. Đây cũng là mức thấp nhất từ năm 2015 đến nay. Tỷ lệ tín dụng/GDP khoảng 134%, tăng 1,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2017, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2015.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Phát triển Trường Đại học Fullbright Việt Nam - cho rằng, việc giữ tăng trưởng tín dụng thấp là một trong các điểm tích cực nhất trong năm nay. “Năm 2017, tăng trưởng tín dụng 18%, năm nay, tăng trưởng tín dụng chỉ 15%, trong khi tăng trưởng GDP khá cao. Điều này cho thấy tăng trưởng GDP của chúng ta đã không phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng như các chuyên gia vẫn lo ngại…” - ông Thành đánh giá.
Đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát
Theo các chuyên gia kinh tế, cung tiền và lạm phát có vai trò rất quan trọng trong điều hành chính sách kinh tế của mỗi quốc gia. Trong đó, cung tiền là một trong những công cụ của NHNN nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu phân tích: Nếu chúng ta đẩy quá nhiều tiền vào hoạt động tín dụng thì điều này sẽ làm ảnh hưởng đến lạm phát và đặc biệt là khi lượng tín dụng so với GDP rất lớn. Mặt khác, nếu để tăng trưởng tín dụng quá mạnh sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của tiền đồng. Năm nay, NHNN đưa ra chỉ tiêu cho toàn hệ thống ngân hàng là 17% và với một số ngân hàng thì chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng còn thấp hơn (chỉ 10 - 11%). “Giao chỉ tiêu một cách chặt chẽ như vậy là hợp lý. Việc NHNN siết chặt tín dụng trong năm nay thấp hơn chỉ tiêu đề ra vừa hỗ trợ tăng trưởng GDP, đồng thời ổn định tiền đồng, kiểm soát lạm phát. NHNN nên duy trì cách điều hành này để tránh rủi ro lớn về cung tiền và gây lạm phát cho nền kinh tế” - TS. Nguyễn Chí Hiếu cho biết.
Nhiều chuyên gia kinh tế cùng có chung nhận định, việc NHNN siết lại room tín dụng và cẩn trọng trong giao chỉ tiêu cho các ngân hàng trong năm nay là điều hợp lý, góp phần tích cực vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định tài chính. NHNN đã linh hoạt và thành công trong điều hành chính sách tiền tệ giúp cho nền kinh tế tăng trưởng, giữ được tỷ lệ lạm phát ở mức dưới 4%.
Còn theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, việc NHNN thắt lại tăng trưởng tín dụng, đặt ra hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng thương mại tùy theo “sức khỏe” của ngân hàng để điều tiết tăng trưởng; thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc cho vay các lĩnh vực rủi ro cao (bất động sản, chứng khoán và tiêu dùng tư nhân)… đã kéo tăng trưởng tín dụng chững lại. Tuy nhiên, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam vẫn còn ở mức cao so với nhiều quốc gia có mức thu nhập trung bình khác. Điều này có thể làm tăng rủi ro về ổn định tài chính, ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng. Là một nền kinh tế mở, Việt Nam cần duy trì chính sách tiền tệ ứng phó và tỷ giá linh hoạt, củng cố tình hình tài khóa và hạn chế tăng trưởng tín dụng để củng cố khung chính sách kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế.
Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 52 ra ngày 27-12-2018