Phát huy quyền chủ động giám sát của tổ chức công đoàn

Xã hội - Ngày đăng : 10:47, 10/11/2024

(BKTO) - Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) bổ sung quy định về quyền chủ động giám sát của tổ chức công đoàn. Quy định này nhận được sự đồng tình của các đại biểu Quốc hội, nhằm phát huy quyền chủ động thực hiện giám sát của tổ chức công đoàn, góp phần phát hiện sớm vi phạm tại đơn vị sử dụng lao động, từ đó, kiến nghị chấn chỉnh hoặc xử lý vi phạm kịp thời…
ong-nguyen-dinh-khang-tong-lien-doan-6101.jpg
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, đề xuất của Cơ quan soạn thảo, tại Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý quy định về quyền giám sát của Công đoàn theo hướng: Tách nội dung tham gia giám sát tại Điều 15 của Dự thảo Luật để gộp vào Điều 16 về giám sát của Công đoàn.

Dự thảo Luật quy định giám sát của Công đoàn bao gồm hoạt động tham gia, phối hợp giám sát với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát và hoạt động chủ trì giám sát; hoạt động tham gia, phối hợp giám sát thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Dự thảo cũng quy định tính chất, nội dung, mục đích, nguyên tắc, hình thức của hoạt động chủ trì giám sát; quyền, trách nhiệm của Công đoàn khi thực hiện hoạt động chủ trì giám sát; quyền, trách nhiệm của người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức được giám sát.

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) chỉ rõ, đây là điểm mới của Dự thảo Luật. Luật Công đoàn 2012 chỉ quy định công đoàn độc quyền tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Điều 14.

“Như vậy, theo Luật hiện hành, công đoàn thì không thể tự tổ chức các hoạt động giám sát của công đoàn vì chưa được quy định trong Luật. Tôi thấy việc bổ sung quyền chủ động giám sát của tổ chức công đoàn vào Dự thảo Luật là hoàn toàn hợp lý” - đại biểu Nga nói.

Phân tích lý do, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu rõ: Thứ nhất, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có tổ chức công đoàn là hoạt động giám sát mang tính xã hội, giám sát mang tính nhân dân, khác với hoạt động giám sát của Quốc hội hay của Hội đồng nhân dân là giám sát mang tính quyền lực nhà nước.

z5961659314729-62611ca563ae5de5ed5102629e45d07e-8304.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Điều này xuất phát từ bản chất Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Bởi thế, nhân dân, trong đó có lực lượng người lao động thực hiện quyền làm chủ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình thông qua đại diện của họ là tổ chức công đoàn.

Thứ hai, theo đại biểu, hiện nay theo chủ trương Nghị quyết của Đảng và các quy định của pháp luật thì công đoàn là chủ thể vừa có tư cách trực tiếp chủ trì giám sát lại vừa phối hợp giám sát với các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Điều này thể hiện trong rất nhiều các văn bản như là Điều 6 Quyết định 127 ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng quy định phạm vi giám sát là các đoàn thể chính trị, xã hội sẽ chủ trì giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng.

Hay trong Chỉ thị số 18 ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cũng yêu cầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội theo hướng chủ động từ sớm.

Ngoài ra, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, ngoài quy định tại Hiến pháp năm 2013, rất nhiều các luật khác nhau quy định về quyền giám sát của tổ chức công đoàn, như Luật Công đoàn 2012, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015... Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quy định là các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì, giám sát nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên.

Cũng bày tỏ đồng tình việc bổ sung quyền chủ động giám sát của công đoàn, song đại biểu Cầm Hà Chung (Đoàn Phú Thọ) cho rằng, để hoạt động giám sát của công đoàn hiệu quả hơn, các cấp công đoàn thuận lợi trong triển khai thực hiện, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm các quy định cụ thể như: cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát, tổ chức thực hiện và trả lời kiến nghị giám sát khi nhận được những phản ánh, kiến nghị của công đoàn sau giám sát, đặc biệt là chế tài xử lý trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, nhất là người đứng đầu trong việc giải quyết những kiến nghị, đề xuất sau giám sát.

Thực tiễn hoạt động giám sát của tổ chức công đoàn cho thấy, giai đoạn 2014-2019, công đoàn các cấp đã chủ trì giám sát 25.118 cuộc, tham gia giám sát 47.728 cuộc. Trong nhiệm kỳ XII (2018-2023), công đoàn đã thực hiện giám sát hơn 166 nghìn cuộc, hơn 27 nghìn người được giải quyết về các chế độ, chính sách với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ là hơn 113 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, việc quy định cụ thể hơn Công đoàn có quyền chủ động thực hiện giám sát góp phần phát hiện sớm vi phạm tại đơn vị sử dụng lao động, từ đó, kiến nghị chấn chỉnh hoặc xử lý vi phạm, giảm thiểu nguy cơ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công. Quy định này đảm bảo sự thống nhất, phù hợp với chủ trương của Đảng và hệ thống pháp luật Việt Nam; đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện để tổ chức công đoàn thuận lợi trong tiếp cận các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước./.

NGUYÊN AN