Nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của tổ chức Công đoàn

Xã hội - Ngày đăng : 10:51, 10/11/2024

(BKTO) - Nhìn lại kết quả 10 năm thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị, các đại biểu là cán bộ công đoàn đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian tới.
cac-cap-cong-doan-chu-tri-va-tham-gia-hon.jpeg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: ST

Công đoàn đã chủ trì và tham gia giám sát 143.735 cuộc

Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả 10 năm Công đoàn thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Hồng Quang - Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết, Hội thảo nhằm đánh giá kết quả 10 năm triển khai thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị (Quyết định 217) của các cấp công đoàn.

Theo ông Vũ Hồng Quang, Quyết định 217, Luật Công đoàn và các văn bản pháp luật liên quan về giám sát và phản biện xã hội chính là cơ sở pháp lý quan trọng để Công đoàn hoạt động. Các quy định này giúp tổ chức Công đoàn có những hoạt động cụ thể, sâu sát hơn, đi vào đời sống của người lao động.

“Hội thảo lần này là dịp để các cấp công đoàn đánh giá những kết quả đạt được; chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong tổ chức thực hiện Quyết định 217 ở các cấp công đoàn. Đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Quyết định 217; nhằm phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động” – ông Vũ Hồng Quang nhấn mạnh.

giam-sat-chap-hanh-dieu-le-2-.jpg
Giám sát là một trong những chức năng quan trọng nhằm phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Ảnh: ST

Theo báo cáo tại Hội thảo, trong 10 năm triển khai thực Quyết định 217, các cấp công đoàn đã chủ trì và tham gia giám sát 143.735 cuộc. Sau giám sát, các cấp công đoàn đã ban hành 408.601 văn bản kiến nghị liên quan đến chế độ, chính sách và quyền lợi của người lao động. Từ đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát đã có 22.889 văn bản trả lời kiến nghị của công đoàn các cấp.

Trong thời gian tới, tổ chức Công đoàn tập trung giám sát thực hiện những chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người lao động; nhất là về tiền lương, thu nhập, hợp đồng lao động; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… Cùng với đó, các cấp công đoàn chú trọng giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện chính sách về nhà ở, thiết chế văn hóa cho người lao động…

Cần hướng dẫn cụ thể về quy trình thực hiện giám sát

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung tham luận, thảo luận, chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm hiệu quả của các cấp công đoàn từ địa phương, cơ sở trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội.

1731105578_597_cac-cap-cong-doan-chu-tri-va-tham-gia-hon.jpg
Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo các đại biểu. Ảnh: ST

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng Lê Văn Đại nhận định, trong 10 năm qua, tổ chức Công đoàn đã có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện Quyết định 217. Công đoàn tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, nhà ở, thiết chế văn hóa, bảo hiểm xã hội…

Bên cạnh kết quả đạt được, theo ông Đại, thực tế cho thấy vẫn còn khá nhiều bất cập trong thực hiện vai trò giám sát của tổ chức Công đoàn, nhất là các quy định pháp luật hiện nay còn khá chung chung, chưa cụ thể về quyền của công đoàn trong kiểm tra, giám sát. Vì vậy, vai trò của tổ chức Công đoàn trong kiểm tra, giám sát còn khá mờ nhạt, từ đó việc thực hiện còn lúng túng, bị động và thiếu hiệu quả.

“Cần phải có quy định rõ về nội dung Công đoàn phối hợp với các đơn vị để giám sát; nội dung Công đoàn chủ trì giám sát. Cùng với đó là quy định rõ quyền của Công đoàn và các hình thức giám sát, đồng thời hướng dẫn cụ thể về quy trình thực hiện giám sát của tổ chức Công đoàn” - Lê Văn Đại đề xuất.

Theo ông Dương Khánh Huy - Phó Trưởng Ban Chính sách, pháp luật và Quan hệ lao động tỉnh Bình Dương, thời gian qua, việc giám sát và phản biện xã hội của Công đoàn có nơi, có lúc còn lúng túng. Điều này do cán bộ công đoàn chưa được hướng dẫn kịp thời về nghiệp vụ, kỹ năng giám sát. Mặt khác, cán bộ công đoàn cơ sở, nhất là ở các doanh nghiệp thường xuyên biến động, thay đổi nhân sự…

Còn Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng - ông Phạm Văn Được - thì cho rằng, giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định 217 chưa thực sự trở thành nhu cầu thực sự của các cấp công đoàn. Ở một số nơi thực hiện theo chỉ tiêu, nhiệm vụ được cấp ủy Đảng hoặc công đoàn cấp trên giao. Không ít nơi triển khai thực hiện còn hình thức, chưa mang lại hiệu quả…

Để khác phục tình trạng này, ông Phạm Văn Được đề nghị, cần xác định rõ về vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định 217. Đây là nội dung thiết thực để công đoàn các cấp thực hiện quyền kiểm tra, giám sát theo Hiến pháp và quy định pháp luật. “Để làm tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần quan tâm, nghiên cứu, ban hành hướng dẫn cụ thể về hoạt động giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định 217 của các cấp công đoàn” - ông Phạm Văn Được đề xuất.

Trên cơ sở các ý kiến tại Hội thảo, ông Vũ Hồng Quang khẳng định, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tiếp thu, chọn lọc để tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật. Đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch và chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn các cấp chủ trì, tham gia kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội về thực hiện chính sách liên quan đến người lao động trong thời gian tới./.

NGUYÊN AN