Quảng Bình quy định mức hỗ trợ nhân viên y tế thôn, bản và cô đỡ thôn, bản
Xã hội - Ngày đăng : 10:53, 11/11/2024
Theo nghị quyết trên, từ đầu tháng 11/2024, đối với cô đỡ thôn, bản; nhân viên y tế thôn, bản (tại thôn, bản có từ 350 hộ gia đình trở lên và tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên) được hỗ trợ bằng 0,5 lần mức lương cơ sở/tháng. Đối với nhân viên y tế thôn, bản tại thôn, bản còn lại được hỗ trợ bằng 0,3 lần mức lương cơ sở/tháng.
Hiện, tỉnh Quảng Bình có 1.123 nhân viên y tế thôn, bản, tổ dân phố, trong đó 128 cô đỡ thôn, bản. Dự kiến số kinh phí hỗ trợ cho tổng số nhân viên y tế thôn, bản, cô đỡ thôn, bản hằng năm trên địa bàn tỉnh gần 11,2 tỷ đồng/năm.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình Dương Thanh Bình cho biết, nội dung Nghị quyết rất cần thiết, bởi đội ngũ y tế thôn, bản - cô đỡ thôn, bản đóng vai trò trong việc phát triển nông thôn mới; đồng thời, là cánh tay nối dài của đội ngũ y tế cơ sở.
Như vậy, sau nghị quyết trích ngân sách địa phương để khoán kinh phí cho các tổ chức chính trị-xã hội ở cấp xã và hỗ trợ người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, bản, tổ dân phố từ năm 2024, tỉnh Quảng Bình tiếp tục ban hành nghị quyết hỗ trợ kinh phí hằng tháng cho nhân viên y tế và cô đỡ thôn, bản. Đây là sự quan tâm sâu sắc và chia sẻ với khó khăn của đội ngũ cán bộ cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ, được dư luận đánh giá cao.
Theo đại diện lãnh đạo Ban Văn hóa-xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình, đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản, cô đỡ thôn bản có vai trò quan trọng trong công tác truyền thông, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngay tại cộng đồng.
Tuy nhiên, hiện nay ở Quảng Bình, đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản, cô đỡ thôn bản chưa được hưởng chế độ, chính sách gì. Vì thế, để động viên đội ngũ này thực hiện tốt công việc của mình trong việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch; khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu và chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em cho nhân dân trên địa bàn thì thực hiện chế độ hỗ trợ cho các đối tượng này là rất cần thiết và mang tính nhân văn cao.
Việc quy định mức hỗ trợ hằng tháng sẽ giúp đội ngũ y tế, cô đỡ thôn bản yên tâm công tác, khôi phục, duy trì hoạt động, khuyến khích đội ngũ hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân.
Vai trò của cô đỡ thôn, bản đã được ngành y tế cũng như cộng đồng địa phương ghi nhận và đánh giá rất cao. Đội ngũ này là sự hỗ trợ đắc lực của trạm y tế xã ở các vùng khó khăn, đặc biệt là trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại cộng đồng ở nước ta hiện nay.
Để tiếp tục duy trì, mở rộng đội ngũ cô đỡ thôn, bản tại các địa phương, Bộ Y tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, đề xuất bổ sung các chính sách hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn, bản đã được đào tạo để duy trì và phát triển mạng lưới này theo một lộ trình thích hợp; tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương bố trí nguồn lực, thực thi đầy đủ các chính sách hỗ trợ cô đỡ thôn, bản trong khuôn khổ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; huy động nguồn lực từ các đối tác phát triển, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong việc đào tạo, sử dụng mạng lưới cô đỡ thôn, bản người dân tộc thiểu số.
Với kiến thức, kỹ năng được đào tạo và thực hành tại các bệnh viện, cô đỡ thôn, bản có thể chăm sóc bà mẹ khi có thai và sinh con, đỡ đẻ an toàn, phát hiện các tai biến ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, thực hiện các kỹ năng cứu sống cơ bản và chuyển tuyến kịp thời.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Bình có diện tích tự nhiên trên 3.800 km2, dân số trên 6.400 hộ với gần 28.000 người (chiếm khoảng 2,96% dân số toàn tỉnh), trong đó: Dân tộc Bru - Vân Kiều có 4.543 hộ, 19.209 khẩu; dân tộc Chứt có 1.717 hộ, 7.064 khẩu. Đây là 2 dân tộc thiểu số có số dân đông nhất, còn lại là các dân tộc thiểu số khác với số dân không nhiều như: Mường, Thổ, Tày, Nùng, Thái…
Trong những năm qua, nhờ thực hiện tốt công tác dân tộc, cũng như các chương trình, dự án, chính sách (Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135, Quyết định số 2085/QĐ-TTg, Quyết định số 2086/QĐ- TTg,…) đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bộ mặt nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số địa phương có nhiều khởi sắc.