Thuế tiêu thụ đặc biệt góp phần tăng chi phí sử dụng thuốc lá, giảm thiểu tiêu dùng, tăng nguồn thu cho ngân sách

Xã hội - Ngày đăng : 11:36, 08/11/2024

Tại Hội thảo “Xây dựng chiến lược điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam”, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt đã được chú trọng hơn, nhằm gia tăng chi phí sử dụng thuốc lá, qua đó giảm thiểu tiêu dùng, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Hội thảo được tổ chức ngày 7/11/2024 trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Tổ chức Vital Strategies.

Báo cáo tại Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng sử dụng thuốc lá ở mức đáng báo động. Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới về tỷ lệ sử dụng thuốc lá, với khoảng 15,3 triệu người hút thuốc trực tiếp và 33 triệu người hút thuốc thụ động.

ba-minh.jpg
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương phát biểu tại Hội thảo “Xây dựng chiến lược điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam”.

Đáng chú ý, trong số này, phụ nữ và trẻ em chiếm tỷ lệ lớn trong nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng từ khói thuốc thụ động. Những hệ lụy về sức khỏe và chi phí xã hội từ việc hút thuốc lá là vô cùng nghiêm trọng, với ước tính mỗi năm có khoảng 40 nghìn người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả, con số này có thể lên tới 70 nghìn người vào năm 2030, theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Nhận thức được điều đó, Việt Nam đã có nhiều chính sách nhằm giảm thiểu tác hại của thuốc lá. Bên cạnh việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống tác hại của thuốc lá, triển khai các chương trình tuyên truyền, cũng như áp dụng biện pháp cảnh báo sức khỏe trên bao bì sản phẩm. Đặc biệt, công cụ thuế tiêu thụ đặc biệt đã được chú trọng hơn, nhằm gia tăng chi phí sử dụng thuốc lá, qua đó giảm thiểu tiêu dùng, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

tang-thue.jpg

Tuy nhiên, các kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng. Không ít nghiên cứu đã đi vào giải thích nguyên nhân vì sao tình trạng sử dụng thuốc lá chưa giảm, dù đã có nhiều biện pháp, trong đó có điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt. Chẳng hạn, mặt bằng thu nhập của người dân được cải thiện, khiến chi phí sử dụng thuốc lá chỉ chiếm một tỷ trọng tương đối nhỏ trong thu nhập. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tiến hành các nghiên cứu sâu rộng hơn, dựa trên bằng chứng khoa học chặt chẽ, cập nhật và có tính dự báo hơn để làm căn cứ đề xuất các giải pháp chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá.

Cũng theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, với vai trò là cơ quan nghiên cứu hàng đầu về chính sách kinh tế - xã hội, luôn đặt trọng tâm vào việc cung cấp các cơ sở khoa học vững chắc nhằm tham mưu cho Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, đối với các đề xuất liên quan đến thuế nói chung và thuế tiêu thụ đặc biệt nói riêng, chúng tôi không chỉ quan tâm đến tác động trực tiếp đối với thu ngân sách nhà nước. Thay vào đó, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tập trung hơn vào việc sử dụng nguồn thu ngân sách nhà nước để phục vụ trở lại lợi ích tổng thể của nền kinh tế và các tầng lớp nhân dân. Cách tư duy ấy giúp hiện thực hóa chủ trương phát triển kinh tế gắn với lành mạnh hóa hoạt động kinh tế, không đánh đổi xã hội và môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Với tư duy ấy, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã dày công hợp tác với các đối tác để phát triển mô hình mô phỏng vi mô VNMOD để đánh giá tác động của thuế và các khoản chi chuyển giao từ Ngân sách Nhà nước, sử dụng số liệu chính thức về Điều tra mức sống dân cư. Hiện tại, chúng tôi cũng đang điều chỉnh mô hình kinh tế vĩ mô để có những đánh giá đầy đủ hơn về tác động kinh tế vĩ mô của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở Việt Nam.

Thiết lập được mỗi liên hệ giữa thu thuế từ thuốc lá đối với phát triển kinh tế - xã hội nói chung và các kênh tác động kinh tế vĩ mô nói riêng là một hướng đi quan trọng. Riêng việc sử dung khoản chi ngân sách nhà nước cho các chương trình Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) từ gia tăng thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá có thể giúp đưa ra những cân nhắc đa chiều hơn đối với các đề xuất về thuế, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Với góc nhìn ấy, tôi tin tưởng rằng cách tiếp cận và các kịch bản mô phỏng của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương sẽ đưa ra những góc nhìn khoa học, phù hợp với các thảo luận chính sách của đất nước, đặc biệt là khi Quốc hội sẽ thảo luận Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8. TS. Trần Thị Hồng Minh cho biết thêm.

Lam Trúc