Không cấm cho vay bất động sản, nâng quy mô gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 15:30, 11/11/2024

(BKTO) - Dư địa cho tín dụng bất động sản và giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội là vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm và đặt câu hỏi đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 11/11.
cho-vay-bat-dong-san.jpeg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cho vay bất động sản – không cấm nhưng phải đảm bảo an toàn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đoàn Đồng Nai) về dư địa cho vay bất động sản có còn hay không trong khi dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực này của Việt Nam hiện nay chiếm tỷ lệ khoảng 20 - 21% tổng dư nợ của nền kinh tế, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Việc cấp tín dụng vào các lĩnh vực nào và tỷ lệ bao nhiêu thì hoàn toàn phụ thuộc vào sự quyết định của tổ chức tín dụng trên cơ sở tùy thuộc vào nguồn vốn huy động được.

Đối với mỗi một ngân hàng, việc huy động nguồn vốn ở các kỳ hạn khác nhau, có ngân hàng huy động được nhiều vốn dài hạn, nhưng cũng có những ngân hàng huy động được vốn ngắn hạn. Cho nên, khi cấp tín dụng đối với bất động sản là tín dụng về trung, dài hạn, các ngân hàng phải rất cân đối.

Trong toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam, có thể nói, tiền gửi huy động chủ yếu ngắn hạn (80%) nên khả năng cho vay tiếp tục của thị trường bất động sản sẽ phải đảm bảo nguyên tắc an toàn để khi người dân rút tiền, ngân hàng sẵn sàng có khả năng chi trả. “Quan trọng nhất là mỗi tổ chức tín dụng phải an toàn và cả hệ thống phải an toàn. NHNN không có quy định cấm cho vay bất động sản. Trong thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân”- Thống đốc nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề hạn chế rủi ro tín dụng đối với bất động sản mà đại biểu Hồ Thị Minh (Đoàn Quảng Trị) đặt ra, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN không cấm các tổ chức tín dụng cho vay đối với lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng thường huy động nguồn vốn ngắn hạn, trong khi dự án bất động sản thường vay với giá trị lớn và kỳ hạn dài, do đó, các tổ chức tín dụng có thể khó cho vay.

Hơn nữa, để đảm bảo an toàn hệ thống, NHNN quy định chỉ tiêu sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn không được vượt quá 30%. NHNN sẽ cảnh báo đối với các tổ chức tín dụng tiềm ẩn rủi ro khi cho vay quá chỉ tiêu này để đảm bảo an toàn hệ thống.

Giải ngân gói 120.000 tỷ đồng có thể tăng lên khi kinh tế bớt khó khăn

Đề cập đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo yêu cầu của đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn Bắc Ninh), Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đồng tình với đại biểu về thực trạng mất cân đối cung cầu của thị trường bất động sản trên các phân khúc, đặc biệt, phân khúc đối với người có thu nhập thấp chưa được phát triển mạnh mẽ.

ba-hong.jpg
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng kỳ vọng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có thể tăng giải ngân trong thời gian tới, khi kinh tế bớt khó khăn. Ảnh:quochoi.vn

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong triển khai Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững (Nghị quyết 33), thời gian qua, NHNN đã tích cực rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp gặp khó khăn, không trả được nợ. NHNN đã ban hành Thông tư để cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Các khoản của các doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường bất động sản cũng đã được cơ cấu lại và có thể tiếp cận nguồn vốn vay mới. 

Cùng với đó, NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm, miễn lãi đối với các dự án, trong đó có các dự án bất động sản. Đối với một số thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp, NHNN cũng đã có sửa đổi theo hướng đảm bảo thuận lợi hơn đối với lĩnh vực thị trường bất động sản.

Đối với phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp, Thông đốc khẳng định, nguồn lực chủ yếu phải từ ngân sách, NHNN đã đề xuất gói 120.000 tỷ đồng. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tích cực triển khai gói tín dụng này.

Đối với những đối tượng thuộc nhóm cho vay hỗ trợ nhà ở, đất ở của các chương trình mục tiêu quốc gia, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã chủ trì tham mưu ban hành các nghị định liên quan và sẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ thực hiện chương trình khi được bố trí nguồn.

Cũng liên quan đến giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư theo Nghị quyết 33, trả lời đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận (Đoàn Cà Mau), Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định: Chương trình "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” là một chủ trương lớn và nhân văn. Nguồn vốn giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp được huy động từ nhiều nguồn, đặc biệt là từ ngân sách nhà nước.

Để hưởng ứng chương trình này, NHNN cũng đã báo cáo Chính phủ đưa vào Nghị quyết 33 là các ngân hàng thương mại tự nguyện đưa ra một gói 120.000 tỷ đồng, đến nay đã tăng lên 145.000 tỷ đồng.

Theo đó, vốn do các ngân hàng huy động từ người dân, lãi suất giảm khoảng từ 1,5 - 2% so với mức lãi suất thông thường 3 năm đối với người có thu nhập thấp và 5 năm đối với chủ đầu tư.

Tuy nhiên, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, giải ngân nguồn vốn này thấp và phụ thuộc vào các địa phương phải công bố các dự án đủ điều kiện tham gia chương trình theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Việc này là cho vay thông thường, cho nên khách hàng vay vốn vẫn phải đảm bảo đủ điều kiện vay vốn.

Trong bối cảnh Covid-19 vẫn còn hệ lụy thì người bình thường đã rất khó khăn, chưa nói tới người có thu nhập thấp và công nhân thì lại càng khó khăn trong việc đi vay để sở hữu một căn nhà. Đây là giai đoạn đầu triển khai nên gói tín dụng chưa tăng giải ngân được, nhưng theo thời gian, khi kinh tế bớt khó khăn, giải ngân có thể sẽ tăng lên.

“Bộ Xây dựng cũng như các địa phương cần đánh giá xem nhu cầu sở hữu nhà ở hay nhu cầu đi thuê của người có thu nhập thấp để có thể đưa ra các giải pháp phù hợp” - Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đề nghị./.

THÀNH ĐỨC - XUÂN HỒNG