Năng suất lao động tăng, vẫn thua kém nhiều nước ASEAN
Kinh tế - Ngày đăng : 08:55, 03/01/2019
(BKTO) - Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho biết, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, trên bảng xếp hạng, NSLĐ của Việt Nam vẫn kém, thậm chí có dấu hiệu chênh lệch ngày càng lớn so với các nước trong khu vực.
Tính chung giai đoạn 10 năm 2008- 2018, NSLĐ theo sức mua tương đương năm 2011 của Việt Nam tăng trung bình 4%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của Singapore (0,9%/năm), Malaysia (1,1%/năm), Thái Lan (2,6%/năm), Philippines (3,3%/năm), Indonesia (3,4%/năm). Tuy nhiên, chênh lệch về mức NSLĐ giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng, điều này cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước.
Việt Nam có mức tăng NSLĐ nhanh, song chênh lệch với các nước ASEAN vẫn ngày càng được nới rộng -Ảnh: Internet |
Trước đó, tại tọa đàm "Nâng cao năng suất lao động- nhân tố cốt lõi xây dựng năng lực cạnh tranh" do Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC), trường Đại học Ngoại thương tổ chức, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại, với khoảng 80% dân số trong độ tuổi lao động tham gia vào lực lượng lao động hàng năm, NSLĐ thấp sẽ là một rào cản lớn cho nền kinh tế Việt Nam, khi thực hiện chuyển đổi mô hình từ tăng trưởng theo chiều rộng sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu.
Trong đó, chất lượng lao động có sự chênh lệch rõ nhất giữa khu vực nông thôn và thành thị. Ở thành thị, lao động được đào tạo chiếm 36,3%, trong khi ở nông thôn chỉ có 12,6%. Đây chính là rào cản lớn cho việc cải thiện NSLĐ.
Các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ mang tính chất "động lực" hay "huyết mạch" của nền kinh tế như tài chính, tín dụng còn chiếm tỷ trọng thấp trong nền kinh tế. Tỷ trọng lao động đang làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã giảm từ 55,1% xuống còn 44,0%, tương ứng với 23,5 triệu người đang làm việc trong khu vực này, nhưng đây vẫn là con số khá cao so với các nước trong khu vực.
Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp cao; phương thức canh tác thô sơ là nguyên nhân đưa đến NSLĐ thấp - Ảnh: Vũ Loan |
Điều đáng nói, phần lớn lao động làm việc ở lĩnh vực nông, lâm và thủy sản là lao động giản đơn, có tính thời vụ, việc làm không ổn định, nên giá trị gia tăng tạo ra thấp, dẫn đến NSLĐ thấp.
Theo các chuyên gia, tiềm năng của Việt Nam còn rất lớn, Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, song làm sao tận dụng tốt cơ hội và vượt qua được các thách thức, từ đó mới có khả năng thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến.
Theo đó, nhiều giải pháp đã được đề xuất nhằm nâng cao NSLĐ như: Tăng cường hoạt động đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất công nghiệp và nông nghiệp; đẩy mạnh đào tạo nghề, giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng vào phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao...
NGUYỄN LỘC