Bài cuối: Để con đường tự chủ của đơn vị sự nghiệp đi đúng hướng
Xã hội - Ngày đăng : 17:59, 12/11/2024
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tháo gỡ hạn chế, vướng mắc
Báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL giai đoạn 2018-2023 đánh giá, hiện còn nhiều hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới tổ chức và hoạt động của các ĐVSNCL.
Đồng tình với nhận định này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, bất cập về thể chế và quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của ĐVSNCL là 2/3 điểm nghẽn trong tổ chức thực hiện tự chủ hiện nay.
Thực tiễn cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến ĐVSNCL chưa thể phát huy hiệu hiệu quả trong tự chủ là do còn nhiều định mức kinh tế - kỹ thuật chưa được ban hành đầy đủ, gây khó khăn cho việc xác định đơn giá đặt hàng, đấu thầu. Cơ chế liên doanh, liên kết trong sử dụng tài sản công còn nhiều khó khăn, dẫn đến việc quản lý, sử dụng tài sản công chưa hiệu quả...
Đây cũng là những bất cập trong cơ chế, chính sách được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra và kiến nghị tháo gỡ. Đơn cử, tại Bộ Y tế, KTNN kiến nghị Bộ cần sớm xây dựng hoặc rà soát sửa đổi, bổ sung danh mục sự nghiệp công, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí theo ngành, lĩnh vực để ban hành/tham mưu ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đối với từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công.
Các ĐVSNCL có quyền liên doanh, liên kết để thực hiện các dịch vụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tuy nhiên không được để làm mất tài sản công, không được để làm mất đất.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ngày 07/11
Liên quan đến cơ chế liên doanh, liên kết, KTNN cũng từng chỉ ra nhiều đơn vị thuộc Bộ Xây dựng cho thuê nhà đất, liên danh liên kết không đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền như Viện Vật liệu xây dựng, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia. Nhiều đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sử dụng tài sản để liên kết nhưng chưa được Bộ chấp thuận cũng như chưa được Bộ Tài chính thông qua theo quy định...
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, một mặt, các đơn vị thừa nhận thiếu sót, song cũng cho rằng, việc thực hiện các quy định về liên doanh, liên kết còn có vướng mắc, khó khăn cho các đơn vị.
Đơn cử, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công cho phép các ĐVSNCL được phép liên kết, nhưng không có quy định dùng quyền sử dụng đất để liên doanh, liên kết. Trong khi phần lớn tài sản công gắn với đất nên điều này làm cho các đơn vị khó khăn trong việc thực hiện liên doanh, liên kết đầu tư xây dựng mới hạ tầng…
Khẳng định tự chủ ĐVSNCL là chính sách đúng đắn, đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (Đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, cần có những cơ chế, chính sách và cách làm để có thể thực hiện tự chủ được với y tế và giáo dục, vốn là 2 ngành an sinh xã hội rất quan trọng với đời sống người dân. Theo đó, cần tính được định mức kinh tế kỹ thuật của từng dịch vụ, nhất là trong y tế.
“Cần phải giải quyết nội dung này một cách triệt để, để có thể đảm bảo việc tự chủ trong lĩnh vực y tế, giáo dục hay một số những lĩnh vực khác” - đại biểu cho biết.
Trên cơ sở những bất cập về cơ chế, chính sách được nhận diện qua giám sát, Đoàn giám sát của UBTVQH đề xuất Chính phủ, các Bộ, ngành cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tháo gỡ những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện tự chủ và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công về việc sử dụng tài sản công tại ĐVSNCL vào mục đích liên doanh, liên kết…
Trong đó, đối với lĩnh vực hiện chiếm số lượng ĐVSNCL lớn hiện nay là giáo dục, Đoàn giám sát kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học để xác định rõ những cơ sở giáo dục đại học phải thành lập, được lựa chọn thành lập hoặc không thành lập hội đồng trường; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động của hội đồng trường và các thiết chế liên quan trong cơ sở giáo dục đại học để khắc phục các vướng mắc, bất cập…
“Đối với các vấn đề đã rõ, cần sớm sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ vưỡng mắc, tạo cơ sở pháp lý đổi mới mạnh mẽ tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL thì Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, ban hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan” - Báo cáo của Đoàn giám sát nêu rõ.
Đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, đảm bảo minh bạch trong tự chủ
Bên cạnh việc kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong cơ chế, pháp luật về tự chủ, Đoàn giám sát của UBTVQH cũng đề nghị cần tiếp tục tăng cường trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch với xã hội của các ĐVSNCL; đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với vấn đề này.
Theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, các ĐVSNCL phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và trước pháp luật đối với các quyết định thực hiện quyền tự chủ về tài chính của đơn vị; bảo đảm chất lượng dịch vụ sự nghiệp công theo các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế sử dụng tài sản, quy chế dân chủ cơ sở, quy chế công khai tài chính, kiểm toán nội bộ theo quy định.
Đồng thời, các ĐVSNCL thực hiện quy định công khai; trách nhiệm giải trình hoạt động và số liệu thu, chi khi lập phương án tự chủ tài chính của đơn vị trước cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan kiểm toán, thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật.
Thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, năm 2019, KTNN đã tổ chức triển khai thực hiện nhiều cuộc kiểm toán đánh giá về công tác tự chủ tại các ĐVSNCL, trọng tâm là 02 cuộc kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập và bệnh viện công lập giai đoạn 2016-2018. Qua kiểm toán đã góp phần tăng cường năng lực quản lý tại các đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập, các bệnh viện công lập và nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả của KTNN.
TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II nhấn mạnh, việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công của các ĐVSNCL nhằm phát huy các yếu tố tích cực, hạn chế các mặt trái của cơ chế thị trường. Do đó, cần đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho ĐVSNCL gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý hiệu quả hoạt động, chất lượng, sản phẩm đầu ra; tăng cường kiểm soát quyền lực của người quản lý ĐVSNCL để tránh lạm dụng quyền lực hoặc thực hiện sai lệch sứ mệnh của ĐVSNCL.
Thực tế cho thấy, thông qua kiểm toán, KTNN cũng đã có nhiều phát hiện, kiến nghị nổi bật giúp nâng cao hiệu quả hoạt động tự chủ tại các ĐVSNCL.
Đơn cử, KTNN đã kiến nghị Bộ Y tế tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các ĐVSNCL, trong đó tăng cường công tác kiểm tra về hoạt động hoạt động liên doanh, liên kết tại các đơn vị trực thuộc; kiểm tra việc áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh, các nhiệm vụ thí điểm khác.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) cũng nhấn mạnh: KTNN đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo phòng ngừa, chấn chỉnh vi phạm trong thực hiện tự chủ; giúp các đơn vị nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ công.
“Đó là lý do cần phải tăng cường kiểm toán, đảm bảo việc thực hiện tự chủ đi đúng hướng, đạt hiệu quả” - đại biểu cho biết./.