Đảm bảo tiến độ, chất lượng xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 trình Quốc hội

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 22:50, 03/01/2019

(BKTO)- Sáng 03/1, tại trụ sở KTNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc- Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 (Ban soạn thảo) đã chủ trì cuộc họp đầu tiên của Ban soạn thảo.


Tham dự cuộc họp có các thành viên của Ban soạn thảo; các thành viên Tổ biên tập Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 cùng một số cán bộ, công chức của Vụ pháp chế, Văn phòng KTNN.
                
   

Quang cảnh cuộc họp- Ảnh: N.Lộc

   
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện Kế hoạch số 07- KH/TW ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 735- KH/ĐĐQH ngày 18/1/2018 của Đảng đoàn Quốc hội về việc sửa đổi Luật KTNN năm 2015, KTNN đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội. Ngày 13/12/2018, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết 613/2018/UBTVQH14 về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, trong đó có việc sửa đổi Luật KTNN. Theo đó, việc sửa đổi Luật KTNN sẽ được tiến hành trong 2 kỳ họp (trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, tháng 5/2019 và biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 8, tháng 10/2019).

Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh: Tiến độ, thời gian và yêu cầu nội dung công việc đặt ra rất gấp, do vậy đòi hỏi Ban soạn thảo phải có cách làm khoa học, hợp lý, có kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ hợp lý và phải bám sát quy trình, công việc được giao để hoàn thành đảm bảo chất lượng, tiến độ xây dựng Dự án Luật.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về: Dự thảo Quy chế hoạt động của Ban soạn thảo và dự kiến phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban soạn thảo; Kế hoạch xây dựng Dự án Luật và những nội dung cần tập trung thực hiện ngay.

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Vũ Thanh Hải: Trên cơ sở ý kiến thẩm tra, ý kiến của Chính phủ cũng như ý kiến tại của các đại biểu tại phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến tại các cuộc họp liên quan về Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật của KTNN; các cuộc họp về các dự án luật có liên quan như Luật Quản lý thuế, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Phòng chống tham nhũng… đơn vị thường trực đã nghiên cứu, rà soát các nội dung của Hồ sơ, nghiên cứu tổng thể các vấn đề KTNN đã đề xuất sửa đổi, bổ sung. Theo đó, Vụ Pháp chế đề nghị giữ nguyên các nội dung đã đề xuất sửa đổi, bổ sung tại Tờ trình tại Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, cần thuyết minh thêm các cơ sở pháp lý, thực tiễn, thông lệ các cơ quan, kinh nghiệm quốc tế… để củng cố thêm cơ sở trong quá trình hoàn thiện Tờ trình Dự án Luật.

Ngoài ra, Vụ Pháp chế cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu các vấn đề khác như: kiểm toán lĩnh vực quốc phòng an ninh; nghiên cứu quy định về trách nhiệm của KTNN quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng để đảm bảo tính tương thích và phù hợp thực tiễn hoạt động của KTNN; nghiên cứu, bổ sung việc thực hiện đối chiếu, xác minh theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Quản lý sử dụng tài sản công; bổ nhiệm ngạch kiểm toán viên nhà nước trong trường hợp chuyển ngạch…

Vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng cho rằng, các công việc cần làm ngay để đảm bảo tiến độ; yêu cầu xây dựng Dự án Luật, theo quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm: tổ chức xin ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan; tổ chức khảo sát; tổ chức Hội nghị về Dự án Luật, trong đó dự kiến tổ chức 3 hội nghị tại 3 miền Bắc, Trung, Nam; xin ý kiến Chính phủ về Dự án Luật và trình cơ quan thẩm tra. Dự kiến, Hồ sơ Dự án Luật sẽ được hoàn thiện và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 33 (tháng 4/2019) trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Thảo luận tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập cơ bản thống nhất với Dự thảo Quy chế hoạt động của Ban soạn thảo và Dự thảo Kế hoạch xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 cũng như những công việc cần triển khai ngay để đảm bảo yêu cầu tiến độ.

Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, việc xây dựng Dự án Luật cần tuân thủ đúng quy trình, thủ tục; cân nhắc phạm vi, nội dung sửa đổi trên cơ sở bám sát Kế hoạch số 07- KH/TW; tập trung sửa đổi những vấn đề cấp bách, bức xúc mà thực tiễn yêu cầu, đặc biệt là vấn đề phạm vi hoạt động của KTNN để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng; việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ của KTNN trong giám định tư pháp để phục vụ hoạt động điều tra, tố tụng... Đồng thời, đối chiếu, rà soát chức năng, nhiệm vụ của KTNN với các cơ quan khác để tránh chồng chéo, trùng lặp. Các đại biểu cũng đề nghị, việc xây dựng Dự án Luật cần đánh giá kỹ tác động cả về mặt tích cực và tiêu cực; các nội dung sửa đổi cần được thuyết minh rõ ràng, có căn cứ đảm bảo tính thuyết phục…

Kết luận cuộc họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc yêu cầu Vụ Pháp chế, sau cuộc họp cần khẩn trương lập kế hoạch chi tiết về việc thực hiện xây dựng Dự án Luật, trong đó xác định rõ thời gian, công việc cần triển khai, người chủ trì, người tham gia, thời điểm trình cấp có thẩm quyền; thời điểm tổ chức hội nghị, hội thảo… để bám sát đôn đốc, đảm bảo tiến độ đề ra.

Cùng với đó, Vụ Hợp tác quốc tế cần tích cực, khẩn trương dịch Luật KTNN của các nước để đúc rút kinh nghiệm quốc tế nhằm chắt lọc, tiếp thu áp dụng phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng yêu cầu Tổ biên tập nhanh chóng hoàn thiện các nội dung cần sửa đổi và xin ý kiến của thành viên Ban Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015; tổ chức họp nhằm bàn thảo sâu về các nội dung sửa đổi, bổ sung (vào khoảng giữa tháng 1/1019); tổ chức lấy ý kiến và tổ chức hội thảo tại 3 điểm; tổ chức chuyến đi khảo sát nước ngoài.

Về thời hạn thực hiện, Tổng Kiểm toán Nhà nước lưu ý, phải gửi xin ý kiến Chính phủ trước 30/2/2019 và gửi Hồ sơ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước 1/4/2019 để Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, cho ý kiến.

Liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, KTNN đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sẽ bàn thảo kỹ lưỡng vấn đề này để xác định nội dung cụ thể, gửi xin ý kiến các thành viên Ban soạn thảo. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý, Ban soạn thảo sẽ họp bàn để thống nhất nội dung, sau đó đưa lên Cổng Thông tin điện tử lấy ý kiến rộng rãi.
         
Cũng tại cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh đã công bố Quyết định số 06/QĐ-KTNN ngày 2/1/2019 của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc thành lập Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015. Theo đó, Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 gồm 27 thành viên, do Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc là Trưởng ban; Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh và Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên là Phó Trưởng ban; các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, một số Bộ, ngành liên quan và lãnh đạo một số đơn vị chức năng của KTNN.
   
   Cùng ngày, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cũng đã ký ban hành Quyết định số 05/QĐ-BST về việc thành lập Tổ biên tập Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 gồm 28 thành viên, do Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh là Tổ trưởng, trong đó Thường trực Tổ biên tập gồm 10 thành viên. Tổ biên tập có nhiệm vụ giúp việc cho Ban soạn thảo tổ chức thực hiện nhiệm vụ, có trách nhiệm làm đầu mối phối hợp, điều phối hoạt động, đảm bảo duy trì chế độ thông tin, báo cáo, tổng hợp và các nhiệm vụ khác theo yêu cầu.
Đ. KHOA