Du lịch Thủ đô đang phát triển đúng với tiềm năng và vị thế

Xã hội - Ngày đăng : 15:16, 13/11/2024

(BKTO) - 10 tháng năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 23,11 triệu lượt khách, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023.
1.png
Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 thu hút hơn 63 nghìn lượt khách tham quan. Ảnh: Nguyễn Ly

Phát triển đa dạng các nhóm sản phẩm du lịch

Tháng 10/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 2,05 triệu lượt khách, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 553,2 nghìn lượt khách, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước, khách du lịch nội địa ước đạt 1,5 triệu lượt khách, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 8.581 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023.

10 tháng năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 23,11 triệu lượt khách, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 4,95 triệu lượt khách, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2023, khách du lịch nội địa ước đạt 18,16 triệu lượt khách, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch 10 tháng đầu năm ước đạt 90.065 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Đặc biệt, tháng 10, Hà Nội tổ chức thành công nhiều sự kiện Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, thu hút một lượng lớn khách du lịch: Triển lãm 70 năm thành tựu xây dựng và phát triển Thủ đô; Triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi”; Trưng bày “Ký ức Hà Nội 70 năm” tái hiện không gian Hà Nội xưa trong khu phố cổ Hà Nội; Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 thu hút hơn 63 nghìn lượt khách tham quan; Triển lãm ảnh “Hà Nội - Ngày tiếp quản năm 1954” và chiếu phim tư liệu “Ký ức Hà Nội”; Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình và kỷ niệm 25 năm Hà Nội được vinh danh Thành phố vì hòa bình; Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô…

Cũng trong tháng 10, Sở Du lịch Hà Nội triển khai đa dạng các hình thức truyền thông trên các nền tảng số, mạng xã hội và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp trên không gian mạng. Thực hiện sản xuất clip, biên tập, dịch bài thuyết minh các điểm đến du lịch trên địa bàn Thành phố đã được chuẩn hóa sang 5 ngôn ngữ: Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tổ chức thiết kế, sản xuất sản phẩm quà tặng, bộ nhận diện du lịch, ấn phẩm du lịch Hà Nội đặc sắc, mang đậm nét văn hóa Thủ đô, phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch và phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm tham quan du lịch.

Để đáp ứng các xu hướng mới, ngành du lịch Thủ đô đã và đang phát triển các nhóm sản phẩm du lịch mới phục vụ đa dạng nhu cầu của từng nhóm khách du lịch như: Du lịch đêm gồm các tour du lịch đặc sắc như Chương trình biểu diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ", tour tham quan Hỏa Lò về đêm, các không gian đi bộ, tour "Giải mã Hoàng thành Thăng Long", đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám "Tinh hoa đạo học"…; Sản phẩm du lịch thể thao gồm tour khám phá Hà Nội bằng xe đạp "VGreen bike tour", các tour leo núi, chạy bộ tại khu vực huyện Sóc Sơn...

Thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn

Trong các tháng cuối năm, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tham mưu trình UBND Thành phố ban hành Quyết định của UBND Thành phố quy định về việc ban hành "Quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp Thành phố"; đổi mới mô hình tổ chức, phương thức quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương) huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội; triển khai thực hiện và phương án điều tra tài nguyên du lịch của Hà Nội theo Kế hoạch tổng thể tổ chức điều tra tài nguyên du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thành phố sẽ xây dựng mô hình thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn giai đoạn 2022-2025; triển khai Kế hoạch xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số; Kế hoạch về xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với các giá trị di sản - di tích tại điểm du lịch Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội.

Công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô được tăng cường trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước; ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch; tiếp tục số hóa hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, thị trường du lịch Hà Nội…

Các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn đang có nhiều chương trình kích cầu hấp dẫn thu hút du khách nhất là dịp mùa Giáng sinh, Tết Dương lịch cũng như Tết cổ truyền dân tộc năm 2025./.

THÙY LÊ