Thảm họa khí hậu có xu hướng gia tăng
Xã hội - Ngày đăng : 14:24, 14/11/2024
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Theo Cơ quan khí tượng Thế giới, các thảm họa liên quan đến khí hậu tiếp tục gia tăng, xu hướng thường xuyên hơn và có cường độ mạnh hơn không chỉ ở các quốc gia châu Á mà trên phạm vi toàn cầu.
Các sự kiện thiên tai này sẽ gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản không chỉ ở những khu vực đang phát triển, mà còn ở cả những nơi có hạ tầng cơ sở hoàn thiện hơn.
Trước những thách thức về thiên tai và biến đổi khí hậu những năm gần đây, các quốc gia châu Á không chỉ cần tăng cường nội lực, mà còn cần đoàn kết chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau để có sự vào cuộc quyết liệt hơn để cùng chia sẻ những kinh nghiệm nhằm vượt qua các thách thức lớn của tự nhiên này.
Năm 2024, Việt Nam đảm nhận vai trò nước chủ nhà, chủ trì hội nghị. Sự kiện này thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và tăng cường khả năng ứng phó trước các thảm họa tự nhiên.
Hội nghị diễn ra trong 02 ngày, bao gồm: phiên họp bàn tròn của đại diện các quốc gia thành viên ADRC; phiên họp kỹ thuật với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế; phiên họp đặc biệt của đại diện nước chủ nhà Việt Nam và phiên họp Ban chỉ đạo ADRC.
Mục tiêu Hội nghị ACDR 2024 nhằm: Rà soát tiến độ, tăng cường các hệ thống quản lý rủi ro thiên tai thông qua chia sẻ kinh nghiệm về thảm họa các khu vực không giáp biển; Kinh nghiệm và bài học rút ra từ các thảm họa lớn gần đây ở các quốc gia thành viên; Các sáng kiến và phương pháp tiếp cận mới của các quốc gia thành viên và các tổ chức đối tác để chuẩn bị ứng phó với các thảm họa phức tạp và chồng chéo.
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ tiến độ đạt được và những thách thức gặp phải của quốc gia trong quá trình khắc phục hậu quả thiên tai và thảo luận về việc tăng cường hợp tác để đẩy nhanh việc thực hiện Khung Sendai về giảm nhẹ thiên tai 2015-2030.
Theo bà Đoàn Thị Tuyết Nga (Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai), thiên tai tại Việt Nam trong những năm gần đây đã gây ra thiệt hại lớn, làm giảm GDP từ 1 - 1,5%. Gần đây nhất, bão Yagi đã tàn phá nghiêm trọng hạ tầng, điện và viễn thông của hai tỉnh quan trọng về kinh tế là Quảng Ninh và Hải Phòng, ảnh hưởng lớn đến sinh kế và đời sống của người dân trong khu vực khó khăn.
Đại diện các địa phương chịu ảnh hưởng của bão cũng chia sẻ chi tiết về thiệt hại do cơn bão Yagi và mưa lũ sau bão gây ra cho địa phương, cũng như những khó khăn, thách thức trong công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai, những mô hình điểm tại địa phương về cảnh báo và phòng, chống lũ quét, sạt lở đất.
Các ý kiến cho rằng, ba yếu tố đóng vai trò mấu chốt trong việc bảo vệ cộng đồng cũng như giảm nhẹ rủi ro và thiệt hại do thiên tai là xây dựng hạ tầng bền vững, nâng cao nhận thức của người dân và cải thiện hệ thống thông tin.
Trong 02 ngày diễn ra, các chuyên gia đã thảo luận về tầm quan trọng của các giải pháp chủ động như thu thập, quản lý và sử dụng thông tin rủi ro để phân tích và dự báo chính xác, thực hiện các hành động sớm để giảm tác động của thiên tai do lũ lụt và lũ quét.
Chiều ngày 13/11, các đại biểu quốc tế đã đi thăm công trình phân lũ Đập Đáy, một trong những cụm công trình phòng, chống thiên tai điển hình của Việt Nam.