Quan tâm đầu tư nguồn lực tương xứng thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2030
Xã hội - Ngày đăng : 16:23, 14/11/2024
Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước trong 6 năm, từ năm 2025 đến năm 2030 với tổng mức đầu tư là 22.450 tỷ đồng, gồm 9 dự án thành phần, 6 tiểu dự án do Bộ Công an quản lý chương trình và 8 bộ, ngành chủ trì thực hiện các dự án thành phần. Các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của chương trình được xây dựng theo 3 trụ cột về giảm cung, giảm cầu, giảm thiểu tác hại, tập trung giải quyết những vấn đề có tính chất cấp bách trong thực tiễn phòng, chống ma túy có trọng tâm, trọng điểm.
Qua thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội thống nhất cao với sự cần thiết đầu tư Chương trình ở quy mô chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan chủ trì xây dựng chương trình, cơ quan chủ trì thẩm tra và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan. Các đại biểu cũng đề nghị cần quan tâm đầu tư nguồn lực tương xứng để việc thực hiện Chương trình mang lại hiệu quả đột phá và có tính bền vững, khắc phục được những bất cập, hạn chế.
Theo đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), quy mô và nguồn lực dự kiến bố trí cho Chương trình là một khoản đầu tư lớn, tuy nhiên, so với các chương trình mục tiêu quốc gia khác, con số này khá khiêm tốt. Cho rằng chương trình chưa làm rõ chi phí vận hành, bảo trì sau khi hoàn thành đầu tư, đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc cơ chế đặc thù trong phân bổ ngân sách cho các địa phương khó khăn, có tính chất phức tạp về ma túy và xem xét khả năng huy động thêm các nguồn lực hợp pháp khác để tham gia vào thực hiện Chương trình.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tiến Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) đề nghị cần phải tăng nguồn ngân sách Trung ương, nhất là kinh phí cho các dự án, tiểu dự án cho các bộ, ngành chủ trì như Bộ Y tế để triển khai rất nhiều hoạt động chuyên môn y tế liên quan đến phòng, chống ma túy; để Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy trong cộng đồng.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cũng thống nhất cho rằng, việc bố trí nguồn vốn 427 tỷ cho Dự án tăng cường đáp ứng y tế dự phòng trong phòng, chống ma túy là chưa tương xứng với tầm quan trọng nhiệm vụ và nội dung hoạt động của dự án này. "Bởi, thực hiện Chương trình này muốn thành công thì có sự đóng góp rất lớn của y tế - một trong những chủ thể quan trọng bên cạnh ngành công an, lao động và các ngành khác. Từ hoạt động chuyên môn y tế liên quan đến phòng chống ma túy, tập huấn điều trị ma túy trước, trong và sau cai nghiện ma túy, nghiên cứu khoa học... đều cần phải có một nguồn kinh phí thỏa đáng" - đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh.
Ở một chiều hướng khác, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cho biết, so với phạm vi thực hiện toàn quốc và yêu cầu phòng, chống ma túy rộng rãi thì số tiền 22.450 tỷ đồng để đầu tư cho Chương trình là hợp lý. Để đảm bảo tính khả thi của Chương trình, đại biểu đề nghị cần có kế hoạch sử dụng ngân sách một cách chi tiết, kiểm soát chi tiêu nghiêm ngặt và cơ chế giám sát để tránh lãng phí.
Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, vấn đề này Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, tính toán từng nội dung, từng nhiệm vụ, tập trung đề xuất bố trí nguồn lực để giải quyết những vấn đề cấp bách, những vấn đề trước mắt, đảm bảo sử dụng ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, tránh dàn trải.
Theo Bộ trưởng, để đảm bảo tính linh hoạt trong việc huy động và bố trí nguồn lực thực hiện, trong quá trình điều hành, các cơ quan được giao thực hiện những đề án và nhiệm vụ trong Chương trình này sẽ tham mưu cho Chính phủ, tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương để phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời, sẽ báo cáo với Quốc hội ưu tiên hỗ trợ thêm nhằm đảm bảo tính bền vững, hiệu quả của Chương trình./.