Đào tạo nguồn nhân lực để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Xã hội - Ngày đăng : 11:14, 16/11/2024

(BKTO) - Để ngành du lịch nắm bắt thời cơ, phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch là vấn đề cấp thiết và quan trọng.
quang-canh.jpg
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý nhằm đề ra các kiến nghị, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực du lịch. Ảnh: ST

Đó là nội dung của Hội thảo quốc gia "Vai trò của các bên liên quan trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch".

Hội thảo tập trung vào 3 chuyên đề chính: Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch gắn với chuyển đổi số; vai trò của các bên liên quan trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch theo ngành, lĩnh vực.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hồ An Phong, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính chất liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, mang nội hàm văn hóa sâu sắc. Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực đang rất cấp thiết và quan trọng khi chúng ta định hướng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn…Để phát triển du lịch, cần sự phối hợp rất cao của các bên liên quan, cần được thảo luận, nghiên cứu nhiều hơn để giải mã được các vấn đề liên quan tới phát triển nguồn nhân lực du lịch. 

ho-an-phong.jpg
Thứ trưởng Hồ An Phong phát biểu tại Hội thảo. Ảnh:ST

PGS,TS. Nguyễn Đức Thắng - Khoa Du lịch, Trường Đại học Công nghệ Đông Á - cho rằng, để phát triển NNLDL Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghệ số, chuyển đổi số, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Bắt đầu từ cơ sở đào tạo phải đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, đặc biệt quan tâm đến ngoại ngữ, kỹ năng, kiến thức, thực tế, thực hành, thực tập.

Các cơ quan quản lý du lịch các cấp, cơ quan truyền thông đại chúng đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của đội ngũ người lao động, khách du lịch và cộng đồng về cách mạng công nghệ số với ngành du lịch; cần có sự rà soát, đánh giá lại, đầu tư, đào tạo lại lao động nghề phục vụ hoạt động kinh doanh khách sạn, lữ hành, hướng dẫn viên, xúc tiến quảng bá du lịch; xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn bình thường mới.

PGS,TS. Phạm Xuân Hậu - Khoa du lịch trường Đại học Văn Hiến - cũng nhấn mạnh một số giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan trong đào tạo nhân lực du lịch: Cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền các cấp với vai trò quản lý và chỉ đạo toàn diện cần khẳng định rõ trách nhiệm quản lý vĩ mô để ban hành các chính sách đầu tư hợp lý, chính sách khuyến khích kịp thời, đồng bộ cả về tinh thần và vật chất.

Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo trong việc xây dựng, triển khai các hoạt động đào tạo; đánh giá kết quả đào tạo; ký kết các thỏa thuận, hợp tác về đào tạo trong và ngoài nước. Đồng thời, đầu tư xây dựng các mô hình đào tạo chuyên sâu, chất lượng cao cho các cấp trình độ bằng các hình thức liên kết quốc tế hoặc dựa trên thế mạnh của các vùng lãnh thổ có điều kiện thực hiện, có thị trường sử dụng lao động lớn, điển hình để có thể nhân rộng thực hiện trong toàn ngành.

Theo TS. Nguyễn Phương Thảo - Trường Ngoại ngữ - Du lịch, Đại học Công nghiệp Hà Nội, để phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nhà trường cần tăng cường hợp tác với doanh nghiệp thông qua việc chủ động tìm kiếm, thiết lập và duy trì mối quan hệ hợp tác bền vững với các doanh nghiệp du lịch.

Thứ trưởng Hồ An Phong cho rằng, nhiều vấn đề đặt ra tại Hội thảo rất thiết thực, ý nghĩa và cần tiếp tục được đề cập sâu hơn, tạo điều kiện tốt nhất cho việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam…/.

THANH TRANG