Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc phù hợp với logic phát triển của cách mạng Việt Nam và xu thế của thời đại
Chính trị - Ngày đăng : 07:19, 17/11/2024
Nền tảng, điều kiện quan trọng để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới
Theo đồng chí Lại Xuân Môn - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng T.Ư: Kỷ nguyên mới, theo cách hiểu thông thường là thời điểm mở đầu gắn với một sự kiện trọng đại có ảnh hưởng lớn đến các giai đoạn phát triển tiếp theo (của một lĩnh vực, cộng đồng... hay của quốc gia, nhân loại). Ở nước ta, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 đã đưa đến thắng lợi vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở ra một thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh vinh quang, khởi đầu kỷ nguyên độc lập tự do. Từ năm 1945 đến năm 1975, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã tập trung thực hiện hai nội dung lớn của kỷ nguyên đầu tiên của cách mạng Việt Nam: Giành, giữ độc lập, tự do cho Tổ quốc và chuẩn bị tiền đề ban đầu cho kỷ nguyên thứ hai.
Năm 1975 đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, tạo tiền đề vững chắc để đến năm 1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới, đất nước bước vào kỷ nguyên thứ hai - kỷ nguyên thống nhất, đổi mới. Gần 40 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã quyết tâm, quyết liệt tiến hành công cuộc đổi mới, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Chúng ta thống nhất xác định thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, thời điểm chúng ta hoàn thành xuất sắc công cuộc đổi mới sau 40 năm lao động, sáng tạo bền bỉ và đạt được những thành tựu vĩ đại; cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế nâng lên rõ rệt; dư địa và không gian phát triển của Việt Nam còn nhiều lợi thế: (1) Địa chính trị, địa kinh tế; (2) Dân số 105 triệu người đang là dân số vàng; nền văn hóa đặc sắc, hòa hiếu, bao dung độ lượng; (3) Chúng ta có Đảng lãnh đạo cầm quyền, đất nước ổn định; (4) Khát vọng, ý chí, có bản lĩnh, trí tuệ, đồng thuận triệu người như một; (5) Lợi thế đi sau, đi tắt đón đầu, tránh sai lầm…
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư Lại Xuân Môn
Mục tiêu và những nội dung lớn của kỷ nguyên thống nhất, đổi mới về cơ bản đã hoàn thành, cho phép đất nước ta bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên thứ ba: Kỷ nguyên phồn vinh, hạnh phúc.
Theo đồng chí Lại Xuân Môn, phải chăng, định hướng bước vào “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” là phù hợp với logic phát triển của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đến thời điểm Đại hội XIV, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước cho phép và đòi hỏi nước ta phải có bước phát triển đột phá, tăng tốc để phát triển nhanh, mạnh, bền vững? Đây là đòi hỏi khách quan, là bước phát triển hợp quy luật của cách mạng Việt Nam, là sự phát triển lên một trình độ mới, cấp độ mới của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Nhân loại đang bước vào một thời kỳ phát triển mới, nhanh chóng, với nhiều biến đổi rất lớn và căn bản, vừa có nhiều thách thức mới vừa tạo ra những vận hội, thời cơ phát triển mới. Đặc biệt, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những thành tựu đột phá vừa tạo ra những thách thức lớn vừa mở ra những cơ hội, thời cơ phát triển mới chưa từng có. Quốc gia nào tận dụng được thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể tạo ra sự phát triển bứt phá.
Đảng ta đã nhận thức đúng, đã quyết tâm nắm bắt cơ hội này, đã và đang thực hiện nhiều giải pháp tích cực để thích ứng, khai thác, phát huy các thành tựu vượt trội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây chính là chìa khóa để Việt Nam vươn mình, phát triển bứt phá, đuổi kịp, tiến nhanh cùng thời đại. Đây chính là khởi điểm lịch sử trong tiến trình phát triển, đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Như vậy, Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển bứt phá, khởi đầu từ Đại hội XIV là phù hợp với quy luật khách quan của cách mạng Việt Nam và xu thế của thời đại.
Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, sau gần 40 năm đổi mới, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ, trình độ nền kinh tế được nâng lên cao hơn, quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD, đứng thứ 35 trên thế giới, đứng thứ 5 trong ASEAN. GDP bình quân đầu người đạt gần 4.300 USD, gần gấp 58 lần sau ba thập kỷ; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, duy trì tăng trưởng kinh tế khá cao so với khu vực và thế giới; năng suất lao động liên tục tăng, giai đoạn 2016-2020 tăng 6,05%, giai đoạn 2021-2023 tăng 8,94%...
“Những kết quả trên là nền tảng và điều kiện quan trọng để Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội” - PGS.TS Vũ Văn Phúc nhấn mạnh.
Cần tinh gọn bộ máy Nhà nước
GS.TS Lê Minh Thông - nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội - đánh giá, qua gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, là tiền đề để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới... Tuy nhiên, tổ chức của hệ thống chính trị vẫn còn khá cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức thành viên vẫn còn tình trạng trùng lặp, chồng chéo...
Vấn đề đang đặt ra có tính cấp thiết vẫn là tiếp tục cải cách mô hình tổ chức tổng thể của cả hệ thống chính trị một cách quyết liệt với mức độ, quy mô của một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, với quyết tâm chính trị cao hơn nữa, các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, để mỗi tổ chức thành viên của hệ thống chính trị thật sự rõ về chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền, tinh gọn về tổ chức bộ máy, hiệu quả, hiệu lực về hoạt động để đáp ứng tốt yêu cầu lãnh đạo, dẫn dắt và tổ chức công cuộc vươn mình của dân tộc trong kỷ nguyên phát triển mới.
GS.TS Lê Minh Thông cho rằng, việc xây dựng, đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của các thiết chế trong hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trước yêu cầu mới, cần tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, với trọng tâm là đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị.
Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả trong các hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Toàn bộ tổ chức và hoạt động của Quốc hội phải tuân thủ nghiêm các nguyên tắc của một thiết chế dân chủ nghị trường, khắc phục những biểu hiện “hành chính hóa” trong hoạt động Quốc hội.
Đổi mới mạnh mẽ hoạt động lập pháp để tháo gỡ những nút thắt về thể chế đang gây khó khăn cho sự phát triển. Quốc hội chỉ ban hành luật thuộc phạm vi thẩm quyền theo quy định của Hiến pháp, bảo đảm thẩm quyền lập quy của Chính phủ để xử lý kịp thời, linh hoạt những vấn đề của thực tiễn.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phải tinh gọn lại. Cần tiếp tục kiện toàn tổ chức Chính phủ theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại...
Sau gần 95 năm tiến hành công cuộc giải phóng, xây dựng đất nước; dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tạo ra những bước phát triển đột phá kỳ diệu, những kỷ nguyên vẻ vang: Kỷ nguyên độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1930 -1975); kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới (1975 - 2025); và bây giờ, chúng ta bước vào kỷ nguyên thứ ba - kỷ nguyên vươn mình của của dân tộc, khởi đầu bằng sự kiện trọng đại, Đại hội XIV của Đảng. Ba kỷ nguyên đã và sẽ được tạo lập, là sự tiếp nối hợp quy luật của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; kỷ nguyên trước tạo tiền đề cho kỷ nguyên sau; kỷ nguyên sau kế thừa, phát triển thành tựu của kỷ nguyên trước, làm cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ngày càng hòa quyện, phát triển không ngừng.
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư Lại Xuân Môn
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận đưa ra những giải pháp kiên quyết xóa bỏ những rào cản, điểm nghẽn, cản trở phát triển; làm rõ những vấn đề liên quan đến cuộc cách mạng chuyển đổi số; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; tăng cường tính Đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân...
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Lại Xuân Môn khẳng định, sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến sâu sắc, tâm huyết, giá trị của các chuyên gia, các nhà khoa học; đồng thời nhấn mạnh: Những kết quả đạt được tại cuộc hội thảo này cung cấp thêm căn cứ để chúng ta tuyên truyền, lan tỏa sâu rộng định hướng của T.Ư Đảng, của Tổng Bí thư Tô Lâm, củng cố niềm tin, quyết tâm, khí thế mới trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, khởi đầu cho kỷ nguyên mới vẻ vang của dân tộc ta./.