Quản lý thị trường xử lý gần 1.000 vụ vi phạm kinh doanh xăng dầu giai đoạn 2020-2024
Pháp luật - Ngày đăng : 14:29, 19/11/2024
Xử lý 974 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước gần 31,8 tỷ đồng
Đó là những con số được đưa ra tại Hội nghị sơ kết quy chế phối hợp giữa Cục QLTT và Công ty Xăng dầu các tỉnh khu vực Duyên hải Miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ ngày 15/11 mới đây tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng do Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) phối hợp tổ chức.
Việc phối hợp giữa 2 cơ quan này nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, góp phần làm lành mạnh hóa thị trường xăng dầu, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu. Quy chế phối hợp được ký kết ngày ngày 03/7/2020, giữa Tổng cục QLTT, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Trên cơ sở đó, các Cục QLTT địa phương đã ký quy chế làm việc.
Trong suốt 5 năm thực hiện quy chế phối hợp được ký kết giữa các đơn vị trong công tác quản lý thị trường xăng dầu, các cục QLTT đã thường xuyên tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất để ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Tạo điều kiện hỗ trợ các công ty xăng dầu quản lý hệ thống phân phối và bảo vệ thương hiệu Petrolimex trên địa bàn địa phương.
Trong 5 năm ký kết quy chế, hai bên đã phối hợp tốt trong công tác trao đổi thông tin; tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn; góp phần tích cực trong công tác quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, đảm bảo nguồn hàng cung ứng và hệ thống bán lẻ phục vụ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của nhân dân; tích cực trong phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống buôn lậu, găm hàng, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, kết quả thanh tra, kiểm tra của lực lượng QLTT khu vực Duyên hải Miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ từ ngày 03/7/2020 đến 15/10/2024 như sau: Tổng số vụ thanh tra, kiểm tra là 5.070 vụ, có 974 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 31.794.987.472 đồng.
Trong đó, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 29.673.772.053 đồng, buộc nộp lại số thu lợi bất hợp pháp là 2.121.215.419 đồng, buộc tái chế 10.670 lít xăng và 264 lít dầu.
Theo báo cáo, các hành vi vi phạm về gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu diễn ra với nhiều hình thức tinh vi như sử dụng công nghệ điều khiển từ xa để can thiệp vào thiết bị đo, lập trình sai số thông qua IC hoặc EEPROM trên bo mạch. Điều đáng nói, các vị trí dán tem, niêm phong vẫn giữ nguyên, vì vậy, việc phát hiện, kiểm tra và xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn.
Tăng cường phối hợp, lành mạnh hóa thị trường xăng dầu
Đánh giá về công tác phối hợp giữa các bên 5 năm qua, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác phối hợp của lực lượng QLTT và công ty xăng dầu các tỉnh, thành phố và khu vực trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Kết quả đạt được đã góp phần ổn định thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Góp phần phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng tại địa phương.
Trong thời gian tới, trong bối cảnh nguồn cung thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, khó lường do ảnh hưởng yếu tố địa chính trị, thị trường xăng dầu trong nước dự báo có nhiều biến động, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này tiềm ẩn nhiều nguy cơ và nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: cần phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong công tác quản lý, thực hiện tốt quy chế phối hợp đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp kinh doanh chân chính và người tiêu dùng.
Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cũng đánh giá cao công tác phối hợp giữa cục QLTT và công ty xăng dầu các tỉnh trong thời gian vừa qua. Các đơn vị đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố, Tổng cục Quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 389 Trung ương, Ban chỉ đạo 389 tỉnh.
Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cũng nhấn mạnh, các cục QLTT cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, thể hiện tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả, bình ổn thị trường tại các địa phương.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Trần Ngọc Năm cũng nhận định: Trong thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực kinh doanh xăng dầu vẫn gặp nhiều khó khăn, những hành vi gian lận ngày càng tinh vi, không chỉ gây thiệt hại cho các đơn vị kinh doanh dân chính mà còn ảnh hưởng đến người tiêu dùng và toàn bộ thị trường xăng dầu Việt Nam.
Điều đó cho thấy, tầm quan trọng của công tác phối hợp trong quản lý thị trường xăng dầu. Với trách nhiệm của doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, lãnh đạo các phòng/ban, các đơn vị trực thuộc Petrolimex sẽ tiếp tục thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ đã ký kết.
Các bên cũng thống nhất, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh và tuân thủ các quy định pháp luật, nâng cao công tác quản lý; thường xuyên trao đổi thông tin; cùng nhau tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai quy chế để nhằm lành mạnh hóa thị trường xăng dầu, đảm bảo lợi ích người tiêu dùng và các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, nâng cao nguồn thu cho ngân sách và góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước./.