Cần chế tài mạnh để công đoàn bảo vệ quyền lợi của người lao động

Xã hội - Ngày đăng : 10:48, 01/11/2024

(BKTO) - Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đề xuất, Dự thảo Luật cần quy định theo hướng giao cho công đoàn đương nhiên được quyền khởi kiện khi quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và đoàn viên bị xâm hại. Điều này nhằm đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo chế tài cho tổ chức công đoàn trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
202410240957352981_z5961840678854_1cbaa6f3792a69754d04d6ce8cf627c9.jpg
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Kim Yến phát biểu thảo luận về Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: PHẠM THẮNG

Vướng mắc về thủ tục để công đoàn đại diện người lao động khởi kiện

Tham gia thảo luận về Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trần Thị Kim Yến (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) chỉ rõ, tại khoản 3 Điều 11 Dự thảo Luật quy định: "Công đoàn đại diện cho người lao động, tập thể người lao động khởi kiện ra tòa khi quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, tập thể người lao động bị vi phạm".

Theo đại biểu, điều này là hoàn toàn phù hợp với Điều 10 của Hiến pháp. Tuy nhiên, vướng mắc nhất lâu nay là thủ tục để tổ chức công đoàn đại diện được cho người lao động và tập thể người lao động để khởi kiện ra tòa.

“Cần làm rõ nội dung này là đại diện đương nhiên hay là đại diện có điều kiện, đại diện theo ủy quyền. Bởi công đoàn không chỉ bảo vệ cho một cá nhân cụ thể mà bảo vệ cho số đông của công nhân, người lao động khi quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của họ bị vi phạm, nhất là trong các doanh nghiệp” - đại biểu đề nghị.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Hậu Giang cũng cho rằng, cần đơn giản hóa thủ tục pháp lý khi tổ chức công đoàn đại diện cho người lao động tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ tại phiên tòa.

Đại biểu chỉ rõ, theo quy định hiện nay, tổ chức công đoàn được ủy quyền của người lao động mới được tham gia phiên tòa. Tuy nhiên, thực tế vừa qua cho thấy, tổ chức công đoàn rất khó khăn trong việc đại diện bảo vệ người lao động không ủy quyền cho tổ chức công đoàn đại diện.

“Cần đơn giản hóa thủ tục để tổ chức công đoàn là đại diện đương nhiên cho đoàn viên công đoàn và người lao động khi quyền, lợi ích của người lao động bị xâm phạm, nhất là việc doanh nghiệp, người sử dụng lao động nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp” – đại biểu nói, đồng thời nhấn mạnh, Luật Công đoàn (sửa đổi) lần này cần có chế tài mạnh mẽ để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho người lao động, ngoại trừ trường hợp đặc biệt như thiên tai, dịch bệnh.

a5.jpg

Trong vấn đề khởi kiện doanh nghiệp tại tòa, người lao động luôn là bên yếu thế, rất khó kiện doanh nghiệp, nếu khởi kiện thì khả năng mất việc rất cao. Nhiều trường hợp người lao động tháng nào cũng bị trừ lương, công nhân nữ tới ngày đi sinh không có bảo hiểm y tế do doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nên gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, Dự thảo Luật quy định Công đoàn đương nhiên được đại diện người lao động khởi kiện tại tòa vừa giúp đơn giản thủ tục, vừa giảm áp lực và chi phí cho người lao động.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu

Cho phép công đoàn đương nhiên được khởi kiện

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho rằng, quy định tại khoản 3 Điều 11 Dự thảo luật: "Công đoàn đại diện cho người lao động, tập thể người lao động khởi kiện ra tòa án khi quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể người lao động bị vi phạm" là rất quan trọng. Bởi thực tiễn thời gian qua, công đoàn đã gặp rất nhiều khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ này, vì vậy cần nghiên cứu để quy định theo hướng cụ thể, rõ phạm vi.

images1977792-ba-phuc-5002-9937.jpg
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc phát biểu thảo luận về Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc chỉ rõ, theo quy định của pháp luật, tổ chức Công đoàn không được quyền đương nhiên khởi kiện khi quyền lợi người lao động bị xâm hại mà phải được người lao động ủy quyền theo quy định của pháp luật. Quy định này rất tốn thời gian, chi phí đi lại của người lao động, vì thế Công đoàn không bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng của mình theo Điều 10 của Hiến pháp năm 2013.

Thực tế cho thấy, chưa có vụ án lao động nào công đoàn đương nhiên khởi kiện để đòi quyền lợi, lương thưởng, bảo hiểm xã hội cho người lao động… mà từng người lao động phải ủy quyền cho tổ chức công đoàn, thì công đoàn mới thực hiện được quyền khởi kiện.

“Như vậy, nếu doanh nghiệp có 3.000 lao động mà người sử dụng lao động bỏ trốn, doanh nghiệp nợ lương, nợ hiểm xã hội thì phải có 3.000 người lao động ra công chứng ủy quyền theo quy định của pháp luật cho tổ chức công đoàn khởi kiện, toà án phải xử 3.000 vụ, cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức thi hành 3.000 bản án là điều rất bất cập” – nhấn mạnh điều này, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi nội dung này theo hướng tổ chức công đoàn đương nhiên được khởi kiện khi quyền lợi hợp pháp của người lao động bị xâm hại.

Đồng thời, cần sửa đổi Bộ luật Tố tụng Dân sự cho phép tổ chức công đoàn đương nhiên được khởi kiện khi quyền lợi hợp pháp của người lao động bị xâm hại nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh Lao động, Luật Việc làm. Khi đó mới bảo đảm để tổ chức Công đoàn thực hiện khởi kiện cho người lao động.

Cùng với đó, đại biểu đề nghị cần rà soát, sắp xếp lại các khoản tại Điều này bảo đảm tính hợp lý hơn trong quy định các nhiệm vụ của Công đoàn về đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động./.

NGUYÊN AN