Tạo cơ sở cho địa phương tiếp nhận, xử lý hiệu quả nhà, đất dôi dư

Pháp luật - Ngày đăng : 16:06, 19/11/2024

(BKTO) - Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Cơ quan soạn thảo nhất trí bổ sung hình thức xử lý tài sản công tại cơ quan nhà nước chuyển giao về địa phương quản lý, để làm cơ sở cho địa phương tiếp nhận, xử lý hiệu quả tài sản công là nhà, đất dôi dư.
202411190823319952_dsc_4203.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Tiếp tục Phiên họp thứ 39, sáng 19/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.

Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, trong quá trình giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật, một số nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Kiểm toán độc lập liên quan đến các quy định Luật Xử lý vi phạm hành chính; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế liên quan đến các quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Theo đó, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Thường trực Ủy ban Kinh tế, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan soạn thảo thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung nội dung sửa đổi 2 Luật trên và sửa đổi tên gọi của Dự thảo Luật này là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính”.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, ông Lê Quang Mạnh cho biết, quá trình thẩm tra nội dung sửa đổi, bổ sung Dự thảo Luật này cũng như các ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu tại Tổ và Hội trường, nhiều nội dung còn có ý kiến khác nhau.

202411190836314568_dsc_0373.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Trong đó, về nội dung phân cấp, phân quyền trong quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công, nhiều ý kiến nhất trí sửa đổi từ cơ chế “phân cấp” sang “phân quyền” trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Một số ý kiến và Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc, chưa sửa đổi, bổ sung các điều khoản này, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động; rà soát bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ để tránh mâu thuẫn, chồng chéo ngay trong nội bộ luật này và các quy định pháp luật có liên quan, đặc biệt các quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các pháp luật chuyên ngành. Một số ý kiến đề nghị quy định rõ quyền hạn của Chính phủ, các cơ quan…

Thường trực Ủy ban Pháp luật và đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, sửa đổi tất cả các nội dung chuyển từ phân cấp sang phân quyền đối với tất cả các nội dung như nêu tại Dự thảo Luật sẽ không phù hợp, thống nhất với các quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thậm chí ngay trong các điều khoản của Luật hiện hành.

Theo đó, đề nghị Chính phủ rà soát kỹ lưỡng để quy định ngay trong Luật các nội dung chuyển từ “phân cấp” sang “phân quyền” phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Ông Lê Quang Mạnh cũng báo cáo, một số ý kiến nhất trí bổ sung hình thức xử lý tài sản công tại cơ quan nhà nước“chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý” theo đề xuất của Chính phủ. Một số ý kiến cho rằng không cần sửa đổi các điều, khoản này vì thực tế đang triển khai thực hiện và không có vướng mắc.

“Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Cơ quan soạn thảo nhất trí bổ sung quy định này để làm cơ sở địa phương tiếp nhận, xử lý hiệu quả tài sản công là nhà, đất dôi dư, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, bổ sung nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế xã hội, giúp gắn trách nhiệm quản lý với sử dụng, khai thác tài sản công” - ông Lê Quang Mạnh thông tin.

202411190908338475_dsc_0406.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cùng các đại biểu tham dự Phiên họp. Ảnh: VPQH

Về sắp xếp lại nhà, đất theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công của doanh nghiệp nhà nước, một số ý kiến nhất trí với quy định của Dự thảo Luật, bổ sung cụm từ “Không phải thực hiện sắp xếp lại nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công”.

Một số ý kiến cho rằng, việc sắp xếp nhà đất của doanh nghiệp là rất cần thiết, nếu bỏ quy định này tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sẽ tạo ra một lỗ hổng lớn do không có Luật nào khác quy định việc sắp xếp lại nhà, đất của doanh nghiệp.

Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Cơ quan soạn thảo nhất trí theo đề xuất của Chính phủ. Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách lo ngại về khả năng mất tài sản nhà nước do bỏ quy định các doanh nghiệp nhà nước phải sắp xếp lại nhà, đất như nội dung đang được Dự thảo của Luật; bỏ quy định này sẽ tạo khoảng trống pháp lý, trong khi đất, nhà, công trình và các tài sản gắn liền với đất giao cho doanh nghiệp quản lý là rất lớn.

Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cũng đã nhấn mạnh lưu ý nội dung sửa đổi này vì rủi ro thất thoát tài sản nhà nước là tương đối hiện hữu.

Kết luận nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội Dự án Luật với tên gọi "Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính”.

Về nội dung phân cấp, phân quyền trong quản lý, sử dụng tài sản công, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất theo đề nghị của cơ quan thẩm tra. Trường hợp Chính phủ khẩn trương tiếp thu đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung cụ thể thể hiện từ "phân cấp" sang "phân quyền" phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì nghiên cứu, tiếp thu cho đồng bộ, thống nhất và thuyết phục.

Đ. KHOA