Công đoàn cơ sở có mạnh thì tổ chức công đoàn mới mạnh
Xã hội - Ngày đăng : 09:39, 05/07/2024
Tiếng nói của công đoàn trong doanh nghiệp còn mờ nhạt
Phát biểu tại phiên thảo luận về Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua, đại biểu Nguyễn Phi Thường đánh giá cao những sửa đổi, bổ sung của Dự thảo Luật. Theo đó, Dự thảo Luật đã thể chế hóa tương đối đầy đủ những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và cam kết quốc tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, để Luật khi được thông qua thực sự đi vào thực tiễn, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xây dựng Công đoàn Việt Nam, giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, hiện đại theo đúng tinh thần Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị, đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu dành một mục riêng để quy định về trách nhiệm và quyền hạn của công đoàn cơ sở tại Chương II.
“Công đoàn cơ sở có một vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong hoạt động của hệ thống công đoàn, là nơi trực tiếp triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết, chức năng, nhiệm vụ của công đoàn, công đoàn cơ sở có mạnh thì tổ chức công đoàn mới mạnh” – đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu, thực tế cho thấy hoạt động của công đoàn cơ sở thời gian vừa qua còn rất nhiều lúng túng, kém hiệu quả; vị thế, tiếng nói công đoàn trong doanh nghiệp còn mờ nhạt; năng lực thương lượng, đối thoại và đại diện bảo vệ của công đoàn cơ sở vẫn là khâu yếu. Những tồn tại, hạn chế đó do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là chưa có một quy định pháp luật cụ thể, rõ ràng cho công đoàn cơ sở. Đây không chỉ là định chế pháp luật đơn thuần mà đối với công đoàn cơ sở còn là những định hướng dẫn dắt, tạo thuận lợi trong triển khai áp dụng.
Việc quy định chung chung quyền hạn, trách nhiệm cho tất cả các cấp công đoàn và các loại hình công đoàn cơ sở như trong Dự thảo Luật là chưa thật hợp lý và chưa thật khoa học. Nhấn mạnh điều này, đại biểu cho rằng, phải có chương riêng, mục riêng cho công đoàn cơ sở, đồng thời, Ban soạn thảo cần tách riêng trách nhiệm, quyền hạn của công đoàn cơ sở ở khu vực công và khu vực tư.
“Công đoàn khu vực công hiện nay cũng rất lớn, cả về số lượng cơ sở và số đoàn viên. Có địa phương số đoàn viên là công chức, viên chức chiếm trên 70% như ở tỉnh Sơn La hay như thành phố Hà Nội là khoảng 30%, trong khi đó mỗi loại hình công đoàn ở các khu vực này đều có những đặc thù trách nhiệm, quyền hạn khác nhau. Do đó, việc Dự thảo Luật có quy định riêng về quyền, trách nhiệm của công đoàn cơ sở và từng loại hình công đoàn cơ sở là cần thiết” – đại biểu Nguyễn Phi Thường nói.
Công đoàn cần độc lập hơn về tổ chức, chủ động về tài chính
Đại biểu Nguyễn Phi Thường cũng đề nghị Dự thảo Luật cần có cơ chế để thực thi được các quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn.
“Thực tế hiện nay công đoàn cơ sở được ví như một cậu bé tí hon nhưng đang phải khoác trên mình một cái áo quá lớn, lúng túng và bất lực. Cán bộ công đoàn cơ sở đều hưởng lương từ doanh nghiệp luôn chịu sức ép từ người sử dụng lao động. Điều này rất khó tạo ra sự bình đẳng trong hoạt động” - đại biểu nói và cho rằng, cần thiết phải cụ thể hóa cơ chế này bằng pháp luật để công đoàn độc lập hơn với người sử dụng lao động, trước hết là độc lập về tổ chức, chủ động về tài chính và có một chính sách bảo vệ cán bộ công đoàn hữu hiệu.
Theo đó, về tổ chức, đại biểu nhất trí với đề xuất cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được sử dụng lao động hợp đồng làm cán bộ chuyên trách ở công đoàn cơ sở, nơi có đông người lao động (Điều 26).
Đại biểu đề nghị, Dự thảo Luật quy định cụ thể doanh nghiệp có từ 1000 lao động trở lên phải có ít nhất một cán bộ công đoàn chuyên trách, giao Tổng Liên đoàn Lao động xây dựng thang lương, bảng lương phù hợp để khuyến khích thu hút, tạo động lực cho cán bộ công đoàn toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ từ nguồn tài chính của công đoàn cấp trên.
Liên quan đến cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn (Điều 28), đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị, Dự thảo Luật cần cụ thể hóa mức hỗ trợ hàng tháng trong thời gian gián đoạn việc làm đối với cán bộ công đoàn bị người sử dụng lao động sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật ít nhất bằng mức lương tối thiểu vùng. Đồng thời, sửa đổi khoản 2 Điều 28 quy định khi sa thải đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải có ý kiến bằng văn bản của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thay vì của công đoàn cơ sở.
“Điều này sẽ chặt chẽ và phù hợp hơn, vì nếu quy định có ý kiến bằng văn bản công đoàn cơ sở thì công đoàn cơ sở rất dễ bị thao túng, gây sức ép để hợp lý hóa việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với cán bộ công đoàn cơ sở của người sử dụng lao động” - đại biểu phân tích.
Về phát triển đoàn viên thành lập công đoàn cơ sở, đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị bổ sung trách nhiệm của chủ doanh nghiệp và chính quyền các cấp trong phát triển đoàn viên thành lập công đoàn cơ sở, vì Điều 24 và Điều 25 Dự thảo Luật chỉ quy định trách nhiệm chung chung, chưa cụ thể, rõ ràng.
Đại biểu chỉ rõ, theo Dự thảo Luật, việc gia nhập công đoàn và thành lập công đoàn cơ sở là do người lao động quyết định, công đoàn cấp trên có trách nhiệm tuyên truyền, vận động để người lao động tự nguyện gia nhập. Tuy nhiên, thực tế việc thành lập công đoàn cơ sở không phải là do người lao động quyết định mà phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của người sử dụng lao động. Công đoàn cơ sở sẽ không được thành lập nếu người sử dụng lao động không đồng ý.
Vì vậy, Dự thảo Luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động và chính quyền các cấp trong công tác này. Người sử dụng lao động không chỉ tạo điều kiện mà phải có trách nhiệm chủ động cùng với công đoàn để vận động phát triển đoàn viên thành lập công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp của mình để hướng tới xây dựng một quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Điều này cũng phù hợp với đặc thù của Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng, lãnh đạo Nhà nước quản lý./.