Ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm nông nghiệp
Đầu tư - Ngày đăng : 09:05, 07/01/2019
(BKTO) - Ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi đang là hướng đi mới giúp người nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững. Đặc biệt, trong bối cảnh nền nông nghiệp vẫn đang phát triển với quy mô nhỏ, manh mún, đa phần sản xuất theo kiểu truyền thống, việc nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm lại càng cần thiết.
Việc ứng dụng khoa họccông nghệ vẫn gặp khó
Ứng dụng KHCN để nâng cao giá trị của chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp ở nước ta hiện nay đã được thực hiện ở hầu hết các công đoạn. Nhờ vậy, thị trường xuất khẩu nông sản ngày càng được củng cố và mở rộng; niềm tin của người tiêu dùng đối với nông sản Việt Nam đã tăng hơn nhiều. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN) Nguyễn Văn Liễu thừa nhận, việc ứng dụng đồng bộ các thành tựu KHCN trong sản xuất theo chuỗi giá trị nhìn chung vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, việc tổ chức sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu theo mô hình kinh tế hộ, nhỏ lẻ, khó áp dụng các tiến bộ KHCN. Mặt khác, nguồn cung công nghệ trong nước còn nghèo nàn; năng lực tiếp thu công nghệ (cả về tri thức và vốn) của người nông dân sản xuất, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Thị trường đầu ra của nông sản Việt cũng rất bấp bênh nên lợi nhuận sản xuất chưa cao, không hấp dẫn DN đầu tư.
Ngoài ra, một nguyên nhân mà DN thường nhắc đến khi nói về khó khăn trong thực hiện chuỗi giá trị gia tăng là tình trạng “bẻ kèo, ép giá” xảy ra ở khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đó là khi thị trường hoạt động bình thường, việc liên kết sẽ được thực hiện suôn sẻ, còn khi giá sản phẩm lên cao hoặc mất giá, tình trạng này sẽ phát sinh. Bên cạnh đó, thực trạng sử dụng phân bón hoá học, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn là những vấn đề nan giải, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống và sức khoẻ của người nông dân cũng như chất lượng môi trường sống.
Cần khuyến khíchchuyển giao công nghệ
Công ty Cổ phần thương mại và Xuất - nhập khẩu Green Path Việt Nam là một trong những DN đang áp dụng chuyển giao công nghệ cao của Mỹ về Việt Nam để xây dựng, quản lý vùng trồng và giải quyết về rác thải, chống biến đổi khí hậu bằng những công nghệ hiện đại. Tổng Giám đốc của Green Path Phùng Thị Thu Hương cho rằng, Bộ KH&CN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cần xem xét và nghiên cứu về cách thức ưu tiên trong quy trình xét công nhận những chứng nhận đã được công nhận bởi các tổ chức uy tín của thế giới. Các cơ quan quản lý của Việt Nam nên có những quy định khuyến khích và ưu tiên chuyển giao công nghệ về Việt Nam, tạo điều kiện cho các DN Việt nhanh chóng nắm bắt cơ hội và nâng tầm sản phẩm, bắt kịp sự phát triển của nền khoa học thế giới.
Đề xuất giải pháp để hạn chế tình trạng “bẻ kèo, ép giá”, bà Phùng Thị Thu Hương cho hay, quan trọng nhất là phải có sự cam kết bằng hợp đồng, pháp lý. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ mà cần phải tạo môi trường để DN và người nông dân tương tác bình đẳng. Giải pháp trước mắt là phải có chợ đầu mối giao dịch cho nông sản Việt. Bởi, khi lên sàn giao dịch, mọi thông tin về giá, chất lượng, sản lượng sẽ được người bán và người mua trao đổi với nhau một cách minh bạch.
Hiện nay, Việt Nam đang rất cần hình thức kinh doanh bằng sàn giao dịch dành cho nông sản. Điều này sẽ giải quyết được vấn đề mấu chốt nêu trên. Trên thế giới, hiện nay, hình thức này rất phổ biến và đang phát triển. Đây là yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư và DN có được nguồn tài chính đầu tư, giám sát vùng trồng của chính mình để quản lý sản phẩm của hai bên.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Hà Nội Tạ Văn Tường cho hay, khi các tác nhân cùng nhau xây dựng chuỗi khép kín, xây dựng được nhãn mác, thương hiệu cho sản phẩm và lợi ích của các khâu đảm bảo hài hoà, thì sẽ giải quyết được tình trạng không bền vững trong ký kết hợp tác, tình trạng “bẻ kèo, ép giá”.
Để phát triển nông nghiệp trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Văn Liễu cho rằng, cần chú trọng vào việc đẩy mạnh ứng dụng kết nối vạn vật (IoT) thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, làm sao để có thể sử dụng các thiết bị thông minh vào kiểm soát, điều khiển trong quá trình sản xuất nông nghiệp, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (BigData) trong sản xuất nông nghiệp, trước hết là đối với các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của địa phương, của vùng. Ngoài ra, cần coi trọng yếu tố phù hợp về năng lực tiếp thu của người dân, điều kiện tự nhiên, truyền thống văn hóa, năng lực đầu tư. “Trong thời đại phát triển như vũ bão của KHCN, chúng ta cần nhanh chóng tiếp cận các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất nông nghiệp để tránh tụt hậu” - ông Liễu nói.
LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 01 ra ngày 03-01-2018