Đổi mới mạnh mẽ, thực chất, toàn diện tổ chức và hoạt động của Công đoàn
Xã hội - Ngày đăng : 09:41, 06/08/2024
Đây là vấn đề được các đại biểu nhấn mạnh tại Hội thảo khoa học: “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 05/8, tại Hà Nội.
Trung bình một cán bộ công đoàn chuyên trách phụ trách hoạt động của 18,75 công đoàn cơ sở
Khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh: Đây là cuộc hội thảo có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Hội thảo sẽ tập trung làm rõ thực trạng tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam, nhất là sau 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” (những kết quả quan trọng đã đạt được, các hạn chế, bất cập cũng như nguyên nhân trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn). Trên cơ sở đó, thảo luận, đề xuất các giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam.
Tại Hội thảo, GS.TS Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, vấn đề lớn đang đặt ra đối với tổ chức Công đoàn là số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách còn rất thiếu so với nhu cầu thực tiễn.
Theo số liệu thống kê, tính đến hết quý I/2024, tổng số biên chế công đoàn địa phương được các tỉnh, thành ủy giao năm 2024 chỉ là 5.119 biên chế.
Trong khi đó, số biên chế ở địa phương (bao gồm cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) của: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là 16.116 biên chế; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là 16.080 biên chế; Hội Liên hiệp Phụ nữ là 15.509 biên chế; Hội Nông dân là 14.436 biên chế.
Nếu không tính số đơn vị hành chính cấp xã ở các địa phương (khoảng 10.500 đơn vị), số biên chế của tổ chức Công đoàn cấp trên cơ sở không chênh lệch nhiều so với các tổ chức chính trị xã hội khác. Nhưng nếu xét theo góc độ tốc độ thu hút vốn FDI, gia tăng các trung tâm kinh tế, các khu công nghiệp; gia tăng số lượng người tham gia thị trường lao động, số lượng đoàn viên công đoàn trong doanh nghiệp…, thì số lượng cán bộ công đoàn cơ sở đối diện với thách thức lớn về sự thiếu hụt nhân sự.
Theo số liệu của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tính đến tháng 12/2023, cả nước có 11,225 triệu đoàn viên công đoàn sinh hoạt trong 124.325 công đoàn cơ sở, nhưng chỉ có 6.630 cán bộ công đoàn chuyên trách.
Nếu không tính phân cấp, trung bình một cán bộ công đoàn chuyên trách phụ trách hoạt động của 18,75 công đoàn cơ sở. Trong khi đó, số biên chế của tổ chức Công đoàn ngày càng thu hẹp - GS.TS Tạ Ngọc Tấn thông tin.
Việc thiếu hụt nhân sự của hệ thống tổ chức Công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở sẽ tác động sâu sắc đến tình hình việc làm, vấn đề thu hút, tập hợp, giáo dục đoàn viên, người lao động; trong đó có vấn đề an ninh công nhân nói riêng, an ninh trật tự, an ninh chính trị nói chung.
“Đây là một vấn đề lớn, có tính chất cấp bách, cần được các cơ quan có trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, xem xét; để có những giải pháp nhanh chóng, hợp lý tăng cường số lượng cán bộ công đoàn phù hợp với bối cảnh, tình hình mới, nhất là trước thách thức, cạnh tranh từ sự xuất hiện các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” - GS.TS Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh.
Đảm bảo điều kiện để tổ chức công đoàn thực hiện tốt nhất vai trò, chức năng
Bên cạnh sự thiếu hụt về cán bộ làm công tác công đoàn, mô hình tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam hiện nay còn một số bất cập, hạn chế như: Mô hình công đoàn ngành chưa thật sự mang tính ngành nghề; công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp có nhiều cấp trung gian, nhất là các doanh nghiệp có quy mô lao động lớn, có nhiều đơn vị thành viên, làm giảm đi mối quan hệ trực tiếp giữa Ban Chấp hành công đoàn cơ sở với đoàn viên, người lao động; nhiệm vụ mỗi cấp chưa được phân định rõ, còn chung chung, trùng lặp, làm cho việc kiểm điểm trách nhiệm của mỗi cấp công đoàn khó khăn, hiệu quả hoạt động chưa cao.
Ngoài ra, năng lực của một bộ phận cán bộ công đoàn còn nhiều hạn chế; tổ chức ban nghiệp vụ ở một số ngành, địa phương chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.
Tại Hội thảo, các ý kiến đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của tổ chức Công đoàn cũng như những thành tựu rất to lớn mà tổ chức Công đoàn đã đạt được. Các ý kiến cũng nhấn mạnh, bối cảnh mới hiện nay đang đặt ra cho giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam những thuận lợi cơ bản và cả những khó khăn, thách thức mới. Trong đó, yêu cầu cấp bách đặt ra là phải đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn, toàn diện về tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam.
Theo đó, tổ chức, bộ máy của từng cấp công đoàn cần đổi mới sắp xếp theo hướng tinh gọn, linh hoạt; phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, trách nhiệm mỗi cấp công đoàn và đảm bảo điều kiện để tổ chức công đoàn thực hiện tốt nhất vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình; hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động công đoàn ngành đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cần đổi mới chương trình, cập nhật nội dung, biên soạn mới tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng tổ chức; tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách các cấp, đặc biệt ở cấp trên trực tiếp cơ sở.
Đổi mới mạnh mẽ phương thức thu hút, tập hợp người, vận động đoàn viên, người lao động; tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; đổi mới công tác chỉ đạo, định hướng của công đoàn cấp trên đối với công đoàn cấp dưới trong hoạt động giám sát, trong đó đặc biệt là vai trò chỉ đạo, định hướng của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Ngoài ra cần hoàn thiện quy định về tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát của tổ chức công đoàn. Xây dựng mô hình phúc lợi công đoàn đáp ứng nhu cầu của đoàn viên, người lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn pháp luật và tham gia giải quyết tranh chấp lao động tập thể của các cấp công đoàn.
Công đoàn cần tổ chức đa dạng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện cụ thể của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, địa phương để lắng nghe được nhiều nhất tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của người lao động. Trên cơ sở đó khái quát thành những vấn đề cần thiết phải xây dựng chính sách, pháp luật để điều chỉnh đối với đa số người lao động; làm tốt nhiệm vụ đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh…
Cùng với đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành của người đứng đầu các cấp công đoàn đối với công tác tài chính, tài sản; đẩy mạnh công tác quản lý thu tài chính công đoàn; thực hiện phân bổ, giao dự toán chi tài chính công đoàn đúng quy định.
Theo Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, các ý kiến đóng góp từ Hội thảo sẽ góp phần hình thành những tư duy và định hướng chiến lược mới, nâng cao hiệu quả và vai trò của Công đoàn Việt Nam, đáp ứng kỳ vọng của giai cấp công nhân và người lao động./.