Luôn coi đánh giá kiểm toán là kênh thông tin quan trọng để hoàn thiện công tác quản lý

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:21, 20/11/2024

(BKTO) - Xác định kết luận, kiến nghị kiểm toán là kênh thông tin quan trọng giúp đơn vị có thêm nhìn nhận khách quan, từ đó có đánh giá đúng về công tác quản lý, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam Lê Văn Thanh cho biết đơn vị đã tiếp thu đầy đủ kiến nghị kiểm toán, đồng thời nỗ lực đổi mới để từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành Quỹ.
bqt_0961.jpg
Thông tin từ kiểm toán giúp đơn vị nhìn nhận toàn diện để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành Quỹ bảo vệ và phát triển rừng. Ảnh TL

Xin ông có thể cho biết hiện trạng rừng hiện nay và lợi ích kinh tế, giảm phát thải từ hoạt động trồng rừng mang lại, thưa ông?

Hiện nay trên toàn cầu có 4,1 tỷ ha rừng, chiếm 31% che phủ trái đất. Rừng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, cung cấp giá trị văn hóa, tinh thần và duy trì đa dạng sinh học. Tính đến năm 2023, Việt Nam có khoảng 14,86 triệu ha rừng với độ che phủ rừng đạt 42,02%. Trong đó, có 10,13 triệu ha rừng tự nhiên và 4,73 triệu ha rừng trồng.

Những năm gần đây, Việt Nam đang phát triển rừng trồng mạnh mẽ thông qua các chính sách hỗ trợ, khuyến khích trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ, và rừng phục hồi sinh thái. Rừng trồng không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn đóng góp lớn vào nền kinh tế quốc dân, tạo việc làm, bảo vệ đất đai và nguồn nước, cũng như cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, phục vụ xuất khẩu. 

_dsc5346.jpg
Trồng rừng mang lại lợi ích to lớn cả về kinh tế, lẫn môi trường sống. Ảnh: N.Lộc

Hoạt động trồng rừng mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển hướng phát triển bền vững và giảm phát thải. Trồng rừng hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn bằng cách giảm thiểu lãng phí tài nguyên, tăng cường tái chế và tái sử dụng nguyên liệu. Các sản phẩm từ rừng như gỗ, nhựa, tinh dầu và các sản phẩm phụ khác có thể được sử dụng trong nhiều chuỗi giá trị khác nhau, góp phần giảm thiểu sự lãng phí tài nguyên và thúc đẩy việc tái chế.

Việc trồng và thu hoạch cây rừng theo chu kỳ không chỉ cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ, giấy, và các sản phẩm công nghiệp mà còn đóng góp vào việc phát triển các ngành nghề phụ trợ như chế biến thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm từ các cây dược liệu.

Bên cạnh đó, rừng còn đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ và lưu trữ các-bon, giúp giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Đây cũng trở thành tiềm năng hình thành nên tín chỉ các-bon rừng, với những cơ hội trao đổi, chuyển nhượng trên thị trường quốc tế, hay thị trường nội địa trong tương lai sẽ giúp tạo ra nguồn tài chính bền vững cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân đang sống phụ thuộc vào rừng.

Vừa qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tại một số địa phương. Trên cơ sở kiến nghị kiểm toán, đến nay đơn vị đã tổ chức triển khai thực hiện ra sao, thưa ông? 

Các kết luận và kiến nghị của KTNN là rất cần thiết và hợp lý để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng trên cả nước gắn với thực thi tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Các kiến nghị này không chỉ giúp cải thiện công tác quản lý tài chính Quỹ mà còn giúp tăng cường tính bền vững và hiệu quả của chính sách, góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa nghề rừng của Đảng và Nhà nước.

Xác định thông tin kiểm toán đóng vai trò quan trọng, đơn vị đã tiếp thu đầy đủ kiến nghị kiểm toán, đồng thời từ các kiến nghị kiểm toán, đơn vị sẽ nghiên cứu để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành Quỹ. Đơn vị cũng mong muốn KTNN qua kiểm toán sẽ giúp  chỉ ra những mắc, bất cập và cũng kiến nghị các chính sách còn chưa phù hợp để các ngành chức năng phối hợp tháo gỡ.

Sau quá trình thực hiện kiểm toán Chuyên đề Việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2020-2022, KTNN đã có kiến nghị về nội dung liên quan đến chi trả dịch vụ môi trường rừng và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã giao Cục Lâm nghiệp, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam nghiêm túc triển khai, thực hiện những kiến nghị này. Ngày 22/12/2023, Bộ NNPTNT đã có văn bản gửi KTNN báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị.

go2.jpg
Hoạt động trồng rừng mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển hướng phát triển bền vững và giảm phát thải. Ảnh ST

Tính đến nay, các kiến nghị của KTNN đã cơ bản được đơn vị triển khai thực hiện, đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ, như đã ban hành Quyết định kiện toàn bộ máy tổ chức hoạt động Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam; ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc địa phương để rà soát tiền dịch vụ môi trường rừng tồn dư, tiền trồng rừng thay thế còn tồn đọng chưa có kế hoạch sử dụng và đề xuất giải pháp tháo gỡ. Đáng chú ý, Bộ NNPTNT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, qua đó đã giải quyết những bất cập trong quá trình thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và phù hợp với kiến nghị của KTNN…

Để hạn chế tình trạng giảm diện tích do đất rừng bị chuyển mục đích sử dụng, vấn đề trồng rừng thay thế cũng đã được KTNN lưu ý qua kiểm toán và dư luận rất quan tâm. Ông có thể cho biết thêm về vấn đề này, thưa ông?

Công tác trồng rừng thay thế luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ NNPTNT, các địa phương có rừng. Trên cơ sở kế hoạch được giao, các đơn vị chủ rừng đã chủ động tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Các cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng chú trọng vào việc nâng cao chất lượng, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất cây giống do đó chất lượng nguồn giống cơ bản được đảm bảo. Người dân tham gia trồng rừng thay thế bước đầu đã nhận thức được việc trồng rừng bằng các loài cây bản địa là nhằm góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

z5253889439651-48b7c83a201e940fd34ddfd145a2cda4-2264.jpg
Hoạt động trồng rừng thay thế giúp bù đắp diện tích do đất rừng giảm do bị chuyển mục đích sử dụng. Ảnh: P. Hiến

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc trồng rừng thay thế còn gặp một số khó khăn nhất định. Những khó khăn lớn nhất hiện nay là việc tìm kiếm và đảm bảo quỹ đất để trồng rừng thay thế do diện tích đất trống, đất đồi núi, đất hoang hóa có thể không đủ điều kiện hoặc không phù hợp để trồng rừng; có những diện tích đất đủ điều kiện trồng thì có địa hình hiểm trở, khó tiếp cận dẫn đến không đủ nguồn lực để triển khai thực hiện đáp ứng tiêu chuẩn. Việc giao đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chưa hoàn thành nên hiện nay vẫn còn nhiều diện tích đất trống quy hoạch lâm nghiệp chưa được quy chủ; diện tích chồng lấn, tranh chấp còn nhiều.

Trong năm 2023, Cục Lâm nghiệp đã tham mưu cho Bộ NNPTNT ban hành Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, có hướng dẫn trồng rừng thay thế thực hiện theo kiến nghị của KTNN. Đây là cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện trồng rừng thay thế, từ đó giúp đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ rừng và phát triển rừng bền vững. 

Trân trọng cảm ơn ông!

NHÓM PV