Top 3 ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất trong 12 tháng tới

Kinh tế - Ngày đăng : 09:32, 20/11/2024

(BKTO) - Từ góc nhìn các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500), Vietnam Report đã chỉ ra top 3 ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất trong 12 tháng tới là Công nghệ thông tin/Viễn thông; Vận tải/Logistics; Điện/Năng lượng.ki
3-nganh.jpg
Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp thực hiện bởi Vietnam Report, tháng 10/2024

Như vậy, ngành Công nghệ thông tin/Viễn thông đã lần thứ ba liên tiếp được bình chọn là ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất trong 12 tháng tới, với tỷ lệ 64,7% doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2024 bình chọn - ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Vietnam Report cho biết.

Công cuộc chuyển đổi số, kỷ nguyên AI khai sáng và Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt nền móng cho một giai đoạn phát triển mới, trong đó kinh tế số được định hướng là trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu từ ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đạt 118 tỷ USD, ghi nhận mức tăng 17,78% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lĩnh vực phần mềm và dịch vụ công nghệ số đóng góp đáng kể với doanh thu 6,64 tỷ USD, tăng 9,86%. Điều này phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng số vào mọi lĩnh vực, từ tài chính, bán lẻ đến giáo dục, y tế.

vn.jpg
Công nghệ thông tin/Viễn thông liên tiếp được bình chọn là ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất. Ảnh: ST

Theo các chuyên gia, xu hướng này không chỉ thu hút đầu tư trong nước mà còn tạo sức hút lớn đối với các tập đoàn công nghệ quốc tế, thúc đẩy Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, đặc biệt là các chính sách ưu đãi đầu tư và các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, đang tạo động lực lớn cho ngành này.

Với tầm nhìn xây dựng Việt Nam trở thành một trung tâm công nghệ của khu vực ASEAN, ngành Công nghệ thông tin/Viễn thông được kỳ vọng sẽ tiếp tục là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế quốc gia.

Đối với ngành Vận tải/Logistics - đây là mảnh ghép quan trọng của chuỗi cung ứng và gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh. Bối cảnh kinh tế phục hồi sẽ là điều kiện quan trọng để nhận định Vận tải/Logistics đứng thứ hai trong các ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất, với tỷ lệ 41,2% doanh nghiệp bình chọn - ông Vũ Đăng Vinh cho biết.

logi.jpg
Vận tải/Logistics lọt Top 2 ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn. Ảnh: ST

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 10 tháng năm 2024, vận tải hàng hóa ước đạt 2.176,2 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 443,3 tỷ tấn.km, tăng 11%. Khối lượng hàng hóa đi qua cảng 8 tháng 2024 đạt 570 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ.

Việc gia tăng lưu lượng vận tải kéo theo nhu cầu cải thiện hạ tầng logistics như cảng biển, kho bãi, dịch vụ vận chuyển đường bộ, đường thủy và hàng không. Đồng thời, các giải pháp số hóa trong quản lý chuỗi cung ứng, như ứng dụng công nghệ quản lý kho hàng tự động, tối ưu hóa lộ trình vận tải, cũng đang được áp dụng rộng rãi, góp phần tăng hiệu quả hoạt động và giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, xu hướng tăng cường liên kết thương mại quốc tế cũng tạo động lực lớn cho ngành này. Các hiệp định thương mại tự do giúp thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường ra nước ngoài, từ đó tăng cường nhu cầu về dịch vụ logistics.

Đặc biệt, việc đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng logistics hiện đại, cùng với sự hỗ trợ từ các chính sách khuyến khích của chính phủ, được kỳ vọng sẽ giúp ngành này duy trì đà tăng trưởng và là một trong những mảng quan trọng thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.

Còn ngành Điện/Năng lượng đóng vai trò thiết yếu, cung cấp nguồn lực vận hành cho nền kinh tế. Với nhu cầu năng lượng tăng nhanh, ngành này được xếp ở vị trí tiềm năng tăng trưởng thứ ba trong 12 tháng tới.

dien.jpg
Điện/Năng lượng lọt Top 3 ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn. Ảnh: EVN

Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, xu hướng phát triển bền vững và cam kết giảm phát thải của Việt Nam đã thúc đẩy sự chuyển đổi sang năng lượng xanh như điện mặt trời, điện gió và thủy điện. Năng lượng tái tạo không chỉ giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch mà còn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng cao khi các khu công nghiệp và đô thị mở rộng.

Hơn nữa, Chính phủ đã ban hành các chính sách ưu đãi cho điện tái tạo và thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng lưới điện, giúp thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc ứng dụng công nghệ vào quản lý hệ thống điện, như lưu trữ và quản lý tiêu thụ năng lượng, giúp tối ưu hóa hiệu quả và ổn định nguồn cung. Nhờ đó, ngành Điện/Năng lượng được kỳ vọng sẽ là một trong những trụ cột phát triển của Việt Nam, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và sự cạnh tranh quốc gia.

Năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng, là năm ghi dấu các doanh nghiệp trụ vững và thích nghi sau giai đoạn khó khăn, đạt được thành quả đáng khích lệ và góp phần thúc đẩy đà phục hồi kinh tế. Sự kiên trì và đổi mới trong hoạt động kinh doanh không chỉ giúp các doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch mà còn đóng góp thiết thực vào nỗ lực đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cả năm dự kiến đạt hoặc trên 7%.

Đây là nền tảng vững chắc, tạo tiền đề cho các bước phát triển vượt bậc trong năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Những nỗ lực của doanh nghiệp lớn xứng đáng được ghi nhận và vinh danh, nhằm lan tỏa động lực tích cực, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đóng góp cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia./.

QUỲNH ANH