Thái Bình: Đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển
Địa phương - Ngày đăng : 17:02, 20/11/2024
Đưa chuyển đổi số vào đời sống kinh tế - xã hội
Với mục tiêu ứng dụng chuyển đổi số phục vụ cuộc sống nhân dân, Thái Bình đã triển khai nhiều hoạt động để đưa công nghệ số vào đời sống xã hội.
Theo đó, Thái Bình đã đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến; các cơ quan, đơn vị và địa phương đã phổ biến, tuyên truyền cho người dân biết và cài đặt ứng dụng “Công dân số Thái Bình” để tương tác với chính quyền; các kênh zalo: “Chính quyền số Thái Bình” và “Công dân số Thái Bình” được triển khai với hàng trăm nghìn lượt người quan tâm. Đặc biệt, chuyển đổi số đã thay đổi toàn bộ công tác lãnh đạo, quản lý thông qua mạng văn phòng điện tử liên thông; các cơ quan, đơn vị sử dụng chữ ký số để giảm bớt các thủ tục hành chính.
Với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, chuyển đổi số đã tác động sâu rộng, giúp các doanh nghiệp đã nhận thức tốt về ứng dụng công nghệ số và quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ số phục vụ sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, toàn tỉnh hiện có 7.249 doanh nghiệp đã tiếp cận và sử dụng các nền tảng ứng dụng công nghệ số. Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nộp thuế điện tử là 7.097/7.249, đạt 97.90%; số lượng doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử 7.249/7.249, đạt 100%.
Trong một số lĩnh vực ưu tiên, tỉnh Thái Bình cũng chú trọng triển khai ứng dụng công nghệ số. Cụ thể, ngành Giáo dục và đào tạo đã hoàn thành việc xét tuyển đại học, cao đẳng bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Các cơ sở giáo dục đã triển khai thực hiện thu, chi học phí và thu khác không dùng tiền mặt. Ngành Y tế tiếp tục triển khai liên thông dữ liệu giấy chứng sinh, giấy chứng tử lên cổng giám định BHYT, một số cơ sở y tế thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Toàn tỉnh đã có 295 cơ sở triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp, đạt 100% tổng số cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn tỉnh.
Từ tháng 5/2024, tỉnh hoàn thành việc mở rộng triển khai mở rộng hệ thống camera giám sát giao thông trên tuyến quốc lộ 10 và quốc lộ 39. Trước đó, ngành Giao thông vận tải tỉnh tiến hành lắp đặt 128 camera giám sát giao thông, an ninh tại 5 cửa ngõ, 6 nút giao thông và 18 vị trí quan trọng và trọng yếu góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ của nhân dân.
Trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” đã bước đầu xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu đất đai của 8 huyện, thành phố; xây dựng dữ liệu không gian cho 1.965.869 thửa đất; sổ địa chính điện tử được lập cho 260 xã, phường, thị trấn với 472.690 thửa. Lập và duy trì kênh zalo “Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp” để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Ngành du lịch Thái Bình cũng đã triển khai Cổng Du lịch thông minh và ứng dụng Du lịch thông minh trên thiết bị di động để tiếp cận nhanh hơn tới du khách trong và ngoài nước. Một trong những bước đột phá của thành phố đó là gắn mã QR trên bảng tên các tuyến đường, tuyến phố tạo thuận lợi cho người dân trong việc tìm kiếm thông tin.
Thúc đẩy chuyển đổi số để phát triển
Mặc dù hoạt động chuyển đổi số của Thái Bình có sự bứt phá mạnh mẽ, song chuyển đổi số là một quá trình dài với nhiều thách thức. Do đó, UBND tỉnh đã tập trung nguồn lực để triển khai các chương trình, đề án, dự án quan trọng như: Dự án đầu tư xây dựng, hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử tỉnh Thái Bình; Đề án xây dựng Đô thị thông minh tỉnh Thái Bình giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thái Bình do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, phát triển hướng tới chính quyền số trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Nhiều văn bản chỉ đạo điều hành đã được ban hành để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Các Sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai hoàn thành các mục tiêu theo chỉ đạo của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số như: Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số hoạt động tại địa phương; Triển khai ứng dụng các nền tảng số trong quản trị, sản xuất; Hoàn thành kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ (Hệ thống EMC); Hoàn thành kết nối hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…
Để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, các cấp, các ngành, từng thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các tiêu chí, nhiệm vụ của năm 2024; chủ động xây dựng, cập nhật, liên thông, kết nối, chia sẻ các nền tảng số, cơ sở dữ liệu một cách đồng bộ; hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết nối các dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia, góp phần giảm thiểu thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế tham nhũng, tiêu cực./.
Thái Bình muốn phát triển vươn lên mạnh mẽ thì phải đặc biệt quan tâm đến việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu công nghệ mới vào tất cả các lĩnh vực theo yêu cầu nhiệm vụ và năng lực. Trong đó, tập trung vào 3 mục tiêu: nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cấp, các ngành; chuyển đổi phương thức, cách thức làm việc, trách nhiệm làm việc trên môi trường số, trong đó bao gồm chuẩn hóa các quy trình và phương pháp làm việc; ứng dụng tối đa công nghệ mới để phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Ông Ngô Đông Hải - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình