Chia sẻ khó khăn, hỗ trợ công nhân thoát bẫy tín dụng đen

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 09:20, 07/01/2019

(BKTO) - Trước vấn nạn tín dụng đen bùng phát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người lao động, đặc biệt là đối với các công nhân, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã kêu gọi các cấp công đoàn nắm bắt tình hình, kịp thời có giải pháp giúp đỡ người lao động đang gặp khó khăn; đồng thời đề nghị DN, các ngành chức năng quan tâm chăm lo cho đối tượng lao động này.



Tổng LĐLĐ Việt Nam kêu gọi các DN, ngành chức năng có hỗ trợ thiết thực, giúp công nhân tránh bẫy tín dụng đen - Ảnh: Mỹ Hạnh
Gia đình ly tán, xã hội bất ổnvì tín dụng đen

Thời gian qua, các vụ việc liên quan đến nạn tín dụng đen liên tiếp xảy ra trên cả nước đã khiến hàng trăm gia đình rơi vào cảnh khốn cùng, xã hội bất ổn. Đáng chú ý, nhiều nạn nhân của tín dụng đen là công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Từng là nạn nhân của tín dụng đen, anh Nguyễn Văn Lâm, công nhân may tại Khu công nghiệp Phố Nối (huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) nghẹn ngào khi kể về những ngày sống chui lủi, trốn tránh chủ nợ. Theo anh Lâm, cũng vào thời điểm cận Tết cách đây 2 năm, do cần tiền gấp nên anh có vay mượn của một nhóm người chuyên cho vay nặng lãi. Trong giấy vay chỉ ghi số tiền vay và mức lãi suất vay trong tháng đầu tiên là 10%. Tuy nhiên, vài tháng sau, mức lãi suất được điều chỉnh lên 20%, rồi 50%/tháng. Lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền vay vài chục triệu đồng mau chóng biến thành khoản nợ trăm triệu đồng; bản thân anh Lâm thường xuyên bị các đối tượng cho vay tiền khủng bố, thậm chí đe dọa tính mạng. Không chịu nổi áp lực, anh buộc phải đưa vợ con đi lẩn trốn nhiều nơi. Mới đây, nhờ sự giúp đỡ của người thân, cộng với số tiền gom góp được, anh đã trả được món nợ khổng lồ và thoát khỏi sự đeo bám của các đối tượng cho vay nặng lãi.

Từ bài học của bản thân, anh Lâm đã khuyên nhiều đồng nghiệp tránh xa tín dụng đen, tuy nhiên, anh cho biết vẫn thường xuyên nghe, hoặc chứng kiến cảnh đồng nghiệp bị đánh bầm dập, phải bỏ nhà đi vì mắc nợ tín dụng đen. “Khắp khu công nghiệp với hàng trăm nhà máy, xí nghiệp, đâu cũng có người mời chào vay tín dụng, ít thủ tục, nhiều ưu đãi nhưng đều là vay nặng lãi” - anh Lâm nói.

Theo thông tin từ Tổng LĐLĐ Việt Nam, kết quả khảo sát cho thấy nạn tín dụng đen hoành hành tại các khu công nghiệp trên khắp cả nước, phổ biến ở các tỉnh: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Dương. Nhiều công nhân là nạn nhân của tín dụng đen, phải vay với lãi suất cao. Lãi mẹ đẻ lãi con, công nhân thành con nợ không có khả năng thanh toán và phải bỏ việc do bị đòi nợ, khủng bố.

Giúp công nhân thoát bẫytín dụng đen

Lý giải việc công nhân vay nợ tín dụng đen, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, nhiều công nhân gặp khó khăn đột xuất nên họ buộc phải vay, dù biết lãi suất rất cao. Cũng có trường hợp công nhân sa đà, chi tiêu hoang phí dẫn đến cảnh vay nợ.

Trước tình trạng các tổ chức tín dụng đen lợi dụng khó khăn về tài chính của công nhân lao động tại khu công nghiệp dịp cuối năm để cho vay nặng lãi, mới đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phát đi cảnh báo tới hệ thống công đoàn trên cả nước để bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, công nhân lao động. Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các cấp công đoàn chủ động nắm tình hình, kịp thời thông tin tuyên truyền giúp công nhân lao động hiểu rõ và tránh xa tín dụng đen.

Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam lưu ý các cấp công đoàn cần tập trung vào việc thực hiện hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên, trong đó cần chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động như: tiền lương, tiền thưởng, nhà ở; có chính sách hỗ trợ đoàn viên, công nhân lao động nghèo gặp hoàn cảnh khó khăn; hướng dẫn công nhân lao động sử dụng tài chính của bản thân có hiệu quả nhất...
Trao đổi với Báo Kiểm toán về giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn tài chính cho công nhân, ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó Ban Tuyên giáo, Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang lập quỹ hỗ trợ vốn vay cho công nhân; công đoàn sẽ tiếp tục đứng ra bảo lãnh cho công nhân mua hàng trả góp, lãi suất 0%.

Ông Tiêm cũng cho rằng, việc phối hợp giữa tổ chức Công đoàn và ngân hàng tạo điều kiện hỗ trợ cho công nhân lao động vay vốn, đồng thời mang lại lợi ích cho chính ngân hàng. Theo ông Tiêm, nhu cầu tín dụng của công nhân rất lớn, bởi đây là nhóm khách hàng có độ tuổi trẻ, xa nhà, thu nhập thấp. Do đó, các tổ chức tín dụng nên nghiên cứu để có những sản phẩm tài chính chuyên biệt dành riêng cho những nhóm khách hàng này, đặc biệt là các sản phẩm tín chấp. “Trên thực tế, ở địa bàn TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, nhiều tổ chức công đoàn cơ sở thuộc các DN có vốn đầu tư nước ngoài đã thực hiện bảo lãnh cho công nhân vay vốn ngân hàng với các ràng buộc về hợp đồng lao động” - ông Tiêm cho biết.
         
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp cho vay nặng lãi. Điển hình là cuối tháng 11/2018, Công an tỉnh Thanh Hoá phối hợp với lực lượng của Bộ Công an triệt phá tổ chức tín dụng đen được cho là lớn nhất từ trước tới nay. Đó là Công ty Tài chính Nam Long chuyên thực hiện giao dịch cho vay với mức lãi suất “cắt cổ” lên tới hơn 1.043%/năm, tương đương 28.571 đồng/1 triệu đồng/ngày. Tính đến thời điểm bị phát hiện, đã có hơn 200 khách hàng “dính bẫy” tín dụng đen của Công ty này với tổng số tiền giao dịch là hơn 510 tỷ đồng. Trước vấn nạn tín dụng đen gây bức xúc với người dân, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an phát động đợt cao điểm xử lý vấn đề này, bắt đầu từ ngày 06/12/2018.
NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 01 ra ngày 03-01-2019