Tài chính khí hậu: Trả phí hay trả giá?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:21, 21/11/2024
Tài chính khí hậu là vấn đề an ninh toàn cầu chứ không phải hoạt động từ thiện
Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP29) đã khai mạc tại thủ đô Baku, Azerbaijan ngày 11/11 và sẽ diễn ra đến ngày 22/11 với sự tham gia của gần 200 quốc gia. Hội nghị lần này được mệnh danh là “COP tài chính”. Trọng tâm chính của Hội nghị là thiết lập một mục tiêu chung mới cho tài chính khí hậu để giúp các nước đang phát triển giảm phát thải và thích ứng với tác động của khí hậu. Mức cam kết ban đầu là 100 tỷ USD mỗi năm, nhưng nay con số này không đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế. Các quốc gia đang phát triển kêu gọi nâng mức cam kết tài trợ hằng năm lên 1.300 tỷ USD phần lớn dưới dạng viện trợ không hoàn lại thay vì cho vay, nhằm giúp các nước này thích ứng với tác động của khí hậu và chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Việt Nam nằm trong số đông các quốc gia đề xuất mức ít nhất là 1,3 nghìn tỷ USD mỗi năm cho tới năm 2035 nhằm mục tiêu kế hoạch thích ứng quốc gia và hợp phần thích ứng BĐKH. Các khoản vốn này sẽ không bao gồm các khoản vay không ưu đãi, các khoản vay theo lãi suất thị trường với các điều khoản ưu đãi khác như thời gian hoàn vốn và ân hạn, tín dụng xuất khẩu và đầu tư.
Trong bài phát biểu khai mạc COP29, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhấn mạnh vai trò quan trọng của tài chính khí hậu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu: “Thế giới phải trả tiền, nếu không nhân loại sẽ phải trả giá… Tài chính khí hậu không phải là từ thiện, mà là một khoản đầu tư. Hành động vì khí hậu không phải là tùy chọn, mà là bắt buộc”.
Tổng thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH - ông Simon Stiell- khẳng định, tài chính khí hậu là vấn đề an ninh toàn cầu chứ không phải là hoạt động từ thiện. Một thỏa thuận tài chính khí hậu đầy tham vọng là lợi ích chung của tất cả các quốc gia, vì chỉ một quốc gia - một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng, có thể làm tê liệt cả hệ thống.
Trưởng nhóm Công bằng Khí hậu của Tổ chức ActionAid - bà Teresa Anderson- thẳng thắn: Hiện có sự bất công rõ rệt giữa các quốc gia trong hành động khí hậu, khi các nước giàu đã gây ô nhiễm trong suốt hơn một thế kỷ qua nhưng lại trốn tránh trách nhiệm. Năm 2022, những quốc gia này chỉ cung cấp khoảng 28-35 tỷ USD dưới dạng tài trợ cho ứng phó với khí hậu toàn cầu, trong khi thế giới cần chi gấp nhiều lần số tiền đó để giải quyết hậu quả của BĐKH. Thực tế, tài chính khí hậu khiến các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH rơi vào tình trạng nợ nghiêm trọng với những khoản chi khổng lồ cho phục hồi kinh tế.
“COP29 chính là dịp để kiểm tra mức độ cam kết của các nước giàu trong việc bảo đảm một hành tinh đáng sống. Dù phải trả giá thế nào, việc chi trả cho hành động khí hậu ngay bây giờ sẽ rẻ hơn nhiều so với hậu quả thảm khốc mà BĐKH có thể gây ra sau này” - bà Anderson khẳng định.
Đồng quan điểm, Giám đốc Điều hành Mạng lưới Hành động Khí hậu - bà Tasneen Essop - cho rằng, minh bạch tài chính sẽ tạo cơ hội cho các quốc gia nghèo nâng cao an sinh xã hội, thay vì phải chi quá nhiều vào việc giải quyết hậu quả do thiên tai gây ra. Trong khi đó, đại diện Tổ chức Somaliland - bà Mohamed - đánh giá, BĐKH không chỉ là cuộc khủng hoảng môi trường mà đã trở thành một thảm họa nhân đạo ở Nam Bán cầu. Các quốc gia phát thải cao như Anh, Mỹ và EU cần phải hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo để bù đắp những tổn thất do BĐKH. Điều này là cần thiết để đảm bảo công lý, trách nhiệm và công bằng, đồng thời COP29 là cơ hội để những tiếng nói yếu thế được lắng nghe và lan tỏa.
Chủ tịch COP29 - ông Mukhtar Babayev - nhấn mạnh, một cơ chế mới sẽ được thiết lập để tạo cầu nối giữa COP28, COP29 và COP30. Cơ chế này nhằm huy động mọi nền tảng đa phương, từ Liên hợp quốc đến G20 để củng cố di sản của sự đồng thuận đạt được tại COP28. “Đây là tấm vé bảo đảm giữ nhiệt độ toàn cầu 1,50C trong tầm tay. Tuy nhiên, thực hiện được hay không lại phụ thuộc vào quyết tâm hành động của chúng ta” - ông này nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, các cuộc thảo luận đang diễn ra tại COP29 đang vấp phải nhiều quan điểm khác biệt, đặc biệt là con số cam kết tài chính hằng năm, loại hình tài trợ và bên chi trả. Ngoài ra, các nước phát triển muốn Trung Quốc và các quốc gia vùng Vịnh tham gia danh sách các nhà tài trợ. Những bất đồng này khiến mục tiêu đạt được thỏa thuận vẫn còn là một bài toán khó.
Việt Nam ủng hộ quan điểm cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu
Phó Cục trưởng Cục BĐKH (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Phó Trưởng ban công tác đàm phán của Việt Nam tham dự COP29 - ông Phạm Văn Tấn - cho biết, khẩu hiệu chính của COP29 là: “Đoàn kết vì một thế giới xanh” và “Nâng cao tham vọng, kích hoạt hành động”. Khẩu hiệu đầu tiên ngoài lý do chiến tranh, vấn đề chính đặt ra là các nước cần thực hiện đúng cam kết, cả về giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp tài chính. Đoàn kết để cùng thấu hiểu, cùng thực hiện vì một mục tiêu chung. Khẩu hiệu thứ hai bắt nguồn từ kết quả đánh giá nỗ lực toàn cầu lần thứ nhất cho thấy, dù đạt được tất cả cam kết giảm phát thải thì nhiệt độ toàn cầu vẫn tăng từ 2,4-2,70C, vượt quá xa giới hạn nhiệt độ theo mục tiêu của Thỏa thuận Pari (giữ mức tăng ở 20C và cố gắng chỉ ở 1,50C). Vì vậy, các nước phải “nâng cao tham vọng” của mình để tương thích với mục tiêu trong thỏa thuận Paris và “kích hoạt hành động” để biến cam kết thành hiện thực.
Về phía Việt Nam, ông Tấn cho hay, ngay từ đầu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện” và kêu gọi các quốc gia cùng hành động, đạt được mục tiêu theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cũng như nâng cao mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo. Việt Nam mong muốn thế giới có thể đoàn kết thông qua vai trò điều phối chung của Liên hợp quốc trong vấn đề BĐKH. “Đến với Hội nghị COP29, Việt Nam ủng hộ quan điểm các nước phát triển cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu và công khai, minh bạch nguồn thu, cũng như các khoản chi tiêu qua các báo cáo hằng năm” - ông Tấn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Việt Nam đề nghị chi tiêu cho thích ứng và giảm nhẹ cần có sự tương đồng bởi hiện nay chênh lệnh đang quá lớn. Theo báo cáo mới nhất, nguồn lực toàn cầu dành cho thích ứng BĐKH nhiều năm qua chỉ chiếm khoảng 5% tổng chi tiêu cho công tác ứng phó BĐKH, đồng nghĩa với trên 90% nguồn lực đang dành cho giảm nhẹ phát thải, khoảng 2-3% còn lại dành cho các hoạt động vừa thích ứng, vừa giảm nhẹ./.