Bài 4: Cần thể chế hóa những chủ trương lớn vào trong Luật

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 06:25, 21/11/2024

(BKTO) - Qua nghiên cứu Dự thảo Luật Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN), Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã phân tích và chỉ ra một số điểm còn bất hợp lý và đề xuất cơ quan soạn thảo xem xét, điều chỉnh để đảm bảo sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật, nhất là thể chế hóa được những chủ trương lớn vào trong Luật.
4-dnnn(1).jpg
KTNN đề xuất cơ quan soạn thảo xem xét, điều chỉnh để đảm bảo sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật. Ảnh: ST

Đảm bảo sự phù hợp với Luật Kiểm toán nhà nước

Tham gia ý kiến đối với Dự thảo Luật, KTNN đề xuất cơ quan soạn thảo xem xét, sửa đổi mục 2 Điều 10 thành “KTNN thực hiện kiểm toán theo quy định của pháp luật KTNN đối với các DN có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp và DN có vốn nhà nước đầu tư khác có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của DN có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ. Đối với DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, khi cần thiết, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định lựa chọn mục tiêu, tiêu chí, nội dung và phương pháp kiểm toán phù hợp” cho phù hợp với đơn vị được kiểm toán theo quy định tại khoản 10 Điều 55 Luật KTNN (DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Đối với DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, khi cần thiết, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định lựa chọn mục tiêu, tiêu chí, nội dung và phương pháp kiểm toán phù hợp).

Liên quan đến chuyển nhượng vốn nhà nước tại DN có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ, công ty TNHH hai thành viên trở lên, mục 3 Điều 43 Dự thảo Luật quy định trường hợp phần vốn nhà nước đầu tư tại DN được xác định trên vốn điều lệ tại thời điểm quyết định kế hoạch, lộ trình thực hiện chuyển nhượng vốn có giá trị từ 1.000 tỷ đồng trở lên, KTNN thực hiện kiểm toán việc xác định giá trị DN làm cơ sở xác định giá khởi điểm trước khi cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quyết định công bố giá trị DN và giá khởi điểm”.

Với nội dung này, KTNN đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét để đảm bảo thống nhất với Điều 26 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về đối tượng, phạm vi thực hiện kiểm toán. Cụ thể, trên cơ sở kết quả xác định giá trị DN để cổ phần hóa đã được cơ quan tư vấn xác định và ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu, KTNN thực hiện kiểm toán kết quả định giá DN và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi định giá đối với các DN sau: Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước; các DN nhà nước (bao gồm công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con và các công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) có vốn nhà nước theo sổ sách kế toán tại thời điểm xác định giá trị DN từ 1.800 tỷ đồng trở lên; các công ty TNHH MTV (DN cấp II) có vốn chủ sở hữu theo sổ sách kế toán tại thời điểm xác định giá trị DN từ 1.800 tỷ đồng trở lên; các công ty TNHH MTV khác khi có yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ hoặc đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu”.

KTNN chuyên ngành VI đã nghiên cứu kỹ lưỡng Dự thảo Luật để xem xét các quy định đã được thiết kế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của KTNN theo Luật KTNN hay chưa; đồng thời có những ý kiến đóng góp điều chỉnh, sửa đổi một số quy định cho phù hợp, tương thích với các Luật hiện hành nhằm phát huy vai trò của KTNN trong công tác phòng, chống lãng phí, tiêu cực trong hoạt động xây dựng văn bản pháp luật.

Ông Nguyễn Đình Sơn - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI

Dự thảo Luật cũng quy định chi tiết về đánh giá, xếp loại DN tại khoản 1 Điều 84 với nội dung đánh giá bao gồm: Việc thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh được giao; kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; tình hình tài chính, đầu tư của DN; việc chấp hành chính sách, pháp luật về thuế, về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Sơn - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI, trong trường hợp DN phải thực hiện một số nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao, không vì mục tiêu lợi nhuận mà chủ yếu mang lại hiệu quả về mặt xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng như ổn định giá điện, bình ổn giá xăng dầu và an ninh năng lượng... làm ảnh hưởng tới hiệu quả kinh tế chung của DN thì cần được quy định bằng hành lang pháp lý rõ ràng và hạn chế bất cập trong thực tiễn khi đánh giá, xếp loại DN.

Luật hóa việc giải thể công ty nông, lâm nghiệp mất khả năng thanh toán

Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN nêu rõ: “Đối với các DN nhà nước đang được giao quản lý, khai thác các công trình, dự án kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, khi cổ phần hóa, Nhà nước tiến hành kiểm soát theo nguyên tắc: Nhà nước thống nhất sở hữu các công trình hạ tầng quan trọng; DN cổ phần hóa, nhà đầu tư nhận quyền khai thác chỉ được quyền quản lý, vận hành, khai thác các công trình, dự án kết cấu hạ tầng; việc lựa chọn nhà đầu tư, DN phải thực hiện theo Luật Đấu thầu, công khai, minh bạch; bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ”. Do đó, KTNN cho rằng, Dự thảo Luật nên quy định chi tiết về nguyên tắc trên khi thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại DN để đảm bảo đúng chủ trương của Đảng. Bởi, hiện nay, tại khoản 4 Điều 41 Dự thảo Luật chỉ quy định “Không thực hiện xác định trong giá trị DN khi chuyển nhượng phần vốn nhà nước tại DN đối với giá trị quyền sử dụng đất, tiền thuê đất của DN; tài sản là các công trình, dự án kết cấu hạ tầng đang được giao DN quản lý, khai thác do Nhà nước đầu tư có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Việc quản lý, sử dụng đất của DN thực hiện theo quy định pháp luật về đất đai”.

Một điểm bất hợp lý nữa được KTNN chỉ ra, tại điểm b khoản 2 Điều 46 Dự thảo Luật quy định: DN có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ là công ty nông, lâm nghiệp khi thực hiện giải thể được Nhà nước hỗ trợ đảm bảo kinh phí giải quyết các tồn tại tài chính khi mất khả năng thanh toán và chi phí giải thể khi tiền thu bán tài sản không đảm bảo thanh toán từ dự toán chi ngân sách nhà nước của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn.

Nhưng theo Luật DN: “DN chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài”. Bên cạnh đó, theo Luật Phá sản: “Phá sản là tình trạng của DN, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.”. Như vậy, DN mất khả năng thanh toán thì không thực hiện được việc giải thể mà phải thực hiện phá sản theo quy định của Luật DN và Luật Phá sản.

Hơn nữa, Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp chỉ quy định về việc giải thể mà không quy định về việc phá sản đối với các công ty này. Nghị định số 23/2022/NĐ-CP của Chính phủ về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ cũng chưa thể chế hóa được chủ trương tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XI về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp: Cần hoàn thiện quy định chi tiết về kinh phí hỗ trợ giải quyết các tồn tại về tài chính đối với các công ty nông, lâm nghiệp thực hiện giải thể nhưng mất khả năng thanh toán.

Do vậy, để đảm bảo thể chế hóa chủ trương này, cũng như không trái với các Luật DN, Luật Phá sản, cần luật hóa việc giải thể các công ty nông, lâm nghiệp mất khả năng thanh toán./.

VIẾT CHUNG