Bài 5: Lãng phí đầu tư công - Câu chuyện chưa có hồi kết

Chính trị - Ngày đăng : 06:27, 21/11/2024

(BKTO) - Được xác định là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đầu tư công luôn được Chính phủ đặc biệt chú trọng và dành nguồn vốn ngân sách khổng lồ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, do sự buông lỏng, yếu kém của một số cơ quan được giao quản lý dẫn đến lĩnh vực này còn thất thoát, lãng phí rất lớn…
11.jpg
Một dự án nhà tái định cư do ngân sách đầu tư bị bỏ hoang tại TP. Hà Nội, trong khi người dân thiếu nhà ở. Ảnh: N.Lộc

Đội vốn, chậm tiến độ làm thất thoát nguồn lực đầu tư

Được kỳ vọng tháo gỡ nút thắt cho giao thông đô thị, Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội có chiều dài 12,5km với tổng mức đầu tư 34.826,05 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA, đến nay đã trở thành tâm điểm xấu, khi liên tục trễ hẹn và đội vốn. Dự án được khởi công từ tháng 9/2010 và dự kiến hoàn thành vào năm 2016.

Trước tình trạng lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển, Tổng Bí thư yêu cầu dứt khoát phải có địa chỉ chịu trách nhiệm. Trước mắt cần rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại kéo dài đối với những dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận

Tuy nhiên, đến tận tháng 8/2024, tuyến đường sắt đô thị Metro Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao dài 8,5 km mới được chính thức đưa vào vận hành thương mại. Tổng mức đầu tư Dự án tăng từ 18.000 tỷ đồng lên gần 35.000 tỷ đồng. Đây là 1 trong 5 dự án của TP. Hà Nội sử dụng vốn đầu tư công (ĐTC) hoặc vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí đã được chỉ ra trong Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội khóa XV về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Kéo dài thời gian thực hiện, đội vốn cũng là tình trạng xảy ra tại nhiều dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn công thời gian qua đã được các cơ quan chức năng, đặc biệt là Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ rõ. Điển hình như thông qua kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Hợp phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư xây dựng kênh chính bắc từ K10+760, hệ thống kênh cấp 1 trở xuống hồ Krông Pách Thượng, tỉnh Đắk Lắk, Đoàn kiểm toán đã chỉ ra tổng mức đầu tư điều chỉnh, còn xác định thừa chi phí quản lý dự án công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; điều chỉnh tăng 0,5% chi phí phục vụ công tác bồi thường không đúng quy định với số tiền 16.690,8 triệu đồng.

Việc các dự án “trùm mền”, công trình “đắp chiếu” dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì Nhà nước cũng cần phải tập trung tháo gỡ vì đây là của cải, là nguồn lực của xã hội, của đất nước. Song việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống đó là đồng hành, kiến tạo cho sự phát triển của đất nước, không có nghĩa là hợp thức hóa các sai phạm.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận

Với những phát hiện được chỉ ra, KTNN đã yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với nhiều nội dung, trong đó có trách nhiệm của chủ đầu tư và các cơ quan có liên quan.

Quán triệt Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội và tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc phòng, chống lãng phí gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chính thức khởi tố vụ án để điều tra làm rõ sai phạm trong quá trình đầu tư, thực hiện Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An (do Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 4 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư). Cụ thể, Dự án bị chậm tiến độ, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước (NSNN). Việc khởi tố vụ án gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với hàng loạt dự án khác đang để xảy ra lãng phí, thất thoát nguồn lực nhà nước. Đây cũng chính là một trong những dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xảy ra lãng phí, kém hiệu quả được nêu trong Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội.

Theo TS. Đinh Văn Minh - nguyên Vụ trưởng, Thanh tra Chính phủ, tư tưởng của Bác Hồ và quan điểm của Đảng ta đều xác định: Lãng phí nhiều khi còn nguy hại hơn cả tham nhũng, lớn hơn cả tham nhũng vì không đong đếm được, diễn ra phổ biến, âm ỉ và gây xói mòn lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, sự vào cuộc quyết liệt “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực” cho thấy không có vùng cấm trong xử lý lãng phí, đặc biệt là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều tiêu cực như ĐTC.

Chậm triển khai, đưa vào sử dụng cũng là… lãng phí

Nằm sát cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội), dự án khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp được khởi công từ năm 2009, xây dựng trên diện tích 40.000m2. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn NSNN với tổng chi phí đầu tư 1.900 tỷ đồng, quy mô 6 hạng mục tòa nhà cao tầng, hỗ trợ chỗ ở cho khoảng 22.000 sinh viên học tập, nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên đến nay, dự án chậm đưa vào sử dụng, chưa được khai thác hết hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực đất đai của Nhà nước.

Cùng với việc đội vốn, đầu tư kém hiệu quả, việc chậm trễ trong triển khai, đưa dự án vào hoạt động cũng được xác định một dạng thức của lãng phí trong ĐTC. Qua kiểm toán, KTNN chỉ rõ, tình trạng chậm tiến độ diễn ra phổ biến tại nhiều dự án ĐTC, cá biệt, có trường hợp chậm trên 10 năm. Bên cạnh đó, KTNN cũng phát hiện, công tác nghiệm thu, giải ngân, thanh toán, quyết toán tại các dự án còn nhiều thiếu sót như: nghiệm thu thanh toán các thiết bị khi chưa lắp đặt, chưa đảm bảo điều kiện, chưa đúng theo hợp đồng; thanh toán khối lượng phát sinh chưa phù hợp... Đơn cử, tại Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết), khối lượng phát sinh lớn hơn 20% khối lượng hợp đồng, công việc mới chưa có trong hợp đồng; việc tính trượt giá chưa phù hợp với quy định của hợp đồng làm tăng chi phí 4,05 tỷ đồng… Tại Bộ Công Thương, quá trình triển khai phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư công và giải ngân ĐTC năm 2022 không hoàn thành kế hoạch vốn đã giao và là một trong những Bộ, ngành bị Thủ tướng Chính phủ phê bình. Riêng 3 dự án lập quy hoạch (quy hoạch điện; năng lượng và thăm dò, khai thác khoáng sản) đạt 0% kế hoạch ĐTC năm 2022 điều chỉnh.

Kết quả kiểm toán dự án thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty cũng cho thấy, một số dự án không phát sinh giải ngân hoặc chậm giải ngân theo kế hoạch. Trong đó, một số dự án chậm tiến độ, dừng, tạm dừng thi công còn tồn đọng chi phí dở dang lớn, chưa được xử lý dứt điểm, như: Dự án Công trình Luông Prabang (Lào) tồn đọng 131,56 tỷ đồng; Dự án tiểu khu 2 tại Nhơn Trạch của PVPower tồn đọng 25,7 tỷ đồng...

Trao đổi với báo chí, PGS,TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, hệ quả của việc giải ngân chậm sẽ khiến lãng phí tăng lên. Một là, lãng phí từ việc công trình chậm đưa vào sử dụng. Hai là, tiền để đấy, Nhà nước phải trả lãi. Ba là, nhà thầu phải đi vay ngân hàng. Vốn đầu tư công là vốn đi vay, phải trả lãi, nên cần phải quản lý thật chặt.

Báo cáo tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội ngày 12/11, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc giải ngân vốn ĐTC còn chậm; 10 tháng giải ngân đạt 52,29%, giải ngân vốn ODA chỉ đạt 27,88%; có 29 Bộ, ngành và 21 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới trung bình cả nước, trong đó 9 Bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%... Nhận diện rõ vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực, nhất là về đầu tư công và xử lý nghiêm vi phạm./.

NHÓM PV