Doanh nghiệp tăng tốc “về đích” kế hoạch sản xuất, kinh doanh
Kinh tế - Ngày đăng : 06:28, 21/11/2024
Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh “tươi sáng”
Trải qua hơn 10 tháng năm 2024, bức tranh hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trong nhiều ngành hàng có nhiều điểm “tươi sáng”. Thể hiện, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 335,59 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động xuất khẩu tăng trưởng mạnh, đồng đều ở các nhóm hàng và kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn đều đạt mức tăng trưởng cao… Đến thời điểm hiện tại, còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2024, nhiều ngành hàng lạc quan sẽ “về đích” kế hoạch sản xuất, kinh doanh của năm.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về đơn hàng xuất khẩu, xu hướng quý IV/2024 so với quý III/2024, có 83,6% DN dự kiến có đơn hàng tăng và giữ nguyên; 16,4% DN dự kiến có đơn hàng giảm.
Từ ngành hàng dệt may, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong 10 tháng ước đạt 36,11 tỷ USD, tăng 9,86% so với cùng kỳ năm 2023. Từ giữa năm, hầu hết các DN dệt may đã kín đơn hàng xuất khẩu đến hết năm. Các DN trong ngành đã và đang rất tích cực đàm phán đơn hàng xuất khẩu cho năm 2025, nhiều DN đã có đơn hàng đến hết quý I/2025. Dự báo trị giá xuất khẩu dệt may cả năm nay chắc chắn sẽ đạt mục tiêu đề ra là 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023.
Tương tự, đối với ngành hàng da giầy, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam - cho biết, trong 10 tháng, xuất khẩu giày dép đạt gần 19 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều khả năng ngành da giày sẽ về đích với 26 - 27 tỷ USD trong năm nay, bởi càng về cuối năm đơn hàng của các DN ngày một tốt hơn do bước vào mùa cao điểm mua sắm dịp lễ hội cuối năm. Hiện, các DN trong ngành đang đẩy mạnh tuyển dụng lao động để đảm bảo thời hạn giao hàng.
Với trị giá xuất khẩu đạt gần 52 tỷ USD sau 10 tháng, ngành nông, lâm, thủy sản cũng sắp cán đích, hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 54 - 55 tỷ USD dù chưa hết năm. Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 54 - 55 tỷ USD ngay khi kết thúc tháng 11. Trong điều kiện thuận lợi, xuất khẩu ngành này năm 2024 sẽ lập mốc 60 tỷ USD và đánh dấu là năm có xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cao nhất từ trước đến nay…
Những kết quả tích cực trên có được, theo các chuyên gia, một phần là do bối cảnh thị trường ngoài nước có những tín hiệu khả quan, theo đó, nhiều thị trường trên thế giới, nhất là những thị trường lớn như Mỹ, khu vực Liên minh châu Âu có sự phục hồi, vượt qua giai đoạn suy thoái, từ đó tăng nhu cầu tiêu dùng trong nước kéo theo tăng nhập khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, các giải pháp đồng bộ của Chính phủ trong việc hỗ trợ DN phục hồi, khơi thông hoạt động sản xuất, kinh doanh đã mang lại nhiều tác động tích cực, giúp cho các DN mở rộng sản xuất tốt hơn... Quan trọng hơn cả, đó là kết quả của sự nỗ lực từ các DN trong việc tìm kiếm mở rộng đơn hàng ở cả thị trường truyền thống và thị trường mới, thông qua việc tận dụng cơ hội của các hiệp định thương mại tự do, tăng cường xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm ra thị trường quốc tế…
Doanh nghiệp vẫn cần thận trọng, theo dõi sát diễn biến thị trường
Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu ở mức 6% so với năm 2023, tương ứng kim ngạch xuất khẩu đạt 377 tỷ USD, theo các chuyên gia, với những kết quả tích cực đạt được sau 10 tháng, nhiều khả năng xuất khẩu sẽ đạt và vượt mục tiêu đã đề ra. Dù vậy, các DN, ngành hàng vẫn cần tiếp tục nỗ lực cố gắng để “chạm đích” thành công. Bởi lẽ, bên cạnh những thuận lợi cơ bản đang tiếp tục được duy trì, vẫn còn một số thách thức tiềm ẩn. Chẳng hạn như, diễn biến địa chính trị trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, ẩn chứa nhiều khó khăn và yếu tố rủi ro, nhất là căng thẳng địa chính trị và xung đột vũ trang ở châu Âu và Trung Đông. Trong trường hợp xung đột lan rộng, sẽ tạo ra khủng hoảng nghiêm trọng đối với hoạt động vận tải, điều này không những làm tăng thêm chi phí logistics mà còn tiềm ẩn nguy cơ bị hoãn, hủy các hợp đồng xuất khẩu của DN nói chung và DN Việt Nam nói riêng. Đáng chú ý, nhiều thị trường trên thế giới, nhất là các nước phát triển vẫn tiếp tục dựng lên ngày một nhiều hơn những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, môi trường… theo hướng phát triển bền vững, an toàn cho người tiêu dùng khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu, từ đó tạo nên sức ép đối với các DN Việt về khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn của các đối tác nhập khẩu. Chính sách bảo hộ của các nước cũng ngày một tăng…
Trước bối cảnh đó, theo các chuyên gia, để có thể tiếp tục thu được những kết quả khả quan trong hoạt động kinh doanh, các DN vẫn cần hết sức thận trọng, theo dõi sát diễn biến thị trường, quản trị chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh bám sát kế hoạch đề ra, nhận diện và phòng ngừa tốt rủi ro. Đồng thời, tận dụng hiệu quả hơn nữa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do để phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới. Chủ động nâng cao năng lực, kiến thức về phòng vệ thương mại để có thể vận dụng hiệu quả nếu xảy ra các vụ kiện phòng vệ thương mại từ các nước nhập khẩu. Đặc biệt, DN cũng cần tiếp tục chú trọng đầu tư công nghệ, chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh và bền vững, nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu.
Về phía DN, các DN, hiệp hội ngành hàng cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của DN và đưa ra những lưu ý, khuyến nghị kịp thời cho DN. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ DN trong các hoạt động xúc tiến thương mại, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu, giúp DN đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa./.