Tập trung thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Chính trị - Ngày đăng : 06:29, 21/11/2024

(BKTO) - Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” là đòi hỏi bức thiết của tình hình thực tiễn hiện nay; được cán bộ, đảng viên và Nhân dân mong chờ, đón nhận với sự ủng hộ mạnh mẽ trong toàn xã hội.
2(1).jpeg
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ nhất về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, ngày 19/11/2024. Ảnh: TTXVN

Cần mô hình tổng thể để điều chỉnh, sắp xếp bộ máy một cách khoa học

Trong bài viết “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, sau 40 năm đổi mới đang đem đến cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; đồng thời đặt ra “yêu cầu cấp bách thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới”. Tuy nhiên, việc sắp xếp tổ chức bộ máy vẫn còn những hạn chế. Sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng. Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức trên thực tế.

Tại Hội thảo Khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - những vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức mới đây, PGS,TS. Lê Minh Thông - nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội - cho rằng, Bộ máy trong hệ thống chính trị như trăn trở của Tổng Bí thư Tô Lâm trong thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua là đang tiêu tốn 70% ngân sách để trả lương, chi thường xuyên… thì lấy đâu ra nguồn lực để đầu tư phát triển. Hệ thống ấy còn cồng kềnh, chồng chéo, kém hiệu lực, mà nếu không tinh gọn bộ máy không phát triển được.

PGS,TS. Lê Minh Thông cho rằng, để bộ máy trong hệ thống chính trị “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” cần mạnh dạn khắc phục tình trạng bộ máy Đảng song trùng với bộ máy nhà nước, chồng chéo chức năng, lẫn lộn trách nhiệm. Các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến địa phương cần tăng cường sử dụng bộ máy nhà nước làm chức năng tham mưu. Các ban Đảng củng cố năng lực xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đảng ta thực sự là một tổ chức chính trị gọn về cơ cấu, rõ về chức năng, linh hoạt trong lãnh đạo và sử dụng có hiệu quả bộ máy của Nhà nước.

Do công việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc rất khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người trong từng tổ chức, nhất là trong việc đề xuất giải thể, sáp nhập một số cơ quan, tổ chức, nên cần phải có sự đoàn kết, quyết tâm cao, dũng cảm và cả sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức. Muốn vậy, phải làm tốt công tác chính trị tư tưởng, tăng cường công tác tuyên truyền trong toàn hệ thống chính trị và xã hội về chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ tinh gọn bộ máy trong tình hình mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm

PGS,TS. Lê Minh Thông cũng đề xuất, tiến tới nhất thể hóa theo hướng người đứng đầu cấp ủy đồng thời là người đứng đầu chính quyền cùng cấp, bố trí kiêm nhiệm ở một số chức vụ quan trọng giữa cơ quan Đảng và cơ quan Nhà nước. Hợp nhất một số cơ quan tham mưu của Đảng tại mỗi cấp vừa để tinh gọn bộ máy Đảng vừa tạo sự đồng bộ, thống nhất trong công tác tham mưu, thẩm định chủ trương, chính sách.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, để đất nước bước vào kỷ nguyên mới thì một trong những việc cần làm là tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, muốn tinh gọn thì trước hết phải có một mô hình tổng thể. Trên mô hình tổng thể đó mới có thể điều chỉnh, sắp xếp bộ máy một cách khoa học. Việc có một mô hình tổng thể cũng là tư duy khoa học và từ tư duy ấy sẽ phải có quyết tâm cao. Quá trình thực hiện sẽ không tránh khỏi những đụng chạm, do vậy phải hết sức quyết tâm để thực hiện - quyết tâm nhưng không duy ý chí.

Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ

Cốt lõi nhất trong tinh gọn bộ máy là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Muốn vậy phải đổi mới công tác cán bộ vì “cán bộ là gốc vấn đề”, “là then chốt của then chốt”. Cán bộ là gốc rễ của vấn đề và nếu muốn có một tổ chức tốt thì phải xây dựng đội ngũ cán bộ phù hợp. Đây là công việc rất công phu, đòi hỏi sự quyết tâm, quyết liệt nhưng phải toàn diện, thận trọng. Nhiều chuyên gia chia sẻ, trong kinh tế, nếu làm không chắc thì gây ra thiệt hại nhưng có thể khắc phục, còn trong công tác tổ chức mà sai thì sẽ gây hậu quả lớn, do đó phải làm, quyết làm nhưng phải làm khoa học, chắc chắn và chặt chẽ.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Ban Chỉ đạo), ngày 19/11, Tổng Bí thư Tô Lâm - Trưởng Ban Chỉ đạo - yêu cầu: Phải thực hiện đồng bộ việc tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, có biên chế hợp lý. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ. Có cơ chế hữu hiệu để sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng đối với những cán bộ có năng lực nổi trội.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương bám sát các nội dung kế hoạch của Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công, bảo đảm tiến độ và chất lượng. Trong đó, Thường trực Ban Chỉ đạo cần tập trung nghiên cứu làm rõ các nguyên tắc xuyên suốt, các tiêu chí cụ thể trong từng nội dung (gắn với những chủ trương lớn của Bộ Chính trị đang chỉ đạo) để hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nhất quán việc tổng kết và tham mưu, đề xuất mô hình mới. Đồng thời, tiếp tục làm rõ các giải pháp, bước đi, lộ trình bảo đảm bộ máy hoạt động liên tục, thông suốt, không bỏ trống thời gian, địa bàn, lĩnh vực; bộ máy mới đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả ngay; khẩn trương ban hành các chính sách bảo đảm quyền lợi, lợi ích hợp pháp của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị tác động do cải cách về tổ chức…

Trên cơ sở những nguyên tắc xuyên suốt đã xác định, tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo, ý kiến các cơ quan, đơn vị qua tổng kết; ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các cán bộ thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài… để đề xuất cụ thể việc tinh gọn các ban Đảng, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Quốc hội, các đoàn thể. Đồng thời, chủ động nghiên cứu mô hình bên trong từng cơ quan sau khi sáp nhập, hợp nhất.

Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý, quá trình thực hiện cần theo dõi sát để phát hiện, nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả; uốn nắn và ngăn chặn kịp thời những biểu hiện lệch lạc, bảo đảm việc triển khai theo đúng mục tiêu, yêu cầu và lộ trình đề ra. Tổng Bí thư Tô Lâm tin tưởng rằng, với những tư duy, nhận thức mới đã thông suốt, với khí thế, quyết tâm cao, thống nhất về tư tưởng và hành động, chúng ta sẽ tập trung thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tạo nền tảng để đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc./.

LÊ HÒA