Hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá

Xã hội - Ngày đăng : 13:30, 12/05/2016

(BKTO) - Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá là quỹ quốc gia,trực thuộc Bộ Y tế và chịu sự quản lý nhà nước về tài chính của Bộ Tài chính.Sau hơn 2 năm hình thành và đi vào hoạt động, Quỹ đã hỗ trợ tích cực, hiệu quảcho các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc, góp phần kéo giảm đáng kể tỷ lệhút thuốc lá tại Việt Nam.



Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã hỗ trợ cho các hoạt động phòng, chống thuốc lá tại 63 tỉnh, thành phố.Ảnh: TS
Thông tin tại Hội nghị hướng dẫn thực hiện hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2016 do Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá tổ chức ngày 11/5, tại Hà Nội, PGS. TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho biết, trong 2 năm qua, Quỹ luôn được quản lý đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Tại Trung ương đã có Hội đồng quản lý liên ngành Quỹ, Ban Kiểm soát Quỹ, Ban tư vấn và cơ quan điều hành Quỹ. Các hoạt động của Quỹ được triển khai thận trọng, quản lý chặt chẽ số tiền thu được. Năm 2014, Quỹ đã thực hiện kiểm toán độc lập.

Trong năm 2015, Quỹ đã hỗ trợ cho các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá tại 20 Bộ, ngành và các tổ chức chính trị xã hội, 63 tỉnh, 4 thành phố du lịch và 6 bệnh viện thực hiện tư vấn cai nghiện thuốc lá.

Bằng nguồn hỗ trợ của Quỹ, thời gian qua, các Bộ, ban, ngành, cơ quan và các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá; xây dựng, triển khai các mô hình điểm về cộng đồng, cơ quan, tổ chức trường học, bệnh viện, thành phố du lịch không có khói thuốc lá; phát triển và nhân rộng các mô hình có hiệu quả...

Bên cạnh đó, Quỹ đã tổ chức các chiến dịch, sáng kiến về phòng, chống tác hại của thuốc lá dựa vào cộng đồng; tổ chức mô hình điểm về cai nghiện thuốc lá dựa vào cộng đồng; tập huấn nâng cao năng lực cán bộ y tế về tác hại của thuốc lá, phương pháp tư vấn cai nghiện thuốc lá và sẽ nhân rộng mô hình bệnh viện cai nghiện thuốc lá trên toàn quốc trong năm 2016. Ngoài ra, Quỹ còn hỗ trợ hoạt động, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho mạng lưới cộng tác viên làm công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; nâng cao năng lực quản lý, điều phối, giám sát chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá cho cơ quan điều hành Quỹ.

Những nguồn hỗ trợ của Quỹ đã đem lại kết quả cụ thể về truyền thông, các mô hình điểm về môi trường không khói thuốc và thực thi nơi công cộng không khói thuốc. Điều này góp phần tích cực vào việc giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, hạn chế ảnh hưởng của khói thuốc lá đối với sức khỏe cộng đồng.

Ghi nhận những tác động hiệu quả của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đối với việc làm giảm đáng kể tỷ lệ hút thuốc lá cũng như tỷ lệ phơi nhiễm khói thuốc lá thụ động tại Việt Nam, tuy nhiên TS. Lokky Wai - Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá ở Việt Nam còn rất nhiều thách thức đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành, các cơ quan liên quan.

TS. Lokky Wai khuyến nghị, trong thời gian tới Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cần được sử dụng để thực hiện các hoạt động giám sát và thực thi, cần có các lực lượng chuyên trách đảm nhiệm vấn đề này để đảm bảo việc phòng, chống tác hại thuốc lá được duy trì hiệu quả. Quỹ cũng nên đầu tư hỗ trợ việc thiết lập các đường dây nóng để người dân cùng tham gia giám sát việc thực thi các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tổ chức Y tế thế giới cũng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Bộ Y tế để sử dụng nguồn Quỹ hiệu quả.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ, Bộ Y tế kiến nghị trong thời gian tới cần tiếp tục nâng cao năng lực cho cơ quan kiểm soát và điều hành Quỹ trong việc lập kế hoạch, triển khai và quản lý các chương trình hỗ trợ, các hoạt động thường xuyên của Quỹ. Đồng thời, chuẩn hóa các hướng dẫn về quy trình quản lý tài chính, kế toán và kiểm soát nội bộ Quỹ.

Box: Kết quả điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành do Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, WHO, Tổng cục Thống kê và trường Đại học Y Hà Nội thực hiện năm 2015 cho thấy: so với năm 2010, tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nơi làm việc giảm từ 55,9% xuống 42,6%; tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nhà giảm từ 73,1% (năm 2010) xuống 59,9% (năm 2015); tỷ lệ hút thuốc thụ động tại trường học giảm tương ứng từ 22,3% xuống còn 16,1%; hút thuốc trên các phương tiện giao thông công cộng giảm từ 34,4% xuống 19,4%.

Điều tra đối với thanh thiếu niên năm 2014 cho thấy: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở thanh thiếu niên Việt Nam giảm từ 3,3% năm 2007 xuống 2,5% năm 2014; 90% học sinh đang hút thuốc có ý định bỏ thuốc.

ĐĂNG KHOA