Công đoàn là chỗ dựa vững chắc của người lao động
Xã hội - Ngày đăng : 19:05, 22/11/2024
Đây cũng là những kết quả nổi bật của Công đoàn sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
Chất lượng và hiệu quả hoạt động công đoàn được nâng cao
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, hoạt động công đoàn đã tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ.
Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, đến nay, 100% LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam đã cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW và Chương trình số 02/Ctr-BCH thông qua các chương trình, kế hoạch, đề án, các mô hình.
Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đổi mới công tác chỉ đạo điều hành trong phạm vi thẩm quyền, kịp thời đề ra một số chủ trương quan trọng đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Lãnh đạo công đoàn các cấp đã phát huy vai trò, trách nhiệm trước đoàn viên NLĐ trong việc giải quyết nhanh nhạy, kịp thời, sáng tạo các công việc thuộc thẩm quyền.
Nhờ đó, hoạt động của các cấp công đoàn đã có nhiều đổi mới; chất lượng và hiệu quả được nâng cao. Hoạt động công đoàn đã hướng mạnh về cơ sở, tập trung hơn vào các nhiệm vụ đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.
Nhiều chương trình, mô hình chăm lo mang đậm dấu ấn công đoàn được hình thành và trở thành hoạt động thường kỳ, thường niên như “Tết Sum vầy”, “Mái ấm Công đoàn”, “Phiên chợ Công nhân”... và tiếp tục được triển khai, nhân rộng, lan tỏa mạnh mẽ đến cơ sở.
Công đoàn Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, xứng đáng là tổ chức đại diện cho giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức và những NLĐ; là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và quần chúng công nhân, viên chức, NLĐ.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Mai Văn Chính
Bên cạnh những kết quả tích cực, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, còn một số địa phương, chính quyền chưa quan tâm thỏa đáng tới quyền lợi của NLĐ trong chính sách chung để thu hút đầu tư của doanh nghiệp; còn một số cấp ủy chưa duy trì cuộc làm việc của ban thường vụ cấp ủy với tổ chức Công đoàn hàng năm, chưa chọn được cán bộ có năng lực, phù hợp với sở trường để làm cán bộ công đoàn; cũng còn có địa phương, cán bộ công đoàn cấp ban chưa có điều kiện để trưởng thành làm cán bộ chủ chốt…
Về khó khăn của NLĐ, đại diện Đảng đoàn Tổng LĐLĐVN cung cấp thêm thông tin, hiện nay, tại một số địa phương, tình trạng NLĐ mắc bệnh hiểm nghèo gia tăng; NLĐ thiếu nơi vui chơi giải trí, còn gặp khó khăn trong nhà ở, thời gian làm việc căng thẳng, nhiều áp lực, do lương thấp dẫn tới họ phải đăng ký làm thêm, tăng ca…
Nhấn mạnh thêm về những khó khăn này tại buổi làm việc với Ban Dân vận Trung ương, ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, hiện nay, đoàn viên, NLĐ, nhất là những người làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất gặp nhiều khó khăn về nhà ở - đa số phải đi thuê trọ; không có cơ sở khám, chữa bệnh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi có đông NLĐ; nhiều gia đình NLĐ do không gửi con được vào trường mầm non công lập phải gửi con về quê cho gia đình nên thiếu tình thương của bố mẹ…
“Đặc biệt, do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều doanh nghiệp áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất… đã tác động tới việc làm của NLĐ. Do đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất có quỹ, hoặc chương trình để hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ nhằm giúp họ có đủ năng lực, tay nghề, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, qua đó, NLĐ mới có công việc ổn định, dễ dàng tìm kiếm việc làm mới” - ông Nguyễn Đình Khang nêu ý kiến.
Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW và Chương trình số 02/Ctr-BCH, các cấp Công đoàn đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức một số chỉ tiêu hàng năm.
Về công tác phát triển đoàn viên: Năm 2021, các cấp Công đoàn đã kết nạp mới 753.255 đoàn viên, đạt 125% chỉ tiêu; năm 2022, kết nạp 1.052.444 đoàn viên, đạt 161,9%; năm 2023, kết nạp 858.886 đoàn viên, đạt 132%.
Công tác giới thiệu, phát triển Đảng trong công nhân, viên chức, lao động được quan tâm. Trong 3 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW, các cấp Công đoàn đã giới thiệu 385.663 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp (đạt và vượt chỉ tiêu đề ra).
Kiên định mục tiêu chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ
Thực tiễn đã chỉ ra, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc thực hiện các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; sự xuất hiện tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp đang mang đến những cơ hội mới, nhưng đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu, thách thức mới đối với hoạt động công đoàn.
Hơn lúc nào hết, tổ chức Công đoàn Việt Nam cần nhận định đúng thời cơ, thách thức để có những giải pháp phù hợp; xác định đúng khả năng thích ứng của công nhân lao động từng địa bàn, ngành nghề cụ thể để có giải pháp đồng bộ, căn cơ trong phát triển tổ chức, khắc phục hạn chế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Trên cơ sở đó, các cấp công đoàn tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy công nhân, viên chức lao động làm đối tượng vận động, lấy chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, NLĐ làm mục tiêu hoạt động.
Bên cạnh đó, cần chú trọng hơn nữa công tác bồi dưỡng cán bộ công đoàn cơ sở, nhất là chủ tịch công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việc đào tạo bồi dưỡng cần phải có chương trình bắt buộc đối với cán bộ công đoàn.
Đối với đội ngũ cán bộ quản lý cần đào tạo, bồi dưỡng theo hướng gắn với tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, từng bước hình thành đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp trưởng thành qua thực tiễn hoạt động ở cấp cơ sở; không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở, nâng cao trình độ năng lực của cán bộ công đoàn cơ sở để công đoàn thật sự là chỗ dựa vững chắc của NLĐ tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, có sức hấp dẫn đối với NLĐ và tạo được sự đồng tình, ủng hộ từ người sử dụng lao động.
Phát biểu tại buổi làm việc với Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam mới đây, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Mai Văn Chính đề nghị Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam sớm ban hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam (khóa XIII) và hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam; Sớm xây dựng kế hoạch tổ chức khảo sát kết quả thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” tại một số tỉnh, thành ủy sau 3 năm thực hiện Nghị quyết, phối hợp với Ban Dân vận Trung ương tham mưu kế hoạch sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW.
Công đoàn tiếp tục tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ; gần nhất là hoạt động chăm lo Tết nguyên đán Xuân Ất Tỵ 2025 cho NLĐ.
Đồng thời, tiếp tục củng cố niềm tin, gắn bó của NLĐ đối với tổ chức Công đoàn; thu hút người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam.
Được biết, ngoài tăng cường, giám sát, tham gia ổn định quan hệ lao động, dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các cấp Công đoàn tập trung nguồn lực chăm lo cho đoàn viên, NLĐ, nhất là những đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Bên cạnh những hoạt động như “Tết Sum vầy”, “Chợ Tết Công đoàn”, tổ chức các chuyến xe đưa, đón công nhân, NLĐ về quê đón Tết và trở lại làm việc, Công đoàn các địa phương còn hỗ trợ việc đi lại bằng tiền mặt cho công nhân, NLĐ đang làm việc trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn; cũng như động viên NLĐ về quê đón Tết an vui../.