Kiểm toán tích hợp: Mở rộng phạm vi và tăng độ tin cậy của kiểm toán nội bộ

Kiểm toán - Kế toán - Ngày đăng : 20:33, 22/11/2024

(BKTO) - Để tăng cường vai trò của kiểm toán nội bộ (KTNB) trong nhận diện rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức và hiệu quả của chính cuộc kiểm toán, các kiểm toán viên phải mở rộng phạm vi và tích hợp nhiều nội dung trong một cuộc kiểm toán.
screenshot-2024-11-22-112530.png
Sáu cách kiểm toán tích hợp có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Nguồn: highradius

Kiểm toán tích hợp giúp tăng độ tin cậy của kiểm toán nội bộ

Theo quan điểm truyền thống, KTNB thu thập thông tin về hệ thống tài chính và hồ sơ tài chính của một tổ chức, doanh nghiệp và tập trung vào loại hình kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ. Tuy nhiên, hiện nay, KTNB mở rộng tới các lĩnh vực khác như công nghệ thông tin, an toàn, bảo mật, hiệu suất hệ thống thông tin, kiểm toán kiểm soát nội bộ và các vấn đề về môi trường, gian lận...

Với khu vực công, trách nhiệm giải trình tăng cao, nhu cầu kiểm toán hiệu suất, hiệu quả hay đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu ngày càng tăng. Việc tích hợp các nội dung này trong một cuộc kiểm toán tạo ra kết quả hiệu quả hơn với phương pháp tiếp cận toàn diện.

Kiểm toán tích hợp xem xét mối quan hệ giữa công nghệ thông tin, kiểm soát tài chính và hoạt động trong việc thiết lập một môi trường kiểm soát nội bộ hiệu quả. Mặc dù các vấn đề có thể không được xác định trong kiểm soát tài chính và hoạt động, các vấn đề được xác định trong công nghệ thông tin có thể phủ nhận hiệu quả của kiểm soát tài chính/hoạt động và ngược lại. Do đó, kiểm toán tích hợp đánh giá sự tương tác giữa các quy trình tài chính, hoạt động và công nghệ trong việc đạt được các mục tiêu kiểm soát.

Các lĩnh vực thường được kiểm tra trong quá trình kiểm toán tích hợp: Các rủi ro và biện pháp kiểm soát trong kinh doanh, xử lý thông tin của doanh nghiệp; Tính chính xác, kịp thời và an toàn của nguồn cấp dữ liệu, giao diện hệ thống và thông tin liên lạc; Tính chính xác, kịp thời các giao dịch; Tính bảo mật và các biện pháp kiểm soát bảo mật tuân thủ theo các quy định hiện hành;

Các kế hoạch phục hồi sau thảm họa và kế hoạch duy trì hoạt động kinh doanh cung cấp sự đảm bảo hợp lý rằng cả hệ thống và hoạt động kinh doanh đều có thể phục hồi và tiếp tục khi hệ thống hoặc hoạt động kinh doanh bị gián đoạn; Các thay đổi trong chương trình được ủy quyền, thử nghiệm, phê duyệt và chuyển sang sản xuất theo quy định của chủ sở hữu quy trình kinh doanh...

Theo Viện KTNB Hoa Kỳ (IIA), kiểm toán tích hợp giúp giải quyết yêu cầu của hội đồng quản trị về các vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng, tuân thủ quy định hoặc các mối quan tâm khác của bên liên quan; thực hiện giám sát liên tục trong tổ chức để đảm bảo tính liên tục của thông tin theo thời gian thực; các vấn đề ngoài tài chính như quản trị công nghệ thông tin và điện toán đám mây, bảo vệ môi trường có thể nằm ngoài chuyên môn của bộ phận kiểm toán truyền thống, nhưng có thể được giải quyết trong một cuộc kiểm toán tích hợp.

Việc áp dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán tích hợp có thể làm tăng độ tin cậy của hoạt động KTNB, tư đó tăng tính liên quan của công việc và am hiểu hoạt động, quy trình trong tổ chức. Nhiều người thấy rằng các kiểm toán viên tăng sự tự tin và trở nên thành thạo hơn hoạt động của tổ chức, tăng hiệu quả công việc của họ. Những lợi thế khác bao gồm phạm vi kiểm toán rộng hơn, báo cáo được cải thiện, đánh giá rủi ro và lập kế hoạch kiểm toán hiệu quả hơn.

Đảm bảo nhân sự để triển khai kiểm toán tích hợp

Mức độ phức tạp của kiểm toán tích hợp đòi hỏi KTNB cần có các kỹ thuật kiểm toán, chuyên môn nghiệp vụ vững chắc, kiến thức tổng hợp về hoạt động trong tổ chức, tư duy linh hoạt, sáng tạo. Chính vì vậy, vấn đề nhân sự trong cuộc kiểm toán tích hợp là vô cùng quan trọng.

Trưởng nhóm kiểm toán cần đáp ứng yêu cầu cao về trình độ chuyên môn và khả năng quản lý dự án kiểm toán để giám sát và kiểm soát chất lượng cuộc kiểm toán thường xuyên, liên tục, từ đó đảm bảo hiệu quả của cuộc kiểm toán. Trưởng nhóm cần phải hiểu đầy đủ về rủi ro tiềm ẩn của hoạt động kiểm toán một cách toàn diện dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Từ đó, chịu trách nhiệm đảm bảo sự phối hợp giữa tất cả các lĩnh vực và cách tiếp cận cân bằng để xác định và xếp hạng rủi ro.

Trưởng nhóm kiểm toán đóng vai trò then chốt đảm bảo thành công của kế hoạch thực hiện thông qua: giao tiếp giữa tất cả các bên liên quan và hoàn thành kịp thời các hoạt động kiểm toán, kỹ năng mềm dẻo để đảm bảo làm việc nhóm hiệu quả giữa thành viên trong đoàn kiểm toán và sự tương tác tích cực với các đơn vị được kiểm toán trong việc cung cấp thông tin kiểm toán, nhưng vẫn đảm bảo tính khách quan cho quá trình kiểm toán.

Việc nâng cao chất lượng nhân sự kiểm toán nói chung và chất lượng nhân sự trong kiểm toán tích hợp nói riêng cần được quan tâm từ khâu tuyển dụng và đào tạo bên ngoài, học hỏi tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể thuê các chuyên gia đào tạo các chuyên đề KTNB tại doanh nghiệp hoặc cử kiểm toán viên tham gia các khóa đào tạo phù hợp. Với thời gian, chi phí, nguồn lực kiểm toán có hạn trong khi khối lượng công việc lớn, nhóm kiểm toán nên tận dụng các nguồn lực sẵn có từ các phương tiện, kênh thông tin hoặc chủ động học hỏi tại doanh nghiệp.

KTNB đưa ra vấn đề chuyên môn để các chuyên viên từ các phòng ban khác trao đổi, từ đó hiểu bản chất và quy trình làm việc. Đồng thời, duy trì danh mục nhân sự bao gồm cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp để bổ sung kiến ​​thức về nguồn lực kiểm toán hiện có.

Bản thân nhóm kiểm toán cần có bộ kỹ năng để tổng hợp thông tin thu thập từ đó đánh giá rủi ro toàn diện. Các quyết định liên quan đến đánh giá rủi ro sẽ yêu cầu sự phối hợp giữa tất cả các bên để đảm bảo xếp hạng rủi ro phù hợp.

Các kỹ thuật kiểm toán khi thực hiện kiểm toán tích hợp cần được thực hiện bám sát quy trình hoạt động của doanh nghiệp để thực hiện kiểm toán một cách hiệu quả. Trong kiểm toán tích hợp, KTNB cần đặc biệt chú ý tích hợp kiểm toán liên tục, khảo sát kiểm soát nội bộ, lấy mẫu, và phân tích dữ liệu.

Độ phức tạp chung của một cuộc kiểm toán tích hợp có thể quản lý được nếu có nhân sự chất lượng. Điều này bao gồm sự sẵn lòng của các phòng ban để chia sẻ chuyên môn và kiến ​​thức, cũng như bộ kỹ năng của trưởng nhóm kiểm toán.

    TS. TRẦN PHƯƠNG THÙY - Học viện Ngân hàng