Đoàn đại biểu Kiểm toán nhà nước dự Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu IDI
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:00, 22/11/2024
Hội nghị tập trung vào chủ đề tác động của các cuộc kiểm toán đối với các mục tiêu phát triển bền vững, thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu quốc tế (với 13 đại biểu cấp Tổng Kiểm toán nhà nước) đến từ các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI); một số cơ quan, tổ chức quốc tế của hơn 30 nước tham dự trực tiếp cùng hơn 300 đại biểu tham dự trực tuyến.
Mở đầu Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Georgia đã gửi lời chào mừng, hoan nghênh, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với các SAI, các tổ chức quốc tế đã cử đại biểu đến thăm và tham dự Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu IDI tại đất nước Georgia cổ kính, giàu lịch sử.
Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc IDI Archana Shirsat nhấn mạnh, những chủ đề của Hội nghị đang là mối quan tâm chung của các cơ quan trên toàn thế giới, đồng thời đánh giá cao các SAI tham dự với các bài trình bày, đóng góp ý kiến thảo luận một cách cởi mở và đem đến nhiều kinh nghiệm bổ ích để cùng nhau chia sẻ.
Chủ tịch Tòa Thẩm kế Brazil kiêm Chủ tịch INTOSAI nhấn mạnh, Báo cáo Điều hướng xu hướng toàn cầu 2025-2040, được công bố trong cuộc họp Ban điều hành INTOSAI tháng 10/2024 đã nêu bật 7 xu hướng toàn cầu dự kiến sẽ tác động đáng kể đến các SAI trong 15 năm tới, bao gồm: xói mòn lòng tin vào các thể chế, thách thức kinh tế, chuyển đổi số, biến đổi khí hậu, thay đổi nhân khẩu học, di cư toàn cầu và bất bình đẳng gia tăng.
Báo cáo Điều hướng xu hướng toàn cầu 2025-2040 khẳng định hợp tác quốc tế và trao đổi các thông lệ tốt nhất là những yếu tố quan trọng để tăng cường năng lực dự báo và cải thiện chất lượng kiểm toán trên toàn thế giới với sự nhấn mạnh vào chuyển đổi số và phát triển bền vững. Đây cũng chính là những vấn đề các đại biểu tập trung trao đổi trong hai ngày diễn ra Hội nghị này.
Chủ tịch Tòa Thẩm kế Brazil cũng chia sẻ thêm về dự án ClimateScanner, một sáng kiến toàn cầu bắt nguồn từ Nhóm công tác về kiểm toán môi trường (WGEA) của INTOSAI, là một công cụ được thiết kế để các SAI đánh giá và giám sát các hành động của chính phủ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Công cụ này cho phép thu thập, hợp nhất và phổ biến công khai dữ liệu về các sáng kiến liên quan đến khí hậu, tập trung vào ba lĩnh vực chuyên đề: tài chính, quản trị và chính sách công. Trong số 141 quốc gia tham gia được đào tạo để sử dụng ClimateScanner, hơn 60 quốc gia đã gửi các phân tích của họ lên nền tảng này.
Tại Hội nghị lần này, các SAI đã trao đổi về vai trò của lãnh đạo các SAI trong việc chứng minh tính phù hợp của SAI đối với quá trình số hóa và phát triển bền vững; thảo luận chuyên sâu về các xu hướng tại quốc gia và vai trò lãnh đạo của họ trong việc đảm bảo rằng SAI duy trì tính phù hợp, có liên quan đến các xu hướng này.
Các đại biểu KTNN Việt Nam cùng đại biểu các SAI tham dự thảo luận về các nội dung: Đảm bảo giá trị thông qua đóng góp vào việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững; Tiếng nói đoàn kết vì một tương lai bình đẳng: Tầm quan trọng của việc tập trung vào bình đẳng và tính bao trùm trong các cuộc kiểm toán của SAI; Tạo ra bức tranh toàn cầu về đóng góp của SAI trong việc thực hiện, theo dõi và đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; Kiểm toán vì trái đất bền vững; Tác động của số hóa: Giải quyết thách thức và nắm bắt cơ hội đối với SAI cùng các phiên thảo luận toàn thể; trao đổi chuyên sâu về Hội nghị thượng đỉnh và các kết quả chính.
Nhằm kỷ niệm việc thực hiện thành công các cuộc kiểm toán và chiến lược kiểm toán liên quan đến các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, các mục tiêu phát triển bền vững và sự hòa nhập, đồng thời với mục tiêu dự đoán các xu hướng mới và đưa ra phương pháp để SAI có thể ứng phó trong bối cảnh thế giới diễn ra nhiều thay đổi, Hội nghị lần này cùng với các nội dung trao đổi chuyên sâu đã diễn ra thành công tốt đẹp, đáp ứng được kỳ vọng của các đại biểu tham dự./.