Bình Dương: Phấn đấu trở thành Trung tâm đổi mới sáng tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Địa phương - Ngày đăng : 18:05, 24/11/2024
Theo thông tin tại Hội nghị đối thoại giữa Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Dương với doanh nghiệp Nhật Bản, tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh Bình Dương 9 tháng đầu năm 2024 phục hồi tương đối tích cực, khả quan. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 6,31% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng 4,2%); kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 18,4 tỷ đô la Mỹ, tăng 14,5% so với cùng kỳ.
Với môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, trong những năm gần đây, Bình Dương luôn là một trong số những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tính từ ngày 01/01/2024 đến nay, tỉnh đã thu hút hơn 1 tỷ 675 triệu USD vốn FDI gồm 179 dự án mới, 141 dự án điều chỉnh tăng vốn và 108 dự án góp vốn mua cổ phần. Lũy kế đến ngày 15/11/2024, toàn tỉnh có 4.372 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 42 tỷ 113 triệu USD.
Trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Bình Dương, Nhật Bản đứng thứ 2 với 357 dự án và tổng vốn đầu tư 5 tỷ 978 triệu USD, chiếm 8% về số dự án và 14% về số vốn.
Tỉnh Bình Dương đang đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 và là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; xây dựng hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp và quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới; tiếp tục hoàn thành gần 200km đường vành đai, cao tốc kết nối vùng. Song song đó, tỉnh sẽ hình thành vành đai công nghiệp, với quy mô trên 20.000 hecta.
Trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, năng lượng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao; dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; các ngành công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao và đặc biệt là thu hút đầu tư vào Khu Công nghiệp Khoa học Công nghệ với tầm nhìn trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hiện nay, địa bàn tỉnh đang triển khai các dự án cao tốc: Đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, đường Cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Đây là những dự án giao thông trọng điểm quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh Bình Dương nói riêng và của quốc gia nói chung; tạo hành lang logistic liên vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, kết nối các cảng biển, cảng thủy nội địa, tăng cường liên kết vùng, tạo không gian phát triển mới của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tỉnh Bình Dương luôn đánh giá cao tiềm năng của các nhà đầu tư Nhật Bản và mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục mở rộng đầu tư vào tỉnh Bình Dương. Lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh tại Bình Dương./.