Hóa giải nghịch lý người dân thiếu nước sạch nhưng công trình cấp nước lại bỏ hoang

Xã hội - Ngày đăng : 09:04, 26/11/2024

(BKTO) - Dù tỷ lệ hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn tăng lên song tỷ lệ này còn có sự chênh lệch lớn giữa các vùng. Trong khi đó, còn hàng nghìn công trình cấp nước không hoạt động, gây lãng phí nguồn lực. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn đến hiệu quả đầu tư các công trình nước sạch...
screenshot-2024-11-25-094321.png
Công trình nước sạch trị giá chục tỷ đồng tại xã Tịnh Long, tỉnh Quảng Ngãi bỏ hoang nhiều năm qua. Ảnh: ST

Người dân thiếu nước sạch, công trình cấp nước xây xong bỏ hoang

Trong khi hàng trăm hộ dân sử dụng nước không đảm bảo sức khỏe từ nhiều năm nay, thì tại xã Hải Chánh và thị trấn Bến Quan (tỉnh Quảng Trị), 2 công trình cấp nước sạch được đầu tư hàng chục tỷ đồng vì nhiều lý do vẫn chưa thể hoàn thành đưa vào sử dụng.

Hay tại Quảng Ngãi, công trình nước sạch trị giá hơn chục tỷ đồng tại xã Tịnh Long, sau nhiều năm xây dựng và đưa vào sử dụng, hiện đang bị bỏ hoang từ năm 2020 đến nay.

Đây là những trường hợp  điển hình trong số hàng nghìn công trình cung cấp nước sạch chưa được đưa vào sử dụng hoặc ngừng hoạt động, dẫn đến lãng phí nguồn lực.

dsc_0500.jpg
Mức chênh lệch trong thụ hưởng nước sạch giữa các vùng còn cao. Ảnh: N.Lộc

Ông Lương Văn Anh - Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) - cho biết, tính đến cuối năm 2023, toàn quốc có 74% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước đạt quy chuẩn (55% số hộ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung và 19% số hộ sử dụng nước từ cấp nước hộ gia đình).

Mặc dù vậy, tại một số tỉnh, tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung còn rất thấp như: Hà Giang (7,7%), Gia Lai (7,7%), Yên Bái (11,4%), Cao Bằng (12,6%), Lâm Đồng  (12,8%), Điện Biên (13,5%)... 

Vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên có tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thấp nhất cả nước và đây cũng là những vùng có tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung thấp nhất so với các vùng khác.

Trong 2.680 công trình cấp nước không hoạt động, nhiều công trình chỉ còn danh mục trên sổ sách, dữ liệu kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn, thực tế bỏ hoang, hoặc không còn được khai thác từ lâu, song chưa được đưa ra khỏi danh mục quản lý. 

“Hiện nay, các Sở NNPTNT đang tích cực phối hợp thực hiện thủ tục thanh lý, hủy tài sản để các công trình không hoạt động ra khỏi danh mục” - ông Anh cho biết.

Theo lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang, tỉnh đã có quyết định thanh lý tài sản 31 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, do không hoạt động từ nhiều năm nay, hư hỏng nặng, không còn khả năng khôi phục. Những công trình này do UBND xã quản lý.

Khai thác hiệu quả công trình cấp nước sạch

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, cấp nước sạch nông thôn vẫn còn đang phải đối mặt với nhiều hạn chế cần khắc phục. Trong đó, hệ thống chính sách về cấp nước chưa được hoàn chỉnh, chưa có Luật về cấp nước; các quy định hiện có chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thống nhất, tính hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn chưa cao. 

Để đạt 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch vào năm 2030, cần nguồn lực đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, chưa huy động hiệu quả nguồn lực từ xã hội; thiếu nguồn lực đầu tư cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa... 

Bên cạnh đó, hệ thống chính sách về cấp nước chưa được hoàn thiện, các quy định hiện có chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thống nhất, tính hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn chưa cao. Hay như mô hình tổ chức quản lý khai thác công trình nước sạch tập trung khu vực nông thôn đa dạng, chưa có quy định cụ thể, thống nhất. Giá nước thấp, thu không đủ bù chi, thiếu kinh phí hỗ trợ theo quy định... dẫn tới tỷ lệ công trình hoạt động kém hiệu quả, ngừng hoạt động còn cao, chất lượng dịch vụ thấp.

Giai đoạn 2020-2024, tổng nguồn vốn huy động thực hiện cho cấp nước sạch nông thôn trên 13 nghìn tỷ đồng. Cả nước có 18.109 công trình cấp nước tập trung nông thôn, cấp nước sạch đạt quy chuẩn cho hơn 9,37 triệu hộ gia đình nông thôn; trong đó có 32% công trình hoạt động bền vững; 41,8% số công trình hoạt động kém bền vững và không hoạt động.

Lý giải thêm về tình trạng một số công trình hoạt động kém hiệu quả vừa qua, ông Lương Văn Anh cho biết, do chưa có định mức kinh tế, kỹ thuật về quản lý khai thác công trình cấp nước nông thôn nên phần lớn các địa phương phê duyệt giá nước chưa được tính đúng, tính đủ. Cơ chế đặt hàng và kinh phí phân bổ đối với dịch vụ cấp nước vùng sâu, vùng xa chưa được thực hiện, dẫn đến các đơn vị cấp nước tại đây gặp nhiều khó khăn trong quản lý, vận hành công trình.

Trong khi đó, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La Hà Như Huệ cho biết, các mô hình do UBND xã, cộng động quản lý vận hành tồn tại nhiều vấn đề. Nguyên nhân do công trình có quy mô nhỏ với công nghệ đơn giản. Cơ chế tài chính không rõ ràng, khó được kiểm tra và xác định tính minh bạch về tài chính; giá nước thấp, nguồn thu không đủ chi phí cho các hoạt động... 

dsc_5645.jpg
Cần thêm nguồn lực, gắn với khai thác hiệu quả công trình. Ảnh: N.Lộc

Các chuyên gia cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các công trình cấp nước sạch, giảm thiểu tình trạng lãng phí, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá năng lực của các đơn vị quản lý khai thác công trình cấp nước; kịp thời điều chuyển  giao quyền quản lý khai thác công trình cấp nước cho những đơn vị có đủ năng lực. 

Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang, nguồn nước sạch không phải là vô hạn, do đó, cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống lãng phí nguồn nước... 

Đại diện Sở NNPTNT Lào Cai đề xuất, cần sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật trong quản lý, vận hành công trình cấp nước để làm cơ sở xác định chi phí quản lý, khai thác, bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, làm cơ sở triển khai xây dựng phương án giá nước theo quy định. 

Xây dựng chính sách và bố trí nguồn lực để thu hút đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn, bố trí ngân sách Trung ương cấp bù hoặc hỗ trợ giá tiền nước cho đối tượng sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung nông thôn khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng biên giới hoặc vùng đặc biệt khó khăn, khan hiếm nguồn nước ở các tỉnh miền núi./.

N.LỘC