Petrovietnam - Tự hào Ngày truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam
Kinh tế - Ngày đăng : 10:25, 26/11/2024
Việt Nam có biển, nhất định sẽ có dầu…
Ngay từ cuối những năm 50 của thế kỷ XX, việc xây dựng và phát triển ngành Dầu khí đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chú ý quan tâm. Ngày 23/7/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Khu công nghiệp dầu mỏ Bacu của nước Cộng hòa Azerbaijan. Tại đây, Người đã nói: “Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Bacu...” Lời của Bác cũng chính là những dòng chữ vàng đầu tiên của lịch sử ngành Dầu khí nước nhà, là niềm tin, ước vọng của đất nước, cũng là mục tiêu hành động, “kim chỉ nam” trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.
Hơn 60 năm qua, hoạt động của ngành Dầu khí Việt Nam luôn gắn với những nhiệm vụ, trọng trách được Đảng và Nhà nước giao phó. Các thế hệ “những người đi tìm lửa” đã vượt mọi gian lao, tạo nên những thành công rực rỡ, xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam lớn mạnh, là đầu tàu kinh tế, đảm nhận vai trò trọng yếu trong an ninh năng lượng quốc gia, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, nhân dân; tự hào viết tiếp những trang sử mới.
Kể từ thời điểm đó, nhiều học sinh và cán bộ đã được Đảng và Nhà nước cử sang Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác để học và thực tập về tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và lọc hóa dầu... Theo đề nghị của Việt Nam, từ năm 1959 Liên Xô đã cử các chuyên gia có kinh nghiệm vừa nghiên cứu khảo sát, đánh giá triển vọng dầu khí, vừa đào tạo cán bộ Việt Nam. Một kế hoạch tổng thể về công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở miền Bắc Việt Nam đã được các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam đề xuất và từng bước triển khai.
Ngày 27/11/1961, Đoàn Thăm dò dầu lửa 36 chính thức ra đời, đánh dấu chặng đầu của những thay đổi, thăng trầm cùng đất nước và có thể nói mỗi bước phát triển của ngành đều góp phần tạo ra những bước thay đổi quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Có thể nói, hoạt động của Đoàn Thăm dò dầu lửa mà tiếp theo là Liên đoàn địa chất 36 trong giai đoạn này đã cung cấp rất nhiều tài liệu và thông tin quý giá, những kết luận quan trọng về cấu trúc địa chất, tiềm năng dầu khí ở miền võng Hà Nội, ở vùng trũng An Châu và là “cái nôi” cung cấp nguồn nhân lực kể cả cán bộ quản lý cho ngành Dầu khí Việt Nam trong giai đoạn đầu.
Với ý nghĩa quan trọng, đánh dấu sự ra đời của tổ chức dầu khí đầu tiên tại Việt Nam, ngày 20/7/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1034/QĐ-TTg về việc lấy ngày 27/11 hằng năm là Ngày truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam.
Kể từ khi Đoàn Thăm dò dầu lửa (mang số hiệu Đoàn 36 dầu lửa) được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trải qua 63 năm xây dựng và trưởng thành, với nhiều tên gọi và hình thức tổ chức khác nhau, ngành Dầu khí Việt Nam đã luôn đổi mới và phát triển cùng với sự lớn mạnh của sự nghiệp cách mạng và Nhà nước ta. Theo thời gian, hoạt động dầu khí đã bao phủ hầu hết thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, như những cột mốc khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông.
Từ “bàn tay trắng”, đến nay “những người đi tìm lửa” đã xây dựng nên một cơ sở hạ tầng công nghiệp dầu khí lớn mạnh, đồng bộ chuỗi khép kín với 5 lĩnh vực chính gồm: Tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; Công nghiệp khí; Chế biến dầu khí; Công nghiệp điện và năng lượng tái tạo; Dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao; Hình thành nên đội ngũ gần 60.000 người lao động có năng lực chuyên môn cao, cùng tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật, sự chuyên nghiệp, sáng tạo, thật sự làm chủ khoa học công nghệ hiện đại, phức tạp của ngành và vươn ra thế giới, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Hơn nữa, ngành Dầu khí Việt Nam đã thực hiện xuất sắc mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.
Tự hào Petrovietnam trên hành trình tìm lửa
Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển với nhiều những thăng trầm nhưng lịch sử phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam được đánh giá là chuỗi các thành công, thắng lợi với những thành tựu lớn lao, đóng góp quan trọng cho đất nước. “Những người đi tìm lửa” qua các thế hệ, vẫn luôn giữ vững truyền thống tốt đẹp ấy với khát vọng đưa ngành Dầu khí không ngừng phát triển, vươn tới những đỉnh cao mới.
Từ những năm 1990, khi đất nước còn khó khăn, bị cấm vận, khủng hoảng kinh tế, việc tìm kiếm và khai thác dầu trong đá móng Bạch Hổ không chỉ mở ra một trang mới cho ngành Dầu khí nước nhà mà còn đóng góp quan trọng vào giải quyết khủng hoảng năng lượng sau chiến tranh, trở thành động lực tăng trưởng kinh tế khởi đầu thời kỳ đổi mới của đất nước.
Trong giai đoạn đầu, với mức tăng trưởng trung bình khoảng 18-20%/năm, hàng năm ngành Dầu khí đóng góp từ 28 - 30% tổng thu ngân sách Nhà nước, kim ngạch xuất khẩu chiếm trung bình 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước..., đóng góp rất quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong hành trình phát triển tiếp theo, ngành Dầu khí ngày càng có những đóng góp quan trọng cho đất nước.
Petrovietnam không chỉ thực hiện tốt vai trò là đầu tàu và chủ lực của nền kinh tế, là công cụ hữu hiệu điều tiết vĩ mô của Nhà nước mà còn đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, bảo vệ môi trường và đi đầu trong công tác an sinh xã hội...
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng
Hiện nay, sản lượng khai thác dầu thô trong nước của Petrovietnam trung bình đạt 7,5-8,5 triệu tấn/năm; sản lượng khí đạt 6-8 tỉ m3/năm. Hằng năm, Petrovietnam cung cấp trên 13,5 triệu tấn xăng dầu các loại, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu trong nước; cung cấp 1,8 triệu sản phẩm hóa dầu; và cung cấp 1,6-1,7 triệu tấn phân đạm, đáp ứng 70-80% nhu cầu phân đạm trong nước (khoảng 2 triệu tấn/năm).
Petrovietnam cũng đang vận hành thương mại 9 nhà máy điện với tổng công suất 6.600 MW, tương đương 8,5% tổng công suất lắp đặt hệ thống điện quốc gia. Các sản phẩm chủ lực của Petrovietnam như dầu thô, xăng dầu, khí thiên nhiên, khí hóa lỏng, điện, đạm… đã tham gia vào mọi hoạt động đời sống của đất nước với tỷ trọng lớn; góp phần quan trọng cho ổn định, phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế.
Petrovietnam đóng góp trung bình 9-10% GDP cả nước; nộp ngân sách Nhà nước chiếm tỷ trọng 9-9,5% tổng thu ngân sách chung của Nhà nước, trong bối cảnh quy mô của nền kinh tế đã được mở rộng hơn rất nhiều. Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản hợp nhất của Petrovietnam đạt hơn 1 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 43 tỷ USD) - là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất không phải là ngân hàng có quy mô tài sản trên 1 triệu tỷ đồng.
Với phương châm “Tiếp nối nguồn lực, kiến tạo tương lai”, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn khẳng định, Petrovietnam sẽ đoàn kết, chung sức đồng lòng, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó và các mục tiêu Tập đoàn đề ra, xây dựng và phát triển Petrovietnam thành tập đoàn công nghiệp - năng lượng hàng đầu đất nước, khu vực. Dựa trên tinh thần “Một đội ngũ - Một mục tiêu”, Tập đoàn sẽ tiếp tục khai mở những cơ hội trong khó khăn, thách thức, làm mới động lực cũ và bổ sung động lực mới, đưa Tập đoàn vươn tới những đỉnh cao mới./.