Cần mức thuế đủ mạnh với đồ uống có đường

Xã hội - Ngày đăng : 15:02, 26/11/2024

(BKTO) - Các chuyên gia khuyến nghị, cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Việc này vừa giúp tằng nguồn thu ngân sách, vừa đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, giảm thiểu chi phí y tế điều trị đối với các bệnh mãn tính, tăng sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe…
241120241253-dsc_1852_1.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Đồ uống có đường làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì ở trẻ

Ngày 24/11, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo góp ý Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt về áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường; phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho biết, Hội thảo nhằm cung cấp thông tin cập nhật cho các đại biểu Quốc hội về ảnh hưởng của đồ uống có đường đối với tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em; vai trò của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường trong phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em. Qua đó, giúp các đại biểu Quốc hội có thêm cơ sở tham khảo trong quá trình xem xét, cho ý kiến Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt về việc áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.

Tại Hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, việc tiêu thụ đồ uống có đường thường xuyên và quá nhiều là yếu tố góp phần làm tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em, gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Phó Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia Trương Tuyết Mai nêu rõ, tiêu thụ đồ uống có đường trong thời thơ ấu có liên quan đến nguy cơ béo phì và thừa cân/béo phì cao hơn ở 5 tuổi. Uống thêm mỗi 100ml đồ uống có đường mỗi ngày có liên quan đến chỉ số BMI cao hơn và tăng nguy cơ thừa cân/béo phì lên 1,2 lần ở tuổi lên 6.

Ngoài ra, đồ uống có đường còn ảnh hưởng đến hệ xương, răng của trẻ; vấn đề huyết áp, tim mạch; giảm hấp thu các chất dinh dưỡng; bệnh lý thận, tiết niệu; bệnh lý đường tiêu hoá, ung thư; đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, sa sút trí tuệ…

Qua khảo sát trên 5.147 trẻ em, thanh thiếu niên và người chăm sóc trẻ ở các thời điểm trẻ 11, 13 và 16 tuổi cho thấy, các trẻ uống nước ngọt thường xuyên hơn có hành vi hung hăng hơn tại mỗi thời điểm và các triệu chứng trầm cảm ở lứa tuổi 11 và 13.

241120241204-dsc_2088.jpg
Phó Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia Trương Tuyết Mai chia sẻ ý kiến tại Hội thảo. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Đồng quan điểm, chuyên gia dinh dưỡng của UNICEF Đỗ Hồng Phương cảnh báo, trẻ em bị thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh không lây nhiễm như: Tiểu đường, tim mạch, ung thư, các bệnh mãn tính khác và tử vong sớm. Bên cạnh đó còn có thể bị tác động tiêu cực về tâm lý và xã hội, chịu các định kiến về cân nặng, bị cô lập, trầm cảm, thiếu tự tin, kết quả học tập kém.

Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh việc cần thiết phải có biện pháp giảm tiêu thụ đồ uống có đường để bảo vệ sức khỏe.

“Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường. Trẻ em từ 2 đến 18 tuổi, nên hạn chế lượng đường tiêu thụ xuống dưới 25g mỗi ngày; đồ uống có đường giới hạn không quá 235ml mỗi tuần” - Phó Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia Trương Tuyết Mai khuyến cáo.

Cần mức thuế đủ mạnh để đạt hiệu quả bảo vệ sức khỏe

Theo các đại biểu, để giảm tiêu thụ đồ uống có đường ở trẻ em, Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép các cửa hàng bán đồ ăn nhanh, đồ uống có đường; xây dựng quy định về hạn chế quảng cáo, khuyến mại, tài trợ của các nhãn hàng đối với thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em.

Đặc biệt, các ý kiến đề nghị cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Việc này vừa giúp tằng nguồn thu ngân sách, vừa đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, giảm thiểu chi phí y tế trực tiếp để điều trị đối với các bệnh mãn tính, tăng sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Đồng thời góp phần giúp Việt Nam thực hiện đầy đủ Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em trong chăm sóc dinh dưỡng.

TS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Viện Chiến lược và Chính sách y tế lưu ý, cần nghiên cứu thị trường đồ uống định kỳ để xác định các sản phẩm được tiêu dùng phổ biến ngoài danh mục TCVN 12828: 2019 về nước giải khát để kịp thời đề xuất bổ sung vào danh mục đối tượng chịu thuế.

Riêng với đồ uống có chất dinh dưỡng nhưng có hàm lượng đường cao được trẻ em tiêu dùng phổ biến, cần có lộ trình đưa vào đối tượng chịu thuế; áp dụng nguyên tắc tính thuế theo ngưỡng đường nhằm tạo sự khác biệt rõ rệt về mức giá theo hàm lượng đường, tạo động lực để nhà sản xuất cắt giảm lượng đường trong sản phẩm và tạo môi trường thuận lợi để trẻ được tiếp cận với sản phẩm lành mạnh hơn (ít đường hơn/không đường), góp phần giảm đà gia tăng thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam.

241120241234-dsc_2354.jpg

Số lượng các quốc gia áp thuế với đồ uống có đường trên thế giới đang tăng rất nhanh. Đến tháng 8/2023, đã có ít nhất 104 quốc gia đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Trong đó, gần 2/3 quốc gia áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp. Gần 1/5 quốc gia áp dụng nguyên tắc lượng đường càng cao thì mức thuế càng lớn.

TS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Viện Chiến lược và Chính sách y tế

Về phương pháp tính thuế và thuế suất, các đại biểu cho rằng, cần xây dựng lộ trình áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường để đến 2030 thuế suất đạt 20% giá bán lẻ, đạt mức đủ mạnh để đạt hiệu quả bảo vệ sức khỏe theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Đồng thời, cần có lộ trình tính đến hàm lượng đường khi xây dựng mức thuế nhằm tạo sự khác biệt về giá giữa đồ uống có hàm lượng đường thấp với đồ uống có hàm lượng đường cao, tạo động lực để doanh nghiệp cắt giảm lượng đường trong đồ uống, cung cấp cho thị trường đa dạng các sản phẩm ít đường hơn hoặc không đường, duy trì được doanh số bán hàng, giảm thiểu tác động của chính sách đến doanh nghiệp.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh, về mặt chính sách pháp luật, cùng với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, các luật khác về an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, quảng cáo... cũng cần có quy định về vấn đề này. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp đồng bộ về thông tin, tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao và thay đổi nhận thức về hành vi đối với đồ uống có đường, cũng như các thực phẩm chứa đường khác.

PV