Phòng, chống lãng phí từ nội Ngành: Nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Kiểm toán nhà nước
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 04:54, 28/11/2024
Kịp thời ban hành các Chương trình hành động
KTNN vừa là cơ quan Bộ, ngành sử dụng tài chính, tài sản nhà nước vừa là công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Nhận thấy rõ vai trò quan trọng của công tác này, những năm qua, Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo KTNN đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành quán triệt, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để thực hiện tốt nhiệm vụ PCLP từ nội Ngành cũng như trong hoạt động kiểm toán.
Trong đó, đối với công tác PCLP từ nội Ngành, thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP, căn cứ vào Chương trình tổng thể của Chính phủ về công tác này theo từng năm và từng giai đoạn, KTNN kịp thời ban hành Chương trình hành động của KTNN về THTK, CLP theo năm và theo từng giai đoạn; trong đó chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp về tăng cường THTK, CLP, đáp ứng kịp thời, phù hợp theo yêu cầu thực tiễn và quy định rõ trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân vi phạm. Cuối năm, Lãnh đạo KTNN yêu cầu các đơn vị có báo cáo THTK, CLP để tổng hợp toàn Ngành, đồng thời gửi Hội đồng Thi đua - Khen thưởng KTNN làm căn cứ đánh giá kết quả THTK, CLP. Hằng năm, KTNN đều có Công văn hướng dẫn các đơn vị về tổ chức thực hiện dự toán năm, trong đó yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm Luật THTK, CLP, Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công trong nội Ngành.
Giai đoạn 2016-2021, KTNN đã thực hiện 88 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quản lý, điều hành và việc tổ chức hoạt động kiểm toán của các đơn vị trong Ngành. Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào trách nhiệm của người đứng đầu; việc chấp hành Quy chế tổ chức hoạt động đoàn kiểm toán, các quy trình kiểm toán, chuẩn mực kiểm toán; nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng cấp quản lý, đảm bảo tuân thủ nghiêm quy định của Luật KTNN và các quy định pháp luật về THTK, CLP.
Cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật về THTK, CLP cũng được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của từng đơn vị, từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động KTNN. Đồng thời, KTNN cũng rất chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong THTK, CLP tại KTNN. Đây có thể coi là một trong những biện pháp cần thiết để những chương trình hành động về THTK, CLP thực sự đi vào thực tiễn và đạt được những kết quả tích cực.
Cắt giảm tối đa dự toán đối với nhiều nhiệm vụ, hoạt động
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác PCLP từ nội Ngành đã đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể, trong quản lý và sử dụng ngân sách, việc xây dựng dự toán năm của KTNN đảm bảo các nhiệm vụ trọng tâm theo tiêu chuẩn, định mức quy định trên tinh thần: Cắt giảm những nhiệm vụ, số cuộc kiểm toán với chủ trương “gọn nhưng chất lượng”; cắt giảm dự toán các hội nghị, hội thảo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của đơn vị bằng các hình thức họp trực tuyến, họp không giấy tờ...; xây dựng định mức chi tiêu nội Ngành phù hợp thực tế. Đặc biệt, năm 2024, để đảm bảo tiết kiệm ngân sách, KTNN đã chủ động cắt giảm 1/3 các khoản chi khi tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập Ngành.
Giai đoạn 2016-2021, KTNN đã tiết kiệm trong sử dụng ngân sách nhà nước 200,921 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tiết kiệm từ chi quản lý hành chính như công tác phí, xăng dầu, văn phòng phẩm, thông tin liên lạc, hội nghị, hội thảo, tiếp khách.
Đối với các dự án đầu tư cơ sở vật chất, trong giai đoạn vừa qua, KTNN đã đôn đốc, rà soát đẩy nhanh tiến độ hoàn thành; chỉ đạo quyết liệt bằng mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhanh chóng lập hồ sơ trình quyết toán và đưa công trình vào hoạt động. Đặc biệt, thực hiện chủ trương THTK, CLP, từ năm 2016 đến nay, KTNN đã nghiêm túc cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản.
Trong quản lý, sử dụng tài sản công, KTNN cũng tổ chức đấu thầu chặt chẽ, đảm bảo tiết kiệm hiệu quả đối với một số nhiệm vụ như mua sắm xe chuyên dùng, đặc thù đã được phê duyệt định mức, số lượng theo quy định; rà soát kỹ việc mua sắm đảm bảo số lượng thực sự cần thiết. Việc trang bị, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc được thực hiện chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định của Nhà nước và của Ngành. Công tác quản lý và sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, tài sản, phương tiện, công cụ, dụng cụ đảm bảo đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức theo chế độ, quy định và phù hợp với nhiệm vụ.
Về quản lý, sử dụng lao động, KTNN phát triển tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, phù hợp với chủ trương chung của hệ thống chính trị. KTNN cũng đã xây dựng các đề án về tổ chức biên chế, tinh giản biên chế, vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức. Công tác nhân sự tiếp tục được củng cố; quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; tuyển dụng, sử dụng cán bộ gắn với yêu cầu công việc, vị trí việc làm; thực hiện nghiêm việc phân loại, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức để tinh giản biên chế hoặc sắp xếp lại vị trí công việc.
Tóm lại, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo KTNN, trong những năm qua, toàn Ngành đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để PCLP. Nhờ đó, công tác quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước được tăng cường; mục tiêu THTK, CLP trong quản lý chi thường xuyên, các nội dung tiết kiệm cơ bản đạt được; nguồn nhân lực được quản lý và sử dụng hiệu quả. Kết quả này góp phần tích cực vào công tác PCLP của Đảng và Nhà nước.
Phòng, chống lãng phí gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành
Tiếp tục thực hiện kế hoạch và chương trình cụ thể của KTNN về PCLP gắn với mục tiêu, giải pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của Ngành, thời gian tới, KTNN tập trung vào một số công việc sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh và duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật các nghị quyết, kết luận, chỉ thị về THTK, CLP của Đảng, Nhà nước và của KTNN, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay Tổng Bí thư, Trung ương Đảng đã có những chỉ đạo quyết liệt về việc PCLP trong sử dụng tài chính công, tài sản công. Tiếp tục đưa tiêu chí về THTK, CLP thành tiêu chí đánh giá, phân loại thi đua hằng năm đối với tập thể đơn vị và cá nhân.
Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện, bổ sung các văn bản quy định của KTNN làm cơ sở THTK, CLP; quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thông qua việc thường xuyên rà soát các quy trình, quy định, các quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế sử dụng tài sản công để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Rà soát xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới với mục tiêu cụ thể, tiến tới thẩm định phê duyệt những dự án thiết thực, mang lại hiệu quả, đảm bảo chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí và hướng tới đơn giản hóa các thủ tục, đảm bảo công khai, minh bạch trong lĩnh vực quản lý tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng, tuyển dụng, nâng ngạch. Các đơn vị trong Ngành công khai, minh bạch trong lĩnh vực hoạt động, chế độ, định mức, tiêu chuẩn nhằm triển khai có hiệu quả chương trình THTK, CLP.
Thứ ba, tiếp tục rà soát thực hiện chủ trương tiết kiệm chi thường xuyên trong việc lập và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc; đảm bảo công khai tài chính, hoạt động mua sắm, trang bị tài sản và đầu tư xây dựng. Tạo điều kiện để tổ chức công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được tiếp cận, kiểm tra, giám sát đầy đủ việc sử dụng kinh phí theo quy định của Nhà nước.
Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát việc THTK, CLP đối với các hoạt động liên quan đến sử dụng tài chính công, tài sản công tại đơn vị và có biện pháp ngăn chặn, xử lý đối với tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm gây lãng phí ngân sách và tài sản nhà nước./.
Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công đã cụ thể hóa trách nhiệm của KTNN trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Việc triển khai thực hiện tốt quy định này cũng là giải pháp để KTNN nâng cao hiệu quả công tác THTK, CLP. Do đó, Ban cán sự đảng KTNN phối hợp với Đảng ủy KTNN đã ban hành Công văn số 1053-CV/ĐU ngày 31/10/2024 về thực hiện nội dung sinh hoạt tháng 11/2024, yêu cầu phổ biến, quán triệt Quy định 189 đến toàn thể cán bộ, đảng viên thông qua sinh hoạt chi bộ; đồng thời giao nhiệm vụ cho Văn phòng Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Đoàn thể phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch phổ biến, quán triệt Quy định và tổ chức triển khai thực hiện trong toàn Ngành.