Động lực thúc đẩy tăng trưởng từ kinh tế số

Kinh tế - Ngày đăng : 16:05, 28/11/2024

(BKTO) - Thương mại điện tử và kinh tế số được đánh giá là điểm sáng của phát triển và tăng trưởng kinh tế Việt Nam, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục sau giai đoạn khó khăn kéo dài; trong nước, các hoạt động dịch vụ đang trên đà sôi động trở lại…
13.-dn.jpg
Cần tập trung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong sản xuất và trong lĩnh vực năng lượng, đồng thời thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững. Ảnh: ST

Triển vọng của kinh tế số trong bối cảnh mới

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài, tháng 9/2024, đa số các tổ chức quốc tế đều nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 với con số dự báo đạt khoảng 3,2%. Nền kinh tế Việt Nam được dự đoán tăng trưởng cao hơn năm trước từ 0,9 đến 1,1 điểm phần trăm.

Báo cáo “Kinh tế số Đông Nam Á năm 2024” do Google - Temasek công bố ngày 05/11/2024 đề cập con số ước tính quy mô nền kinh tế số Việt Nam đạt 36 tỷ USD năm 2024, tăng 16% so với năm ngoái. Trong đó, thương mại điện tử bán lẻ tiếp tục đóng góp lớn nhất với con số 22 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2023 và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế số.

Đưa ra dự báo về triển vọng, Báo cáo nghiên cứu của Google - Temasek nêu rõ: Tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam tiếp tục ổn định nhờ vào lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Cụ thể, đến năm 2030, giá trị giao dịch toàn thị trường thông qua nền tảng trực tuyến có thể dao động từ 90-200 tỷ USD. Với đà tăng trưởng mạnh mẽ này, thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam sẽ có những bước đột phá và trở thành một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nhấn mạnh, đây chính là thời điểm thích hợp để Việt Nam xây dựng những mô hình và chiến lược mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp và tổ chức trong bối cảnh mới.

Các chuyên gia ngành công thương nhận định rằng, trong kỷ nguyên số, cùng với việc ban hành các văn bản, chính sách thuận lợi nhằm thúc đẩy kinh tế số phát triển tạo động lực cho tăng trưởng, những việc làm cụ thể cần thực hiện trước hết là tập trung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong sản xuất và trong lĩnh vực năng lượng, đồng thời thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững.

Ông Trương Thanh Hoài cho biết, những năm vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ngành công thương, triển khai Chiến lược Quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số; trong đó tập trung vào việc tăng cường xây dựng chính phủ điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số trên 3 lĩnh vực ưu tiên gồm: Thương mại điện tử; sản xuất xanh, công nghiệp thông minh, năng lượng sạch; dịch vụ logistics chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.

Khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số thông qua chính sách

Trên hành trình tiến tới phát triển mạnh mẽ kinh tế số, ngoài những nỗ lực xây dựng và tổ chức thực thi các chính sách từ phía các cơ quan chức năng có liên quan, cần thiết phải có sự tham gia, “chung tay góp sức” của các doanh nghiệp cung cấp giải pháp hạ tầng chuyển đổi số, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số điển hình, các doanh nghiệp chủ chốt trong lĩnh vực thương mại điện tử, sản xuất và năng lượng. Sự kết hợp này sẽ “kích hoạt” các giải pháp chuyển đổi số hướng tới mục tiêu phát triển xanh, bền vững trong tương lai - các chuyên gia nhận định.

Đơn cử, đối với ngành công thương, để phát triển kinh tế số, muốn phát triển thương mại điện tử phục vụ cho nền kinh tế số, cần triển khai các giải pháp xây dựng thị trường thương mại điện tử bền vững, thu hẹp khoảng cách số và tăng tính liên kết giữa các địa phương, vùng, miền, đồng thời chú trọng đến yếu tố môi trường thuận lợi cho thương mại điện tử phát triển.

Theo bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), 5 năm qua, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam không ngừng tăng lên nhanh chóng. Đặc biệt, năm 2023, Việt Nam đã chứng kiến bước nhảy vọt của thương mại điện tử. Báo cáo của Amazon Global Selling Việt Nam cho thấy, hơn 17 triệu sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam đã được xuất khẩu qua thương mại điện tử, tăng 50% về giá trị và tăng 40% về số lượng đối tác bán hàng. Xuất khẩu qua thương mại điện tử đã tăng trưởng 26% so với năm 2022. Đây là những con số minh chứng rõ ràng nhất cho tiềm năng to lớn và sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng nền tảng số.

Đối với lĩnh vực sản xuất, các chuyên gia nhấn mạnh, chuyển đổi xanh là xu thế không thể đảo ngược, là yêu cầu bắt buộc của thị trường đối với các doanh nghiệp. Từ thực tiễn tại doanh nghiệp, ông Đặng Vũ Hùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc PPJ Group - cho biết, quá trình chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh của doanh nghiệp đã nhận được nhiều sự trợ giúp từ chính sách. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho công nghệ, đầu vào của sản xuất rất lớn khiến giá thành sản phẩm tăng cao so với phương pháp sản xuất truyền thống trước đây. “5 năm qua, PPJ Group đã đầu tư hàng chục triệu USD cho chuyển đổi xanh và con số này sẽ chưa dừng lại. Chi phí đầu tư cho chuyển đổi rất lớn nhưng cái giá phải trả nếu doanh nghiệp chậm chuyển đổi hoặc không chuyển đổi sẽ lớn hơn nhiều lần” - ông Đặng Vũ Hùng cho biết.

Theo ý kiến của các doanh nghiệp, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách, trong đó có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh, như giảm thuế, ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính. Cụ thể, các chính sách ưu đãi thuế cần chú trọng, khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, có chính sách thuế tài nguyên áp dụng cho các doanh nghiệp và dự án có đóng góp tích cực đối với môi trường; tạo lập các quỹ hỗ trợ đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo và công nghệ xanh. Đồng thời, chính sách tín dụng xanh cần được đẩy mạnh thông qua các kênh cho vay hỗ trợ lãi suất đối dành cho các dự án bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch, công nghệ tái chế... Thêm vào đó, nên khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, tiết kiệm nguyên liệu, cũng như sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, giúp bảo vệ tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường./.

QUỲNH ANH