VAA khai giảng khóa đào tạo Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế - IFRS
Kiểm toán - Kế toán - Ngày đăng : 19:25, 29/11/2024
Tham dự Lễ khai giảng có GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Chủ tịch Liên Đoàn Kế toán Đông Nam Á, Chủ tịch VAA; ThS. Nguyễn Đức Nghĩa - Giám đốc chuyên môn, ICAEW Việt Nam; ông Phạm Cao Kỳ - Cục Quản lý giám sát Kế toán, Kiểm toán, Bộ Tài chính.
IFRS là một bộ quy định và chuẩn mực kế toán được chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu, hướng dẫn cách thức lập và trình bày báo cáo tài chính. Việc áp dụng IFRS là cầu nối giúp các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, tiếp cận phương thức hoạt động phát triển bền vững theo bộ tiêu chuẩn ESG về quản trị, môi trường và xã hội. Ngoài ra, IFRS giúp đơn giản hóa quá trình hợp nhất báo cáo tài chính từ các công ty con ở nhiều quốc gia khác nhau.
Để giúp đội ngũ kế toán, kiểm toán nâng cao kiến thức và kỹ năng về IFRS, các doanh nghiệp tạo ra báo cáo tài chính minh bạch, nhất quán và dễ hiểu hơn, góp phần nâng cao uy tín và niềm tin của nhà đầu tư, VAA xây dựng chương trình đào tạo Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế cho các đối tượng làm công tác kế toán, kiểm toán, kiểm soát nội bộ ở các cơ quan, đơn vị.
Chương trình đào tạo gồm 4 cấp độ: Cấp độ Khởi động (10h) trang bị các kiến thức nền tảng nhất về hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS; Cấp độ Cơ bản (30h) trang bị các kiến thức và kỹ năng về các chuẩn mực cơ bản liên quan đến khung chung về trình bày BCTC, các chuẩn mực về tài sản, nợ phải trả;
Cấp độ Chuyên sâu (20h) trang bị các kiến thức và kỹ năng, cách thức giải quyết tình huống nhóm chuẩn mực có tính xét đoán chuyên môn và ước tính kế toán cao; Cấp độ Nâng cao (20h) nâng tầm nghề nghiệp kế toán lên mức độ cao hơn với các kiến thức và kỹ năng ở cấp độ bao quát hơn, liên quan đến các chuẩn mực về công cụ tài chính, hợp nhất kinh doanh.
Phát biểu khai giảng khóa học Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế - Cấp độ khởi động, GS,TS. Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh: IFRS là một trong những chuẩn mực quan trọng nhất trong lĩnh vực kế toán và kiểm toán. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc hiểu và áp dụng IFRS sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam, từ việc thu hút đầu tư nước ngoài đến việc nâng cao uy tín trên thị trường quốc tế. Chính vì vậy, việc bồi dưỡng kiến thức về IFRS là rất cần thiết cho các chuyên gia kế toán, kiểm toán và quản lý tài chính.
Việc áp dụng IFRS mang lại rất nhiều lợi ích, như: Tăng tính minh bạch; so sánh dễ dàng; tiết kiệm chi phí; thu hút đầu tư quốc tế; cải thiện quản trị doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu pháp lý; nâng cao uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp trên thị trường. Những lợi ích này không chỉ giúp các công ty hoạt động hiệu quả hơn mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Tham dự khóa học, các học viên được các giảng viên có kinh nghiệm chia sẻ kiến thức, từ các nguyên tắc cơ bản đến những vấn đề phức tạp trong việc áp dụng IFRS. Qua đó, các học viên sẽ hiểu rõ về IFRS, từ đó nâng cao tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực kế toán, tài chính, quản trị doanh nghiệp, góp phần xây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam, GS,TS. Đoàn Xuân Tiên kỳ vọng.
Ngày 16/3/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Đề án áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính tại Việt Nam bao gồm phương án và lộ trình áp dụng IFRS. Theo đó, giai đoạn 1 (2022 - 2025) áp dụng tự nguyện; giai đoạn 2, sau năm 2025 Bộ Tài chính quy định phương án, thời điểm bắt buộc áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính hợp nhất cho từng nhóm doanh nghiệp thuộc các đối tượng: Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước; Công ty mẹ là công ty niêm yết; Công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết; Công ty mẹ quy mô lớn khác; và quy định phương án, thời điểm áp dụng bắt buộc hoặc áp dụng tự nguyện IFRS để lập báo cáo tài chính riêng cho từng nhóm đối tượng doanh nghiệp.