Đổi mới, nỗ lực, tăng tốc, bứt phá để hoàn thành các mục tiêu
Chính trị - Ngày đăng : 13:39, 01/12/2024
Sáng nay, 01/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Tổng Bí thư Tô Lâm; Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; lãnh đạo các ban, bộ, ngành…
Đồng chí Ngô Văn Tuấn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương.
Hội nghị được kết nối tới 14.535 điểm cầu trực tuyến trên toàn quốc với trên 1,3 triệu đại biểu tham dự.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Kiểm toán nhà nước (KTNN) có đồng chí Nguyễn Tuấn Anh - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước; Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ KTNN; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy KTNN; Ủy viên Ban Chấp hành các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ KTNN; Lãnh đạo cấp vụ và tương đương tại các đơn vị...
Cấp bách tinh gọn bộ máy
Tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Hưng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương - đã truyền đạt các nội dung chính, trọng tâm trong triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Nghị quyết 18).
Đồng chí Lê Minh Hưng cho biết: Qua 7 năm thực hiện, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, việc tổ chức, thực hiện Nghị quyết 18 đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, việc sắp xếp tổ chức bộ máy vẫn chưa đồng bộ, thiếu tổng thể, chưa gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa rõ ràng, còn trùng lặp, chồng chéo…
Trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới, đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã thống nhất rất cao với quyết tâm chính trị mạnh mẽ để thực hiện chủ trương tổng kết sớm, toàn diện Nghị quyết 18 trong toàn hệ thống chính trị.
Bộ Chính trị xác định, việc tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt để hoàn thành việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo đúng mục tiêu, yêu cầu và tiến độ đề ra.
Việc tổng kết phải tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học, cầu thị, cụ thể, sâu sắc, khẩn trương; đánh giá nghiêm túc, toàn diện về tình hình và kết quả đạt được, xác định rõ những yếu kém, bất cập, nguyên nhân; đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông.
Cải cách tổ chức bộ máy phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới…
Đây là thời điểm cấp thiết, là thời cơ để tinh gọn bộ máy. Không thể chậm trễ trong việc thực hiện nhiệm vụ cấp bách này.
Tổng Bí thư Tô Lâm
Liên quan đến nội dung này, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Đây là thời điểm cấp thiết, là thời cơ để tinh gọn tổ chức bộ máy và hệ thống chính trị. Nhiệm vụ này không thể chậm trễ, phải làm càng sớm, càng tốt để có lợi cho dân, cho đất nước. Tinh gọn bộ máy không chỉ là giảm về quy mô, số lượng mà sâu sa là thay đổi về chất lượng của hệ thống chính trị để hoạt động hiệu quả hơn.
Tháo gỡ nút thắt, đổi mới thể chế
Với chuyên đề “Tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: Tại Kỳ họp họp thứ 8, Quốc hội đã khẩn trương, quyết liệt đẩy mạnh đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới, cải tiến để quyết tâm nâng cao chất lượng xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Quốc hội đã biểu quyết thông qua 18 luật, xem xét, thông qua 21 nghị quyết, trong đó có 4 nghị quyết quy phạm pháp luật luật với tỷ lệ tán thành cao; Quốc hội cũng đã cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác.
Với tinh thần đổi mới từ tư duy đến hành động trong quá trình chuẩn bị, tổ chức Kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp đối với 7 luật, 4 nghị quyết quan trọng. Trong đó, nhiều quy định mới được đánh giá là chính sách đột phá, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng…
Quốc hội cũng đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy tối đa nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thực tiễn của đất nước đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết. Nhân dân đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, Nhà nước. Trong thời gian tới, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới, bứt phá trên cơ sở thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, nổi bật là việc triển khai nhanh chóng, kịp thời các luật, nghị quyết vừa được thông qua, khẩn trương quán triệt tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật có hiệu quả, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong hệ thống chính trị và toàn dân; quán triệt nghiêm yêu cầu cấp bách của công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong giai đoạn mới.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng ghi nhận Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã có sự đổi mới tư duy sâu sắc về xây dựng pháp luật.
Khẳng định đổi mới thể chế không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan xây dựng pháp luật mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, Tổng Bí thư yêu cầu phải đột phá hơn nữa về thể chế, tháo gỡ hết điểm nghẽn để khơi thông nguồn lực, trong đó, Nhà nước phải đóng vai trò kiến tạo môi trường phát triển.
Nỗ lực, tăng tốc hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Thủ tướng Chính phủ cho biết: Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư, tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.
Dự kiến, 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, trong đó, tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt trên 7% (Việt Nam thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới); kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao.
Việt Nam đã có đủ thế và lực, đủ ý chí, quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tổng Bí thư Tô Lâm
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nhiều ngày lễ kỷ niệm lớn. Cùng với đó, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Trước bối cảnh đó, Thủ tướng yêu cầu: Tất cả các cấp, các ngành, các địa phương phải có tư duy đổi mới, đột phá với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”; “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”; “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, trở thành quốc gia giàu mạnh, thịnh vượng và Nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng về tiếp tục hoàn thể chế, tinh gọn bộ máy; phát triển kinh tế; huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…
Khẳng định Đại hội Đảng các cấp là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của toàn Đảng, toàn dân, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng chuẩn bị chu đáo các văn kiện và công tác nhân sự, trong đó, các văn kiện phải thể hiện được tầm nhìn, mục tiêu, phát triển vươn mình giàu mạnh của dân tộc trong kỷ nguyên mới.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh: Để đạt được các mục tiêu phát triển, chúng ta phải đổi mới tư duy, cởi trói, bứt phá, vươn lên chính mình, phải có các bài toán rút gọn để sớm đưa ra kết quả. Đột phá hơn nữa về thể chế, tháo gỡ hết điểm nghẽn để khơi thông nguồn lực, kiến tạo môi trường cho phát triển. Nỗ lực, tăng tốc để đạt được các mục tiêu.
Các địa phương phải trăn trở, suy nghĩ trên chính mảnh đất của mình; từng cơ quan, đơn vị, địa phương đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể để đóng góp vào mục tiêu chung. Mạnh dạn đổi mới sáng tạo, đột phá để đất nước phát triển.
Đồng thời, “phát triển kinh tế xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Đấy là trách nhiệm, nhiệm vụ của Nhà nước, của Chính phủ” - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh./.